Tiếp tục chuyến làm việc tại tỉnh Hậu Giang, chiều 11/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hậu Giang về tình hình phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo và công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của địa phương.
Dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên - Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Hậu Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của tỉnh.
Nhiều chính sách dành cho nhà giáo; đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Báo cáo về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết: Toàn tỉnh hiện có 314 cơ sở giáo dục và đào tạo; quy mô, mạng lưới trường, lớp phát triển khá đồng bộ; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 83,07%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn ngành giáo dục Hậu Giang hiện có gần 9.363 công chức, viên chức và người lao động, trong đó cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên chiếm 99,26%, đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 95,76%. Hiện tỉnh còn thiếu trên 650 giáo viên ở các cấp học.
Tỉnh đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bằng việc ban hành Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó chú trọng đến các lợi thế của tỉnh để xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Cùng với Chiến lược phát triển giáo dục, tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên, khi được tuyển dụng mới và chuyển công tác ngoài tỉnh về dạy môn Anh văn, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc ở các cơ sở giáo dục công lập. Hiện nay toàn tỉnh đã thu hút được 66 giáo viên dạy các môn mới này.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, phòng học tin học, ngoại ngữ các cấp học, với tổng kinh phí hơn 375 tỷ đồng.
Công tác xã hội hóa giáo dục được tỉnh đặc biệt quan tâm, trong 20 năm từ khi thành lập tỉnh đã vận động được hơn 531 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp học.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh trao đổi về khó khăn của giáo dục Hậu Giang.
Về chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cho hay: Năm nay, tỉnh Hậu Giang có có 7.282 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh đã bố trí 20 điểm thi với tổng số 320 phòng thi.
Để đảm bảo chỉ đạo kỳ thi đạt hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và phê duyệt các văn bản tổ chức phân công nhân sự cụ thể cho các hoạt động phục vụ công tác thi trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh Hậu Giang đang tập trung tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo đúng quy chế và tiến độ kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế về giáo dục và đào tạo như: Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc do không có nguồn tuyển. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng...
Với một số khó khăn đặt ra, tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ GDĐT tham mưu Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 116 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên.
Phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét trong việc thực hiện chủ trương giảm biên chế 10% viên chức ngành giáo dục theo lộ trình, đề nghị không thực hiện chủ trương này đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định số lượng cấp phó tại các cơ sở giáo dục, tương ứng với quy mô trường, lớp.
Kết quả giáo dục tác động tốt tới phát triển kinh tế - xã hội
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đánh giá: Kết quả, chất lượng giáo dục của Hậu Giang sau 20 năm thành lập đã nâng lên; đã lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng trong phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Xuân Thành, nếu so với cả nước giáo dục Hậu Giang còn cần những bước rất dài; giáo dục không thể ngày một ngày hai được, nhưng nếu không tập trung nỗ lực từ hôm nay, khoảng cách giáo dục sẽ ngày càng xa.
Mặc dù là tỉnh nhỏ nhưng có khát vọng phát triển giáo dục và đào tạo, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ GDĐT cho giáo dục Hậu Giang.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao Hậu Giang dù không phải tỉnh lớn, quy mô giáo dục, đội ngũ giáo viên không lớn nhưng đã làm được nhiều việc. Kết quả của giáo dục tác động tốt tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ trưởng nhấn mạnh tới một số kết quả tích cực của giáo dục Hậu Giang như tỷ lệ phổ cập tiểu học, tỷ lệ huy động trẻ đến trường, chỉ số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao, việc đảm bảo được đội ngũ giáo viên, thu hút giáo viên các môn học mới… với mong muốn giáo dục Hậu Giang đã làm tốt sẽ làm tốt hơn, phát huy được những thuận lợi, tiếp tục đạt được những kết quả bền vững, lâu dài.
Lưu ý một số việc cụ thể, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là đối với bậc mầm non, tăng cường cho bậc học nhỏ nhất được hưởng điều kiện tốt. Cùng với đó là chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục mầm non mới.
Tiếp tục định hướng phát triển các trường ngoài công lập để tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người học, triển khai ứng dụng học bạ số, quan tâm triển khai các chương trình dạy học trải nghiệm và các kỹ năng… cũng là những lưu ý được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập với tỉnh Hậu Giang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!