Sơn La: Cơ sở vật chất trường học ở vùng sâu còn nhiều thiếu thốn

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 20/12/2018 06:03 GMT+7

Một phòng học tạm tại điểm trường bản Đứa, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Do nguồn vốn còn hạn chế nên hệ thống cơ sở vật chất trường học tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Mã (Sơn La) hiện vẫn còn thiếu thốn.

Tại huyện Sông Mã, nhiều chính sách ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục miền núi đã được triển khai, nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên hệ thống cơ sở vật chất trường học tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện hiện vẫn còn thiếu thốn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, giảng dạy của thầy và trò ở đây.

Điểm trường Tiểu học tại bản Đứa, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã có bốn phòng học, trong đó chỉ có hai phòng học được xây dựng kiên cố, hai phòng học còn lại có một phòng học tạm và một phòng phải mượn nhà văn hóa bản để giảng dạy. Phòng học tạm là ngôi nhà lợp gỗ với tường được trát bằng đất. Đây là nơi học tập của hàng chục học sinh ở đây nhiều năm qua. Cùng với việc phòng học không được kiên cố, hệ thống bàn ghế, đồ dùng học tập ở đây cũng chưa đúng quy cách. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập cũng như giảng dạy. Chị Chu Thị Đàm, giáo viên phụ trách điểm trường bản Đứa cho biết, những lớp học tạm như thế này mùa mưa bị dột, còn mùa đông gió lùa ở ngoài đồng vào khiến các em rất lạnh, không học được. Vì thế, các giáo viên phải gom quần áo, giày dép từ các nhà hảo tâm hoặc lấy quần áo của con mình mang xuống cho học sinh mặc.

Điểm trường bản Đứa không phải là nơi duy nhất của Trường Tiểu học Chiềng Sơ thiếu phòng học và phải sử dụng nhà tạm. Bà Phạm Thị Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơ cho biết, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đã đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, điểm trường vẫn còn thiếu một lớp học và hai lớp học đang sử dụng nhà tạm. Vì thế, vấn đề đảm bảo sức khỏe cho học sinh về mùa đông chưa đáp ứng được. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu học tập và đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhà trường cần phải xây dựng thêm 3 phòng học kiên cố.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ty, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, hệ thống lớp học ở khu trung tâm tuy đã được đầu tư kiên cố nhưng vẫn còn thiếu hai phòng học. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường phải sử dụng phòng ở bán trú của học sinh và một số phòng chức năng để bố trí lớp học. Ngoài ra, hệ thống nhà công vụ của giáo viên cũng không đầy đủ. Hiện nay, hơn 20 giáo viên thường xuyên ở lại nhưng chỉ có 6 phòng ở công vụ. Vì thế, một số thầy cô đi thuê ở ngoài hoặc có những phòng phải ghép từ 4-6 người và sử dụng giường tầng để ở. Bà Phạm Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ty thông tin, nhà trường có 10 điểm trường lẻ, trong đó có 2 điểm trường là nhà tạm. Hai điểm trường là nhà tạm này, có một điểm trường đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt đầu tư xây dựng vào năm 2019.

Cùng chung tình trạng này, thời gian qua, để đáp ứng việc giảng dạy, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Nậm Ty cũng phải lấy các phòng chức năng để bố trí làm lớp học. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều trường học khác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Mã. Ông Vũ Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Nậm Ty cho hay, nhà trường mong muốn được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng để phục vụ việc học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên trong những năm tiếp theo.

Huyện Sông Mã hiện có hơn 44.600 học sinh với 1.460 lớp nhưng mới chỉ có 1.425 phòng học nên số phòng học còn thiếu là 35 phòng. Ngoài ra, trong số phòng học hiện có còn khoảng 8% là phòng học tạm và phải đi học nhờ ở các nhà văn hóa.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã Nguyễn Đình Ngưu cho biết, ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn vẫn còn thiếu nhiều lớp học tạm, nhà ở cho học sinh, giáo viên nên có một số trường phải học hai ca. Khi học hai ca, việc dành phòng học để bồi dưỡng học sinh yếu hay luyện cho học sinh giỏi cũng rất khó khăn. Hiện nay, chương trình kiên cố hóa trường lớp học đang được huyện triển khai, đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2017 – 2020. Qua theo dõi hai năm 2017 và 2018, tiến độ kiên cố hóa đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, do đó đến năm 2020, số phòng học, nhà ở cho học sinh trên địa bàn huyện sẽ cơ bản được đáp ứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước