Thầy giáo vùng cao miệt mài truyền dạy tiếng, chữ dân tộc

Theo VOV-Chủ nhật, ngày 18/11/2018 11:12 GMT+7

Lớp học tiếng Thái của thầy Hoàng Phúc Đại.

VTV.vn - Thầy giáo Hoàng Phúc Đại luôn tâm huyết dành công sức truyền dạy tiếng, chữ dân tộc Thái cho cán bộ địa phương vùng cao biên giới.

Ở trường Tiểu học-THCS Chiềng Khoi, thuộc huyện vùng cao biên giới Yên Châu, Sơn La, thầy giáo Hoàng Phúc Đại được biết đến là người luôn tâm huyết với việc truyền dạy tiếng, chữ dân tộc Thái. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn tại trường, thầy dành nhiều công sức và có đóng góp không nhỏ trong việc truyền dạy tiếng, chữ dân tộc cho cán bộ địa phương.

Là người Thái, yêu thích tiếng, chữ dân tộc mình, nên ngay khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo Hoàng Phúc Đại đã mày mò học hỏi và biết đọc, biết viết tiếng và chữ Thái. Thầy trăn trở trước thực trạng nhiều bà con, đặc biệt là lớp trẻ không biết, dẫn tới nguy cơ tiếng, chữ dân tộc dần bị mai một. Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Tây Bắc năm 1999, thầy Đại công tác ở nhiều đơn vị trường học khác nhau thuộc khu vực 3 (vùng 3) biên giới, khó khăn của 2 huyện Mộc Châu và Yên Châu, tỉnh Sơn La. Bận rộn, khó khăn là vậy, thầy vẫn dành thời gian trau dồi kiến thức đã được học về chữ Thái, vì chữ Thái cổ thuộc một trong bộ chữ khó viết, khó ghép câu, ghép vần.

Thấy thầy Đại thạo tiếng mẹ đẻ, biết nguyên tắc ghép âm, vần, cộng với kỹ năng sư phạm tốt, năm 2011, phòng Giáo dục - Đào tạo Yên Châu cử thầy đi đào tạo lại về tiếng, chữ dân tộc tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Sơn La và tiếp tục tham gia khóa bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc Thái để làm nòng cốt trong công tác truyền dạy cho nhiều đối tượng học viên của các dân tộc khác nhau tại địa phương như: Thái, Mông, Xinh Mun, Kinh, Tày…

Thầy giáo Hoàng Phúc Đại nói: "Học viên của tôi thuộc nhiều thành phần dân tộc, thuộc nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, hơn nữa ngôn ngữ chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc Thái cũng rất phong phú và đa dạng nên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình truyền đạt cũng như tiếp thu. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng tìm tòi các phương pháp giảng dạy phù hợp nhất với từng đối tượng, nhằm giúp người học tiếp cận một cách hiệu quả nhất với bài học. Qua đó giúp cho người học trở về với vị trí công tác của mình có thể đọc thông, viết thạo, giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ chữ viết, và am hiểu một phần về phong tục tập quán của dân tộc".

Ngoài là cộng tác viên giảng dạy tiếng, chữ dân tộc Thái của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, thầy Đại được tham gia nhiều cuộc Hội thảo của Bộ GD&ĐT về bảo tồn, phát triển tiếng chữ dân tộc Thái; tham gia phản biện trong Hội đồng nghiệm thu tài liệu giảng dạy chữ và tiếng Thái cho các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục thường xuyên của các huyện, thành phố.

Từ năm 2014 đến nay, tranh thủ thứ 7, chủ nhật hàng tuần và kỳ nghỉ hè, thầy Đại đã truyền dạy cho trên 300 học viên là cán bộ viên chức các cơ quan đơn vị và giáo viên các nhà trường ở huyện Yên Châu về tiếng, chữ Thái.

Chị Lừ Thị Minh, giáo viên Trường Mầm non Thuỷ Tiên thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La, là một trong những học viên của thầy Hoàng Phúc Đại cho biết: "Mình là người Thái, nhưng từ nhỏ chưa được học chữ Thái nên không biết chữ viết của dân tộc mình, thậm chí nói cũng chưa chuẩn, mà Yên Châu thì có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nên việc học chữ, tiếng Thái là rất cần thiết. Thầy có cách giảng dạy rất dễ hiểu. Qua lớp học của thầy, tôi đã đọc thông, viết thạo, hiểu biết thêm những phong tục tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình, thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy của mình".

Là phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS Chiềng Khoi, vừa làm công tác quản lý, tham gia giảng dạy cho các em học sinh tại Nhà trường, thầy Đại vẫn sắp xếp thời gian để có thể tham gia các lớp giảng dạy tiếng và chữ Thái. Mặc dù nhà trường chưa đưa chương trình giảng dạy tiếng Thái vào trường học, nhưng bằng những hiểu biết của mình, thầy luôn tìm cách lồng ghép vào các bài giảng những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc, trong đó có ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái, để các em học sinh biết trân trọng, gìn giữ.

Ông Bùi Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Chiềng Khoi, Yên Châu, Sơn La cho biết: "Thầy giáo Hoàng Phúc Đại có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, hàng năm thầy luôn được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh nhiệm vụ chính tại Nhà trường, thầy luôn say mê tìm hiểu về tiếng nói, chữ viết của người Thái và đã tham gia giảng dạy cho đội ngũ, công chức, viên chức của huyện Yên Châu trong nhiều năm qua, góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hoá dân tộc của người Thái".

Thầy giáo Hoàng Phúc Đại nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Sự ghi nhận ấy là nguồn cổ vũ để thầy thêm yêu nghề, thêm tâm huyết với công việc truyền dạy tiếng, chữ dân tộc mình: "Ngoài làm công tác quản lí, đảm nhiệm tốt chuyên môn tại nhà trường, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với việc truyền dạy tiếng chữ Thái. Bằng cách đi sâu nghiên cứu các tài liệu, đổi mới phương pháp giảng dạy; đồng thời cố gắng khắc phục những khó khăn của bản thân, gia đình, sắp xếp thời gian cho việc nghiên cứu, tìm tòi nhiều tài liệu hơn nữa để phục vụ tốt hơn trong công tác giảng dạy tiếng chữ Thái. Và tôi cũng mong các cấp các ngành sẽ quan tâm mở nhiều lớp học hơn nữa cho nhiều đối tượng học, đặc biệt là đưa chương trình này vào giảng dạy trong các cấp học, các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn. Để góp phần gìn giữ và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái cho thế hệ sau không bị mai một"- Thầy Đại chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước