Vụ việc 231 cái tát chưa kịp lắng xuống, nỗi đau chưa kịp nguôi, mới đây nghi vấn thầy hiệu trưởng dâm ô chính học sinh trong ngôi trường của mình lại xảy ra. Ngoài ra, còn nhiều vụ việc khác của ngành giáo dục trong năm 2018. Vấn đề được đặt ra là việc xử lý khủng hoảng này như thế nào để có thể tạo tâm lý ổn định cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh khi 3 đối tượng này vẫn phải gặp nhau hàng ngày.
Phóng viên VTV đã tham khảo cách giải quyết của một giáo viên lâu năm trước những vụ việc này:
- Tìm hiểu vụ việc;
- Làm việc với ban chuyên môn để thống nhất phương án xử lý tốt nhất;
- Làm việc với phụ huynh học sinh;
- Thông báo lên cấp trên.
Nhìn cách xử lý vụ việc 231 cái tát tại trường THCS Duy Ninh, tỉnh Quảng Bình hay những vụ việc của ngành giáo dục trước đó, có thể thấy cả giáo viên và người quản lý đang bị bối rối trong cách giải quyết vấn đề. Có một điểm chung ở các sự cố của ngành là những người trong cuộc luôn né tránh, không dám đối diện với câu chuyện.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc hội thảo nhằm mục đích tìm ra các nhóm áp lực đối với giáo viên và cách giải tỏa những áp lực này, đây cũng là một cách để giải tỏa khủng hoảng. Bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ gặp phải khủng hoảng giáo dục, nhất là các nước phát triển. Ngành giáo dục Việt Nam đang có sự chuyển mình, các xung đột giữa triết lý giáo dục cũ và mới cũng là cơ sở gây nảy sinh những vấn đề giáo dục tự thân. Ngành giáo dục cũng phải thay đổi, thích ứng trước những thay đổi của xã hội và dự báo được sự thay đổi đó, nếu không giáo dục đã đi lùi với triết lý vốn có của nó và khủng hoảng sẽ xảy ra, khủng hoảng sau sẽ lớn hơn khủng hoảng trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!