Tăng đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh 4.0

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 26/09/2020 06:17 GMT+7

Ảnh minh họa: TTXVN

VTV.vn - Đây là ý kiến của đại biểu tại phiên họp chuyên đề về Chính sách tài chính trong giáo dục của Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực.

Ngày 24/9, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp chuyên đề về Chính sách tài chính trong giáo dục của Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực.

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, để giáo dục phát triển mạnh và bền vững cần rất nhiều yếu tố, như nguồn nhân lực, chương trình đào tạo, công tác quản trị, quản lý; tài chính và ngân sách,... Trong đó, tài chính và ngân sách là một trong những yếu tố trụ cột quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phát triển.

Chuyên đề tập trung vào 3 nội dung chính: Đề xuất các giải pháp đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục; Các giải pháp quản lý, giám sát tài chính trong tự chủ ĐH; Đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển giáo dục.

Thứ trưởng đề nghị các các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bám sát các nội dung chính để đóng góp ý kiến, nêu lên những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp bước đầu, trên cơ sở đó tham mưu Bộ GDĐT tiếp tục có những đề tài và đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách phù hợp cho phát triển GDĐT.

Tăng đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh 4.0 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp

Tại phiên họp, nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính đã báo cáo kết quả bước đầu về đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam".

Đối với nâng cao hiệu lực chi NSNN cho giáo dục, nhóm nghiên cứu đề xuất: Cần quy định và ràng buộc trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý ngành giáo dục ở trung ương và địa phương trong việc tham mưu, phối hợp tham gia cùng với cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư trong quá trình quản lý NSNN chi cho giáo dục.

Nhóm cũng đưa ra các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn và hàng năm, nâng cao chất lượng thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cho giáo dục, công khai và minh bạch trong quản lý NSNN trong GDĐT.

Đối với nâng cao hiệu quả chi ngân sách giáo dục, cần duy trì quy mô chi NSNN ở mức 20% tổng chi cân đối NSNN của quốc gia, tuy nhiên, cần xác định tỷ lệ chi cho GDĐT phù hợp với chi NSNN ở từng địa phương. Đồng thời, cần điều chỉnh cơ cấu chi NSNN cho giáo dục giữa các bậc học; xây dựng tiêu chí ưu tiên phân bổ chi đầu tư cho ngành giáo dục tại địa phương; hoàn thiện hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho giáo dục; nâng cao chất lượng thiết kế và tăng cường giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục.

Thảo luận tại phiên họp, nhấn mạnh đại học có ba trụ cột là đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách cho Nhà nước và địa phương, PGS. TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài chính đề xuất, cần tăng chi NSNN cho giáo dục đại học (GDĐH) trong bối cảnh 4.0.

Tăng đầu tư cho GDĐH cũng là đề xuất của GS TS Nguyễn Lân Dũng, đặc biệt là đầu tư cho nghiên cứu, ít nhất là những ngành thực hành. Đây chính là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đầu ra.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần thêm nghiên cứu cho việc phân bổ chi ngân sách, cấp học nào cũng cần đầu tư thích đáng. Để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách, PGS Thúy Nguyệt cũng cho rằng, rất cần thiết minh bạch hóa các nguồn lực từ ngân sách và xã hội cho giáo dục, đây đồng thời là căn cứ để lập kế hoạch trung hạn, dài hạn.

Đồng quan điểm này, TS Lê Trường Tùng, ĐH FPT nhấn mạnh, trong giáo dục thường ngại nói đến tài chính, nhưng không thể phủ nhận đây là điều kiện quan trọng quyết định chất lượng của hệ thống giáo dục. Theo đó, tài chính không đơn thuần là sử dụng ngân sách nhà nước, mà bao gồm học phí, vốn của nhà đầu tư. Thực tiễn của các trường ĐH lớn ở nước ngoài hầu hết đều phải công khai tài chính hàng năm như một doanh nghiệp.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả chi NSNN, ngành giáo dục cần đóng vai trò chủ yếu trong dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách từ Trung ương đến địa phương.

Cần có cơ sở dữ liệu ngành của 63 tỉnh thành là đề xuất của ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng. Tại Hải Phòng kể từ năm 2019, tất cả hệ thống trường từ mầm non đến phổ thông đều phải liên tục cập nhật chi ngân sách hàng năm, qua đó cung cấp bức tranh toàn hệ thống giáo dục trong thành phố, là căn cứ để ra quyết sách và lập kế hoạch.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, tổng hợp thành các nhóm vấn đề, để báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, phục vụ công tác quản lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước