Sơn La: Cần giải pháp dài hơi để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học

TTXVN-Thứ hai, ngày 19/12/2022 11:33 GMT+7

Giờ học môn tiếng Anh của học sinh lớp 3 tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Tè, huyện Vân Hồ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

VTV.vn - Sau thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tại tỉnh Sơn La đã xuất hiện tồn tại, khó khăn. Đó là không đủ giáo viên các bộ môn tiếng Anh, Tin học.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảng dạy của giáo viên cũng như học tập của học sinh.

Khi giáo viên phải "chạy sô"

Năm học 2022-2023, khối lớp 3, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Mường Tè, huyện Vân Hồ có 4 lớp. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, học sinh lớp 3 bắt đầu được học thêm môn tiếng Anh. Tuy nhiên, chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh nhưng nhà trường lại có 4 điểm trường lẻ nên giáo viên thường xuyên phải di chuyển đến các bản khác nhau để dạy học.

Thầy Bàn Văn Đàn, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Mường Tè chia sẻ, khoảng cách giữa các điểm trường từ 5-10km nên giáo viên rất khó khăn khi phải đi từ điểm trường này sang điểm trường khác trong một buổi học. Hiện nay, thầy khắc phục bằng cách tập trung dạy từ 1 - 2 điểm trường trong một buổi; đồng thời cho học sinh chuyển sang học buổi chiều.

Ngoài ra, nhà trường đang thiếu giáo viên chính quy dạy môn Tin học. Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Mường Tè Nguyễn Văn Tuyển cho hay, nhà trường chưa có giáo viên dạy môn Tin học. Việc giảng dạy Tin học của khối Trung học Cơ sở do giáo viên bộ môn Toán, Lý đảm nhiệm. Đối với bậc Tiểu học, trường cắt cử một số giáo viên văn hóa giảng dạy. Những giáo viên này mới đang theo học lớp bồi dưỡng ngắn hạn hoặc tự bồi dưỡng thêm.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tại huyện Sông Mã, theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, số giáo viên Tin học, tiếng Anh còn thiếu nhiều. Theo đó, toàn huyện thiếu 24 giáo viên tiếng Anh và 24 giáo viên Tin học. Trong đó, có 8 trường chưa có giáo viên tiếng Anh, Tin học.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã Nguyễn Công Viên cho biết, đối với môn tiếng Anh, Phòng cử giáo viên Trung học Cơ sở xuống giúp dạy chương trình lớp 3 nhằm đảm bảo 100 % học sinh được học tiếng Anh theo quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Đó là phương pháp dạy học của thầy cô giáo mặc dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nhưng chưa đáp ứng với học sinh tiểu học...

Học sinh phải "học chay"

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Thôn Mòn, huyện Thuận Châu hiện có hơn 30 lớp ở hai bậc học nhưng chỉ có một phòng thực hành Tin học. Năm học này, nhà trường bắt đầu thực hiện giảng dạy môn Tin học cho học sinh tiểu học đã bộc lộ hạn chế. Đó là tuy chung một trường nhưng điểm Trường Tiểu học lại cách điểm Trường Trung học Cơ sở hơn 2km.

Sơn La: Cần giải pháp dài hơi để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học - Ảnh 1.

Giờ thực hành môn Tin học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thôn Mòn, huyện Thuận Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Thầy Vũ Ngọc Hoàn, giáo viên Tin học, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Thôn Mòn thông tin, đối với môn Tin học, học sinh học lý thuyết một phần, thực hành chủ yếu. Việc giảng dạy môn Tin học gặp nhiều khó khăn do phải di chuyển từ điểm trường Tiểu học sang điểm Trường Trung học Cơ sở để thực hành, trong khi học sinh còn nhỏ. Ngoài ra, phòng Tin học hiện có 20 máy nên không đủ điều kiện cho các em học tập.

Tình trạng này đang xảy ra tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Mường Tè, huyện Vân Hồ khiến việc học tập của học sinh chưa đảm bảo.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Tè Nguyễn Văn Tuyển cho biết, trường có 4 điểm trường nhưng chỉ có một phòng Tin học đặt tại điểm trường của khối Trung học Cơ sở. Do đó, tại các điểm lẻ, học sinh chỉ học lý thuyết không có máy để thực hành.

Thông tin thêm về vấn đề này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ Phạm Thanh Hải cho hay, hiện nay, có rất ít trường được trang bị phòng Tin học. Trong các gói đầu tư, mua sắm sắp tới, Phòng đề xuất trang bị thêm phòng Tin học cho các trường. Tuy nhiên, những phòng máy để học Tin học chỉ đặt ở điểm trung tâm của trường, với điểm trường lẻ, Phòng xác định đây là việc rất khó khăn. Bởi nếu điểm nào cũng đầu tư phòng máy tính sẽ rất tốn kém, không có đủ phòng học để bố trí thành phòng Tin học.

Cần có giải pháp dài hơi

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên thực hiện giảng dạy bộ môn Tin học và tiếng Anh cho bậc Tiểu học nên chỉ có khối lớp 3 theo học. Trong những năm tiếp theo, số khối lớp học những môn này tăng lên. Đồng nghĩa với việc số tiết, giờ dạy tăng theo. Nếu không khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, việc giảng dạy các bộ môn mới còn nhiều trở ngại.

Cô Vương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Thôn Mòn, huyện Thuận Châu chia sẻ, hiện nay, các thầy cô không có thời gian soạn giảng, đầu tư giáo án. Bởi số tiết lên lớp, thời gian lên lớp quá tải. Để giải quyết trước mắt, nhà trường cùng các thầy cô đồng hành để tháo gỡ. Về lâu dài, nhà trường kiến nghị bố trí đầy đủ giáo viên theo quy định. Có như vậy, giáo viên mới đảm bảo về sức khỏe, chất lượng và chuyên môn.

Mới đây tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV, các đại biểu đã chất vấn đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo về giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học hai môn Tin học, tiếng Anh.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Hoàng cho biết, đối với bậc Tiểu học, môn tiếng Anh hiện có 226 giáo viên, còn thiếu 124 giáo viên; môn Tin học hiện có 75 giáo viên, thiếu 35 giáo viên.

Trong khi đó, theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn 2022-2026, tỉnh Sơn La tiếp tục phải giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2022. Tương ứng ngành Giáo dục và Đào tạo phải giảm trên 2.700 biên chế.

Để đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và dạy học các môn Tin học, tiếng Anh ở lớp 3 cấp Tiểu học nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo đề nghị, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục báo cáo, trình cơ quan chức năng xem xét, giao bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh theo định mức quy định.

Ngoài ra, các huyện, thành phố hàng năm bố trí ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có thiết bị dạy học Tin học, tiếng Anh ở cấp Tiểu học và đủ kinh phí cho giáo viên dạy thêm giờ, hợp đồng giáo viên giảng dạy...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước