Dân tộc Cống là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên và là một trong những dân tộc ít người. Tại Điện Biên, đồng bào dân tộc Cống sinh sống tại 4 bản thuộc 3 xã của các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên với hơn 210 hộ, gần 1.150 nhân khẩu. Được sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền, công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc Cống có những bước phát triển đáng mừng. Đặc thù vùng miền còn khó khăn, câu chuyện "gieo chữ" tại vùng đồng bào dân tộc Cống cũng lắm gian nan. Từ trong khó khăn đó, vẻ đẹp về trách nhiệm, tâm hồn người giáo viên lại được khẳng định.
Đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), giáp biên giới Việt - Lào, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km. Chúng tôi phải đi trên con đường đầy dốc cao, quanh co men theo suối Nậm Núa, tiếp tục "đánh vật" với khoảng 4 km đường đất đầy ổ gà, trơn trượt, qua hai cầu treo bắc qua suối mới đặt chân vào vùng đồng bào dân tộc Cống sinh sống.
Giữa trưa nắng gắt ở thung lũng lọt thỏm với tứ bề là núi và đá, tiếng nói cười, nô đùa của các cháu học sinh đã giúp chúng tôi nhận ra phương vị địa lý của điểm trường ở cuối bản. Điểm trường bản Púng Bon (Trường Tiểu học và Mầm non xã Pa Thơm) có 33 học sinh, tất cả đều là con em dân tộc Cống. Bậc Mầm có một lớp với 21 cháu, ở độ tuổi từ 2 đến 5. Bậc Tiểu học có hai lớp (lớp 1 và lớp 2) với 12 cháu. Giáo viên trực tiếp giảng dạy tại đây chỉ có ba người, đều là nữ.
Cô giáo Vương Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non và Tiểu học xã Pa Thơm cho biết: Cơ sở vật chất của trường tuy đã được kiên cố từ nhiều năm, nhưng thực tế "sự học" ở đây còn nhiều trăn trở. Ở cấp Tiểu học, điểm trường tại bản Púng Bon là điểm trường duy nhất, nằm cách trường trung tâm hơn 4 km. Còn ở cấp Mầm non, ngoài điểm trường này còn có 5 điểm trường khác nằm rải rác ở các bản xa xôi, trong số đó có những điểm trường nằm cách trung tâm xã hơn 30 km, giáp biên giới Việt - Lào như điểm trường các bản Buôm En, Huổi Moi của cộng đồng dân tộc Cống, Lào, Xá.
Đường đến điểm trường Mầm non Huổi Moi rất khó khăn, vất vả, đường bộ chỉ đi được bằng xe máy nhưng rất khó khăn. Gặp ngày mưa, việc tiếp cận điểm trường đối với các cô giáo chẳng khác gì cuộc "đánh vật" với cung đường đầy ổ gà, ổ voi, sống trâu và trơn trượt như như đổ mỡ. Việc giáo viên ngã bị xe trên con đường vào bản chẳng phải chuyện hiếm. Nếu muốn vào điểm trường nhanh, di chuyển bằng xuồng, xuôi theo dòng suối Nậm Núa. Nhưng "cơ may" này chỉ có thể thực hiện khi suối Nậm Núa nhiều nước, còn vào mùa cạn, lòng suối lổn nhổn đá, không thể di chuyển được.
Hơn 22 năm công tác trong nghề, về điểm trường bản Púng Bon công tác được 2 năm nhưng những khó khăn, vất vả ở địa bàn này, cô giáo Vương Thị Nga đã "nếm đủ". Cô Nga bộc bạch: Thời tiết, khí hậu tại khu vực vùng núi, vùng cao, vùng thung lũng này khắc nghiệt lắm, nắng thì nóng đến khô rát nhưng lạnh thì đến mức tê cóng, nhức buốt chân tay. Chỉ cần sinh sống trong này một năm, trải qua 2 mùa mưa và khô, sẽ cảm nhận được điều đó. Ngoài ra, do các cháu học sinh là con em đồng bào dân tộc Cống, công tác giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho gặp nhiều vất vả khi bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ giáo viên "cắm bản" phải gần gũi với bà con đồng bào dân tộc để tự học, trang bị cho mình biết sử dụng được một "ngoại ngữ" mới: tiếng nói của cộng đồng dân tộc. Có như thế, việc vận động, tuyên truyền con em ra trường, đến lớp trong những dịp khai giảng đầu năm học sẽ thuận lợi hơn.
Công tác ở điểm bản Púng Bon được 3 năm, là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Phạm Thị Hường thấu hiểu những vất vả, khó khăn khi công tác ở địa bàn xa xôi này. "Các cháu học sinh ở vùng đồng bào Cống rất ham học, chăm đến lớp nhưng trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu bài giảng khá chậm, kỹ năng mềm của các cháu cũng hạn chế. Trước những khó khăn này, đòi hỏi giáo viên phải thật sự thương yêu học sinh, tâm huyết và trách nhiệm với nghề", cô Hường nói.
Cô Phạm Thị Hường kể, gia đình cô ở huyện Điện Biên, cách điểm trường hơn 20 km nhưng thi thoảng dịp cuối tuần thứ Bảy và Chủ Nhật, cô mới ngược những con dốc của thung lũng để về với gia đình và mang nguồn lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết trở lại trường, phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt trong những ngày ở lại trường. Nếu cô không về được, chồng của cô sẽ thay cô thực hiện việc đó.
Tại điểm trường này, cô giáo Phạm Thị Hường đảm nhiệm cương vị giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy đồng thời hai lớp: lớp 1 (6 học sinh) và lớp 2 (6 học sinh). Hai lớp này là lớp ghép nên mỗi khi đứng lớp, cô Hường "thống lĩnh" một lúc hai bục giảng, hai giáo án.
Niềm vui mà cô Phạm Thị Hường luôn trân quý, coi như động lực để phấn đấu trong nghề là từng ngày nhìn thấy các em học sinh của mình khôn lớn, bản thân cô luôn được phụ huynh quý mến. Với cô, vào những dịp hè khi xa điểm trường, xa bản, thời gian như đằng đẵng vì nỗi nhớ trò, nhớ bản, nhớ bà con. Đó cũng là lý do vì sao, trong những dịp hè, cô lại tự mình đi xe máy vượt hành trình đường đèo dốc, đồi núi để được về lại bản, lại trường, thăm người dân, học sinh. "Bản làng, người dân và các cháu nơi đây đã gắn với cuộc sống của tôi rồi, tôi muốn được dạy, cống hiến ở điểm trường này mãi", cô Hường nói.
Đối diện với lớp dạy của cô Phạm Thị Hường qua mảnh sân rộng, bằng phẳng là lớp Mầm non do hai cô Quàng Thị Phượng, Lò Thị Minh đảm nhận công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy học. Lớp có 21 cháu, dân tộc Cống, thuộc các độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi.
Cô Quàng Thị Phượng, giáo viên Mầm non điểm bản Púng Bon cho biết, ở địa bàn khó khăn nhưng trường luôn thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ, 100% trẻ được theo dõi và đánh giá bằng các biểu đồ tăng trưởng. Công tác vệ sinh, quản lý chất lượng bữa ăn và thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ với tình hình thực tiễn địa phương luôn nhà trường thực hiện tốt.
Cô Quàng Thị Phượng cho biết, trước khi về công tác tại điểm trường bản Púng Bon, cô đã có 8 năm công tác ở điểm trường bản Pá Vạt - vùng cao xa xôi, khó khăn của huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Về công tác ở điểm trường bản Púng Bon, điều mà cô sợ nhất là mùa đông, mùa của giá rét, mùa của khó khăn chồng chất khó khăn. Vào mùa đông, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô Phượng và cô Minh phải tích cực vận động, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa giáo dục từ bản, từ chính quyền nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu theo học tại trường.
Tận mắt thấy công việc mỗi ngày các cô Quàng Thị Phượng, Lò Thị Minh say sưa với việc tập múa, tập hát, tắm rửa, chải tóc và giặt giũ quần áo cho các cháu; chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu rồi tận dụng giờ nghỉ trưa để chăm sóc vườn rau xanh mà các cô tăng gia trong khuôn viên trường…, chúng tôi cảm nhận được sự tận tụy với nghề, tình yêu thương mà các cô dành cho các cháu nơi đây.
Nỗ lực cống hiến với nghề rõ nhất mà đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Bon ai cũng biết là hiện tại cô Lò Thị Minh đang mang bầu 7 tháng, cô Quàng Thị Phượng đang mang bầu được 3 tháng. Gia đình hai cô đều ở xa điểm trường hàng chục km nhưng hai cô luôn biết tự chăm sóc mình, giải quyết hài hòa việc gia đình để hoàn thành tốt việc chuyên môn.
Ông Lò Văn Tha, Trưởng bản bản Púng Bon, xã Pa Thơm cho biết: Các cháu học sinh đồng bào Cống thường hay nhút nhát, sợ gặp người lạ nhưng đi học một thời gian thì tính cách lại rất hòa đồng, vâng lời bố mẹ, ông bà, biết hát, biết đọc, viết, nói thành thạo tiếng Việt nên phụ huynh rất vui. Hơn nữa, do bản làng của người Cống ở xa trung tâm, gần như biệt lập nên kỹ năng nuôi dạy trẻ, đề phòng tai nạn thương tích trẻ em của phụ huynh còn hạn chế, các cháu được nuôi dạy ở trường trong sự quan tâm, yêu thương của các cô giáo, chúng tôi càng yên tâm hơn về tương lai của các cháu.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng Phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên, do địa bàn huyện rộng, đa số đời sống đồng bào vùng dân tộc, biên giới còn khó khăn, tỷ lệ nghèo còn cao, nhiều điểm trường mầm non và tiểu học xa trung tâm nên công tác phát triển giáo dục vẫn còn những khó khăn, thách thức. Năm học 2018 - 2019, huyện Điện Biên còn hai trường Mầm non, Tiểu học và 47 điểm trường chưa có điện quốc gia, 6% số phòng học, phòng công vụ, phòng ở bán trú học sinh là phòng tạm. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho các trường, nhất là đối với các trường thuộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với nhà giáo, học sinh theo quy định để động viên, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ giáo viên trong ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!