‘Sức khỏe và trí tuệ trẻ em hôm nay là sức mạnh dân tộc ngày mai’

PV-Chủ nhật, ngày 10/10/2021 20:16 GMT+7

VTV.vn - Bà Thái Hương, Nhà sáng lập – Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết Mô hình bữa ăn học đường do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức.

"Tôi thực sự hạnh phúc vì nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả. Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai".

Đó là chia sẻ của bà Thái Hương, Nhà sáng lập – Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tại "Hội nghị tổng kết Mô hình bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em học sinh, sinh viên Việt Nam năm học 2020-2021" (gọi tắt là Mô hình điểm) do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức chiều 8/10.

Tập đoàn TH, doanh nghiệp tiên phong khởi xướng Đề án "Dinh dưỡng người Việt" là đơn vị đồng hành cùng Bộ GD&ĐT xây dựng, triển khai Mô hình điểm nhằm nâng cao hiểu biết và thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp cho trẻ em; từ đó hướng tới mục tiêu lâu dài: cải thiện tầm vóc, thể lực trẻ em lứa tuổi vàng; dinh dưỡng lành mạnh cho người Việt, vì sức khỏe cộng đồng.

Lần đầu tiên có một mô hình kết hợp cả dinh dưỡng và thể chất học đường

Theo đánh giá của các chuyên gia, Mô hình điểm là cách làm bài bản, sáng tạo trong thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025".

‘Sức khỏe và trí tuệ trẻ em hôm nay là sức mạnh dân tộc ngày mai’ - Ảnh 1.

Năm học 2020-2021, Mô hình điểm được triển khai tại 10 tỉnh, thành phố và sẽ mở rộng ra 20 tỉnh, thành phố khác trong năm học này.

Năm học 2020-2021, Mô hình được thực hiện tại 10 tỉnh/thành phố (đại diện cho 5 vùng sinh thái) gồm: trẻ mầm non (TP Hà Nội, TP HCM, TP Hải Phòng, tỉnh Thái Bình và tỉnh Quảng Nam), học sinh tiểu học (Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, An Giang).

TS Đàm Quốc Chính – Giám đốc Văn phòng Ban Điều phối Đề án 641, Tổng Cục Thể dục thể thao, Bộ VH-TT&DL đánh giá: Mô hình điểm như một cuộc cách mạng tại Việt Nam về dinh dưỡng học đường khi kết hợp vấn đề dinh dưỡng với tăng cường thể lực cho trẻ em, học sinh.

Trước đó tại Việt Nam mới chỉ có các nghiên cứu riêng về dinh dưỡng hoặc riêng về thể chất. Trên thế giới cũng chỉ có một số nước thực hiện các mô hình tiếp cận cùng lúc cả 3 yếu tố: dinh dưỡng, thể lực và nguồn lực/nhân lực thực hiện.

"Mô hình điểm của Bộ có cả 3 yếu tố đó và còn làm tốt hơn ở hoạt động truyền thông, tạo thay đổi nhận thức đến tận gia đình và nhà trường. Thành công đó cần được duy trì bằng chính sách" - TS. Đàm Quốc Chính nhận định.

‘Sức khỏe và trí tuệ trẻ em hôm nay là sức mạnh dân tộc ngày mai’ - Ảnh 2.

Lần đầu tiên tại VN có một mô hình kết hợp cả nghiên cứu về dinh dưỡng lẫn tăng cường hoạt động thể chất học đường.

Thử nghiệm thành công nhất trong giải quyết "gánh nặng kép" về dinh dưỡng

Đánh giá kết quả của việc triển khai Mô hình, TS Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 41 của Chính phủ cho rằng, các kết quả thu được cho thấy tính khoa học, hợp lý của Mô hình.

"Mô hình điểm là thử nghiệm thành công nhất tính đến nay trong việc giải quyết bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam đó là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi hay thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, ảnh hưởng lâu dài đến tầm vóc người Việt" – TS Minh phát biểu tại lễ tổng kết.

Sau một năm thực hiện Mô hình điểm, chương trình ghi nhận những con số "biết nói". Mô hình cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tận dụng triệt để thực phẩm tự nhiên tại địa phương, phù hợp khẩu vị học sinh, đạt được sự yêu thích của cả học sinh và gia đình... Chiều cao trung bình của các trẻ được can thiệp tăng 3,6 cm, tỷ lệ thừa cân béo phì giảm 2,68% đối với học sinh mầm non và 2,63% đối với học sinh tiểu học. Ít nhất 95% học sinh mẫu giáo và tiểu học đạt chuẩn thể lực theo đánh giá của mô hình.

‘Sức khỏe và trí tuệ trẻ em hôm nay là sức mạnh dân tộc ngày mai’ - Ảnh 3.

Mô hình cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tận dụng triệt để các nguồn thực phẩm tại địa phương để có giá thành bữa ăn hợp lý nhất.

Nói về thành công của Mô hình điểm, Thứ trưởng Minh nhấn mạnh: "Không thể không nhắc đến hoạt động xã hội hóa, mời gọi các doanh nghiệp. Chúng tôi đã tìm được các doanh nghiệp vừa có tâm, vừa có tầm nhìn chiến lược, đồng hành cùng Bộ GD- ĐT, đó là Tập đoàn TH". Kết quả triển khai từ Mô hình điểm sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để nhân rộng, góp phần thực hiện Chương trình "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025" (theo Quyết định 1660/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành) đồng thời đề xuất xây dựng chính sách về Dinh dưỡng học đường.

Đại diện đơn vị đồng hành, bà Thái Hương (Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH) chia sẻ, bà cảm thấy thực sự hạnh phúc vì sự nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng toàn diện, hợp lý thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả.

‘Sức khỏe và trí tuệ trẻ em hôm nay là sức mạnh dân tộc ngày mai’ - Ảnh 4.

Bà Thái Hương (Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Mô hình điểm.

"Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai. Kết quả thực nghiệm bữa ăn tại 10 tỉnh thành thuộc 5 vùng sinh thái đã phát huy được lợi thế vùng miền, sử dụng thực phẩm tự nhiên tại địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp vùng; thông qua bữa ăn học đường để cân chỉnh cho bữa ăn trong gia đình- dinh dưỡng cho người Việt.

Để chương trình được nhân rộng thì cần có đào tạo, truyền thông sâu rộng cho toàn xã hội đồng tình, đặc biệt là 2 đối tượng gồm: 1. Giáo viên, cán bộ dinh dưỡng- những người đang chăm sóc học sinh và 2. Phụ huynh. Mô hình là tiền đề để Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường" - bà Thái Hương bày tỏ.

Sau thành công của năm đầu tiên, Mô hình bữa ăn học đường kết hợp tăng cường thể lực được mở rộng triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm học 2021-2022. Tập đoàn TH tiếp tục đồng hành với Bộ GD&ĐT trong sứ mệnh nâng cao tầm vóc Việt – vốn hoàn toàn tương đồng với tầm nhìn của Tập đoàn, đó là "đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực" của thế hệ trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước