Sáng kiến dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi

Bảo An, Thanh Long, Khiếu Minh-Thứ hai, ngày 30/01/2023 06:59 GMT+7

VTV.vn - Gần 3.600 học sinh tại 16 trường tiểu học của huyện miền núi Mù Cang Chải được học tiếng Anh với một sáng kiến mới.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 thay vì tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành, đặc biệt là những nơi vùng sâu vùng xa, miền núi, còn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 5.780 là số giáo viên ngoại ngữ cần phải bổ sung theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho các khối lớp 3, 4, 5 trên cả nước trong năm học này. Nhiều giải pháp đang được các địa phương triển khai.

Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hiện có 16 trường tiểu học với hơn 9.000 học sinh nhưng hiện mới chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Yên Bái cũng đã biệt phái 9 giáo viên lên hỗ trợ giảng dạy Tiếng Anh tại một số trường tiểu học và THCS ở huyện vùng cao, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. 

Không chỉ tìm cách điều phối nhân lực mà giữa những khó khăn lại có những sáng kiến, giải pháp để đưa tiếng Anh lên vùng cao, áp dụng những công nghệ mới. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2023, một chương trình dạy tiếng Anh theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp đã được triển khai tại Yên Bái. Gần 3.600 học sinh khối 1 và khối 3 của hơn 100 lớp học tại 16 trường tiểu học của huyện miền núi Mù Cang Chải đã được tham gia chương trình này. 

Sáng kiến dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi - Ảnh 1.
Sáng kiến dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi - Ảnh 2.

Ghi nhận tại tiết học tiếng Anh dành cho học sinh lớp 3 của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mồ Dề - huyện Mù Cang Chải, giáo viên chính tại Hà Nội dạy trực tuyến qua ứng dụng Zoom tới 117 điểm cầu trên khắp huyện Mù Cang Chải. Các trợ giảng là giáo viên địa phương sẽ hướng dẫn học sinh học với một thao tác đơn giản nhưng vô cùng quan trọng là… bấm nút.

Bài giảng số đã được cài đặt sẵn vào máy tính và mỗi bài học đã được kịch bản hóa đến từng giây để trợ giảng biết lúc nào bấm vào nút gì trên máy tính. Đây là dự án xã hội của iSMART. Dự án kéo dài 5 năm và hoàn toàn miễn phí. Qua chương trình, giáo viên địa phương cũng sẽ thay đổi khi được huấn luyện và tiếp cận phương pháp dạy mới với các học liệu mới, hiện đại.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước