Học sinh hoang mang vì "ma trận" đề thi thử online

Minh Đức-Thứ hai, ngày 24/10/2016 18:14 GMT+7

VTV.vn - Đứng trước "ma trận" đề thi thử trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia 2017, nhiều học sinh cảm thấy mất phương hướng ôn tập.

Ma trận đề thi thử THPT Quốc gia 2017

Ngay sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo công bố đề thi trắc nghiệm minh họa Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, rất nhiều trang mạng xã hội, trang ôn thi online đưa ra loạt bộ đề trắc nghiệm các môn mang tính tương tự như bộ đề minh họa, bao gồm đề ra và đáp án. Giữa hàng trăm, hàng ngàn bộ đề như vậy, những tưởng học sinh sẽ dễ dàng ôn luyện và thử sức mình nhưng thực chất lại dễ gây mất phương hướng cho học sinh khi chất lượng của những bộ đề này thì chưa ai kiểm chứng được.

Truy cập các trang học trực tuyến hay các fanpage học online dễ thấy mục tổng hợp các đề thi thử ĐH dành cho tất cả các môn, đặc biệt là các môn thi trắc nghiệm như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Năm nay, môn Toán được chuyển đổi phương pháp thi từ tự luận sang trắc nghiệm nên đặc biệt có sự chú ý, quan tâm của tất cả giáo viên và học sinh. Thậm chí, trước khi Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố đề thi minh họa, một số trang web học online đã tự công bố đề thi thử để các em học sinh thử sức và làm quen trước. Và ngay sau khi Bộ công bố đề thi minh họa, hàng loạt đề thi thử trắc nghiệm đã được tung ra.

Học sinh hoang mang vì ma trận đề thi thử online - Ảnh 1.

Loạt đề thi thử trắc nghiệm được tung ra trên mạng

Nếu gõ chữ Đề thi thử trắc nghiệm THPT Quốc gia 2017, trên mạng internet sẽ hiện lên vô số kết quả như: "500 câu Toán trắc nghiệm thi thử THPT Quốc gia 2017", "Đề thi thử trắc nghiệm THPT Quốc gia 2017 có đáp án", "100 Đề thi và đề thi thử Online môn toán học"…. Tất cả những đề thi này đều được đăng tải công khai, miễn phí trên các trang web học trực tuyến, được giới thiệu là biên soạn bởi các thầy cô giáo dạy giỏi và uy tín. Học sinh có thể dễ dàng tải về để luyện tập làm bài thi.

Theo quảng cáo, những đề thi này đều dựa vào cấu trúc của đề thi minh họa của Bộ, khoanh vùng kiến thức lớp 12, thay mới toàn bộ đề luyện thi so với mọi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số thầy cô, rất nhiều bộ đề trên mạng không có tính khách quan, thậm chí là tự loại bỏ bớt những vấn đề khó, không đề cập được đến những ngóc ngách của kiến thức, khó giúp thí sinh định hướng ôn tập.

Học sinh bấn loạn trước ma trận đề thi

Việc có nhiều đề luyện thi với mục đích cho các em học sinh luyện tập là tốt, nhưng lại vô hình chung tạo nên một ma trận đề thi, dễ khiến cho các em học sinh ôn thi không có định hướng và chủ đích. Hầu như những đề thi trên mạng đều ghi là có đáp án nhưng lại không có đáp án chi tiết, chỉ đơn giản là đưa ra những đáp án đúng như A, B, C hay D mà không có lời giải. Rất khó để học sinh nắm bắt được.

Cô Linh Chi – giáo viên giảng dạy môn Toán tại một trung tâm luyện thi tại Hà Nội cho biết: "50 câu trắc nghiệm cũng có nghĩa là phải có 50 lời giải chi tiết cho các câu thì học sinh mới hiểu được đề. Nếu người làm đề chỉ ra đề xong viết đáp án là A, B, C hay D thì không có trách nhiệm, không phải câu nào học sinh bấm máy tính cũng có thể ra được đáp án, nếu không có lời giải chi tiết để giải thích, học sinh sẽ không thể hiểu được bản chất của bài toán để có được phương pháp giải cho những bài tương tự".

Học sinh hoang mang vì ma trận đề thi thử online - Ảnh 2.

Nhiều đề thi trên mạng không có giải đáp án chi tiết nên học sinh rất khó để hiểu

Em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12 cho biết: "Em thường lên mạng tìm kiếm các đề thi thử môn Toán online để làm. Có rất nhiều đề ở trên mạng nên có thể thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, em nhận thấy nhiều đề Toán không có trọng tâm, nhiều câu không giống như kiểu đề để trắc nghiệm, giống như đề tự luận nhưng đưa ra 4 đáp án để học sinh chọn. Nhiều câu em không rõ phương pháp giải vì chỉ mỗi đáp án như A hoặc B nên em không biết giải thế nào. Em cảm thấy học đề như vậy không hiệu quả".

Ngọc Anh cho biết, việc làm đề thi thử trên mạng và hiểu đề rất khó, cần có sự trợ giúp của các thầy cô thì mới giải chi tiết và hiểu được nên không thể không đi học thêm tại các trung tâm để được làm đề có hướng dẫn chi tiết hơn.

Thầy Lại Tiến Minh, Giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, người có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy luyện thi ĐH cho biết: "Nếu các em quá sa đà vào việc ôn luyện những đề thi trên mạng thì rất dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng, loãng kiến thức. Bởi trên mạng thì mỗi đề một kiểu, độ khó dễ cũng khác nhau nên không thể đánh giá được đúng khả năng của các em, tìm ra chỗ thiếu sót để bù đắp được. Các em nên tìm các thầy cô để được tư vấn tốt hơn trong phương pháp ôn thi cũng như lựa chọn đề để làm".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước