Tuyển sinh đại học 2024

Nhiều ngành hút thí sinh, nhiều ngành khó tuyển dù đầu ra thiếu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 25/07/2024 05:54 GMT+7

VTV.vn - Những ngành học như kinh doanh, công nghệ đang có sức hút đặc biệt. Những ngành khoa học cơ bản nhiều năm trở lại đây vô cùng khó khăn trong việc thu thút thí sinh.

Các thí sinh xét tuyển đại học đang ở giai đoạn cân nhắc để đặt nguyện vọng. Thời hạn cuối là 30/7. Chọn ngành học mình thích, chọn ngành mình có khả năng đỗ hay chọn ngành thu nhập cao? Những vấn đề mà cả phụ huynh và thí sinh đều đang cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Nhưng có thể thấy rằng, những ngành như kinh doanh, công nghệ đang có sức hút đặc biệt. Những ngành khoa học cơ bản như nhiều năm trở lại đây vô cùng khó khăn trong việc thu thút thí sinh.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tỷ lệ thí sinh chọn vào các ngành nghề năm 2023 cho thấy, đứng đầu bảng là các ngành:

Kinh doanh và quản lý: 23,57%

Máy tính và công nghệ thông tin: 11,27%

Công nghệ kỹ thuật: 10,05%

Chỉ 3 ngành này đã chiếm gần 45% thí sinh.

Trong khi đó, hàng loạt lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là:

Nông lâm nghiệp và thủy sản: 0,86%

Khoa học tự nhiên: 0,50%

Toán và Thống kê: 0,50%

Dịch vụ xã hội: 0,41%

4 ngành khoa học cơ bản chỉ chiếm 2% tổng số lượng đăng ký của thí sinh

Những băn khoăn, thậm chí là e ngại khi tìm kiếm việc làm có thu nhập tốt sau khi ra trường khiến cho các ngành khoa học cơ bản gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội rất khó để hấp dẫn sinh viên, đó là các ngành như Triết học, Khoa học giáo dục, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Toán và Thống kê... Tuy khó tuyển sinh nhưng thực tế hiện nay, những ngành này lại đang rất thiếu nguồn nhân lực.

Ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân, Khoa Vật lý, trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội. Nhiều năm nay, khoa đề ra số lượng thấp, chỉ 40 chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ. Như năm 2022 tuyển còn thiếu 6 em. Năm 2023 thì thiếu 10 em. Mức điểm chuẩn cũng vừa phải, như năm nay dự kiến 20,5-22 điểm.

Cùng chung cảnh ế ẩm là các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Khoa Thủy sản - Học viện nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu đề ra.

Nhiều ngành hút thí sinh, nhiều ngành khó tuyển dù đầu ra thiếu - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Nỗi sợ phải ra nắng mưa, chân lấm tay bùn khiến nhiều phụ huynh và thí sinh ngại chọn các ngành này. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực lại rất lớn. Như các ngành mỏ, địa chất, doanh nghiệp đặt hàng với nhà trường mà không có người để tuyển.

Hiện nay, khối ngành kinh doanh đang chiếm số lượng lớn về cơ sở đào tạo. Nhiều ngành như Thủy sản thì lại phải đóng cửa vì không có thí sinh. Cần có chính sách vĩ mô điều chỉnh để thí sinh vào học những ngành cần thiết hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đổi mới đào tạo ngành khoa học cơ bản

Muốn thu hút sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản thì rõ ràng nhà nước phải có các chính sách phát triển các ngành này hơn nữa. Kế hoạch cần dài hơi hơn trong nhiều năm mới có thể thực sự tạo ra thay đổi. Bản thân các cơ sở đào tạo cũng phải đổi mới từ chương trình cho đến thiết bị giảng dạy.

Những chiếc máy gia tốc vài chục tỷ đồng, những thiết bị phân tích vật liệu hiện đại thực sự đầu tư đổi mới chương trình học, kết nối cơ hội đào tạo với mạng lưới các trường trên thế giới, triển khai dự án nghiên cứu dài hơi để sinh viên được học và làm việc sau khi ra trường. Những giải pháp này sẽ giúp ngành khoa học cơ bản kéo sinh viên theo học, đảm bảo nguồn nhân lực cho đất nước.

Đổi mới đào tạo là một khâu trong cả quá trình, bởi cần giúp thí sinh thấy được những giá trị về mặt vị trí, thu nhập sau khi ra trường theo các ngành học khoa học cơ bản. Có lẽ nhiều thí sinh không hề biết học Toán - Thống kê là có thể làm các vị trí quan trọng trong các ngân hàng, công ty kiểm toán lớn. Ở các ngành khoa học cơ bản khác cũng vậy, nhiều thí sinh đang chọn ngành dễ học, dễ làm... nhưng không có nghĩa là có thu nhập cao, vị trí cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước