Theo lộ trình, năm học tới, các địa phương, các các sở giáo dục đại học, dạy nghề sẽ được phép tăng học phí. Đây là vấn đề tác động lớn tới người dân. Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo chiều 10/5, vấn đề này đã được tính toán ở nhiều góc độ với mục tiêu giảm tối đa những tác động tới người dân, nhất là những gia đình khó khăn.
Theo nghị quyết 81 của Chính phủ, từ năm học 2022-2023 học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hàng năm.
- Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chưa tự đảm bảo chi thường xuyên tăng học phí không quá 7,5%/năm. Dự kiến tính đủ chi phí vào năm 2030.
- Cơ sở giáo dục đại học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên áp dụng mức trần học phí từ năm học 2022-2023 đến năm 2025-2026, lộ trình điều chỉnh học phí bình quân không quá 12,5% từ năm học 2026-2027.
Do ảnh hưởng của COVID-19 nên Chính phủ đã yêu cầu không tăng học phí trong 3 năm học qua. Tuy nhiên, năm học tới nếu không triển khai sẽ gây khó khăn cho các nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 2 phương án học phí cho năm học 2023-2024:
Phương án 1:
- Áp dụng theo đúng lộ trình học phí tại Nghị định số 81. Mức trần học phí giáo dục đại học công lập tăng cao bình quân 45,7% so với năm học 2022-2023.
Phương án 2:
- Điều chỉnh lộ trình học phí lùi 1 năm so với lộ trình tại Nghị định 81.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cả hai phương án này đều sẽ tác động tới người dân, nhất là các đối tượng yếu thế.
Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thông qua nghị quyết về mức học phí năm học tới vào kỳ họp tháng 7. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đánh giá tác động của việc tăng học phí tới người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế để sớm quyết định có tăng học phí cho năm học mới hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!