Những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2018

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 26/12/2018 12:06 GMT+7

VTV.vn - Nhìn lại năm 2018 vừa qua, ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả tích cực được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận.

Các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam

Những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2018 - Ảnh 1.

Các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 15/3/2018, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Báo cáo nêu rõ, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang có khoảng 331 triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD. Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như tại Việt Nam.

Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.

Lần đầu tiên Việt Nam có các trường đại học lọt Top châu lục và thế giới

Những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2018 - Ảnh 2.

Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong hai trường của Việt Nam lọt lọt top 1.000 đại học thế giới. Ảnh: ĐHQGHN

Năm 2018, lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lọt top 1.000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings). Đó là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.

Cũng theo Quacquarelli Symonds, kết quả xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á năm 2019 (QS Asia 2019), có 7 trường đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 124), ĐH Quốc gia TP.HCM (144), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 261-270), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (nhóm 351-400), ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng (nhóm 451-500).

Học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế, Khoa học trẻ quốc tế đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay

Những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2018 - Ảnh 3.

Đoàn Việt Nam đã đạt những thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực. Ảnh: CTV

Cùng với việc chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, trong Kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực năm 2018, học sinh Việt Nam đã đoạt 13 Huy chương Vàng; 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng.

Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc khi tất cả các đoàn tham dự đều có thí sinh đạt Huy chương Vàng và 100% các học sinh đi thi đều đoạt Huy chương, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trên thế giới, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Bên cạnh đó, tại Hội thi khoa học kỹ thuật Intel ISEF 2018 tại Hoa Kỳ, đoàn học sinh Việt Nam là 1 trong số 43 quốc gia có dự án đoạt giải của Hội thi. Còn tại Kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) cả 6/6 học sinh đều giành Huy chương với 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc - đây là thành tích cao nhất sau 9 năm tham gia kỳ thi này của học sinh Việt Nam.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với nhiều điểm mới

Những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2018 - Ảnh 4.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy giáo dục đại học phát triển.

Cụ thể là: Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam nhưng không gây xáo trộn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện hành; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ; đổi mới quản trị đại học, xác định mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục để quản trị đại học được hiệu quả; trao thực quyền cho Hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế...

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Năm 2018 - Năm khủng hoảng của ngành giáo dục Năm 2018 - Năm khủng hoảng của ngành giáo dục

VTV.vn - Có thể nói, chưa có năm nào ngành giáo dục nước ta lại đón nhận nhiều nỗi buồn như năm 2018. Rõ ràng, ngành giáo dục đang gặp những khủng hoảng lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước