Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới

PV-Thứ bảy, ngày 22/12/2018 13:38 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, giáo dục nghề nghiệp cũng cần phải có sự thay đổi để bắt kịp với nhu cầu đặt ra.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực một cách bền vững đang là vấn đề bức thiết được đặt ra. Đây là chủ đề chính được đưa ra thảo luận trong Ngày hội truyền thông trong khuôn khổ dự án CATALYST được tổ chức tại Viện Ngoại ngữ - trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây. 

Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự Ngày hội truyền thông – dự án CATALYST

Dự án CATALYST (Communicative Approaches in University Vocational Teaching Methodology focusing on Improving Educational Yield and Sustainability - Cách tiếp cận giao tiếp trong phương pháp giảng dạy hướng nghiệp ở bậc đại học nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của giáo dục) có sự tham gia của 13 đối tác giáo dục đến từ 6 quốc gia bao gồm Rumani, Đức, Anh, Ai-len, Việt Nam và Lào. Với mục tiêu chính là xây dựng và triển khai Bộ Chương trình Cốt lõi toàn diện mang tính sư phạm, trong đó áp dụng thiết kế mô-đun theo Hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu (ECTS) có điều chỉnh phù hợp với thực trạng giáo dục nghề nghiệp ở bậc đại học của Việt Nam và Lào, dự án đã mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với các cơ sở đào tạo cũng như đội ngũ giáo viên, sinh viên tại các cơ sở đào tạo nghề.

Tại Ngày hội truyền thông – Dự án Catalyst, PGS.TS. Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã khẳng định đây mà một cơ hội tuyệt vời để quảng bá mục tiêu của dự án, về những bước tiến và sản phẩm của dự án, cụ thể là chương trình giảng dạy cốt lõi theo thiết kế hệ thống tín chỉ Châu Âu mà các trường đại học đối tác đã xây dựng và triển khai trong đợt thí điểm lần thứ nhất tại Việt Nam và Lào trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để những người làm giáo dục gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề học thuật và hành chính diễn ra ở các đại học Việt Nam cũng như ở những bối cảnh giáo dục đại học khác.

PGS.TS. Trần Văn Tớp cũng thể hiện hy vọng rằng sự kiện này sẽ đem lại những hiểu biết cụ thể liên quan phương pháp giảng dạy chất lượng cao theo tiêu chuẩn châu Âu, các công cụ giảng dạy sáng tạo để cải thiện chất lượng sinh viên tốt nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao khả năng được tuyển dụng của sinh viên sau khi ra trường.

Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới - Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu khai mạc

Trong bài phát biểu "Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập", TS. Nguyễn Đức Hỗ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ LĐTB&XH, đã chỉ ra vai trò của giáo dục nghề nghiệp với nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập và một số yếu tố tác động đến GDNN đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam. Theo TS Nguyễn Đức Hỗ, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh hiện nay là quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, đầu tư trang thiết bị đào tạo và quản lý đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực, chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, phát triển đào tạo nghề tại doanh nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Đức Hỗ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ LĐTB&XH

Đứng trước sự thay đổi về kỹ thuật và sự đổi mới về cơ sở hạ tầng và liên kết ngành, ông Pravesh Kumar Verma - Giám đốc Chiến lược về Công nghệ và Tiếp thị trực tuyến - Language Link Việt Nam đã nêu ra một số kỹ năng người lao động cần trang bị để đảm bảo cho công việc của bản thân như kỹ năng STEM ở mọi cấp độ, ICT và lập trình, các kỹ năng giúp tiếp nhận, vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật; sự sáng tạo, kỹ năng xã hội (sự tương tác, chăm sóc), các nhiệm vụ đòi hỏi sự khéo tay, không thể tự động hoá, giảm thiểu tác động tiêu cực của những tổn thất nghề nghiệp.

Vào chiều 18/12, hơn 150 sinh viên sắp ra trường đã được gặp gỡ, tiếp xúc với một số nhà tuyển dụng nhằm giải đáp những thắc mắc của các em, cũng như được định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp trong tương lai. Các em cũng được trải nghiệm một buổi phỏng vấn xin việc với các nhà tuyển dụng và đã nhận được những phản hồi quý báu về kỹ năng trả lời phỏng vấn của mình.

Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới - Ảnh 4.

Các nhà tuyển dụng đặt câu hỏi cho sinh viên tham gia chương trình

Có thể nói, trong suốt thời gian triển khai từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2018, dự án CATALYST đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Ông Gerald Cullen - cán bộ dự án đến từ ĐH Công nghệ Dresden và là đại diện Liên minh châu Âu, đã một lần nữa khẳng định dự án CATALYST sẽ là một giải pháp cập nhật và kịp thời để chuẩn bị nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc và khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa và dịch chuyển lao động trong thời gian rất gần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước