Thời gian qua, trên mạng Internet xuất hiện hàng loạt bộ đề thi minh họa tương tự như bộ đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 5/10/2016. Truy cập các trang mạng học trực tuyến, học sinh hoa mắt trước hàng trăm đề thi ở các môn như Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, Văn, Sử, Địa, Sinh… ở dạng thi trắc nghiệm khách quan.
Đáng nói, bằng những lời quảng cáo như bộ đề thi do các thầy cô giáo giỏi, giàu kinh nghiệm biên soạn, học sinh có thể tải về miễn phí, dễ dàng để tự ôn luyện... nhiều học sinh cảm thấy băn khoăn vì dễ tiếp cận nhưng không chắc chắn về tính chính xác. Thậm chí, nhiều trung tâm luyện thi theo các dạng đề thi này cũng mọc lên ngày một nhiều khiến học sinh chuẩn bị cho thi THPT Quốc gia năm 2017 lo lắng, hoang mang.
Em Tuấn Anh – học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho biết: "Ở trường, các thầy có vẫn dạy và ôn tập cho chúng em đầy đủ các dạng bài tuy nhiên, phần vì lo lắng, phần vì muốn thử sức nên ngoài bộ đề minh họa, em và các bạn cũng tìm trên mạng thêm các bộ đề khác để thử giải để xem kiến thức của mình đến đâu".
Ngoài ra, nhiều em học sinh cũng lo lắng khi giải đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra. Em Nguyễn Trang, học sinh sinh năm 1999 đang theo học tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội bày tỏ: "Em có thử làm đề thi và thú thực không giải được hết. Em cũng bấm thời gian nhưng làm thử không kịp. Có thể em chưa nắm hết được kiến thức, nhưng cũng vì có câu hơi hóc búa".
Trao đổi với VTV News về những băn khoăn trên của các em học sinh, PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, các thắc mắc, băn khoăn của các em học sinh, chủ yếu là học sinh lớp 12, trên thực tế Bộ đã nắm được.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo
PGS. TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ: "Do đề thi THPT quốc gia, ngoài việc dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT còn làm cơ sở để các trường Đại học, Cao đẳng xét tuyển, nên đề thi phải có tính phân hóa. Do vậy, không phải tất cả các học sinh đều có thể làm hết được tất cả các câu hỏi của bài trong thời gian quy định".
Về vấn đề đề thi minh họa, PGS. TS Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh "Đề thi minh họa sẽ giúp học sinh hình dung được mức độ khó của đề thi THPT quốc gia, tỷ lệ các câu hỏi khó và các câu hỏi đánh giá kiến thức cơ bản làm cơ sở để em có định hướng trong ôn tập. Dù thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận, em cũng cần nắm vững kiến thức mới có thể làm bài được. Do vậy, các em nên tập trung ôn tập, bám sát vào chương trình giảng dạy ở trường".
Đại diện Bộ GD&ĐT lưu ý, các em học sinh cần yên tâm ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên nhà trường, tránh sa đà vào những đề minh họa trôi nổi trên mạng dễ gây tâm lý hoang mang. Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa để học sinh hình dung và sắp tới sẽ ban hành Quy chế tuyển sinh để thí sinh đăng kí dự thi THPT Quốc gia 2017 yên tâm ôn luyện, đạt kết quả tốt nhất.
"Sau khi Bộ ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2017, các trường Đại học, Cao đẳng sẽ căn cứ vào quy chế này để xây dựng phương án xét tuyển và công bố công khai để thí sinh được biết. Hiện Bộ đang khẩn trương để có thể ban hành sớm được quy chế tuyển sinh", PGS. TS Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 12/9, Bộ GD&ĐT từng lên tiếng khẳng định, các đề thi trắc nghiệm môn Toán trên không phải là để thi minh họa của Bộ. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các thí sinh nên tham khảo ý kiến các thầy cô giáo khi nghiên cứu các đề thi này, tránh nhầm lẫn với đề thi minh hoạ chính thức của Bộ GD&ĐT.
Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 14 đề thi minh họa của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 để giáo viên và học sinh tham khảo. Các đề thi minh họa này sẽ không được sử dụng làm đề thi chính thức nhưng qua đó học sinh sẽ hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức để ôn tập.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!