Tháo gỡ vướng mắc trong tự chủ đại học

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 12/01/2020 09:30 GMT+7

VTV.vn - Tự chủ đại học sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho các cơ sở giáo dục ĐH tuy nhiên việc áp dụng các quy định mới về tự chủ ĐH cũng đặt ra nhiều vấn đề phải chấn chỉnh, xử lý.

Một trong những sự kiện nổi bật của tuần qua là việc Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Nghị định 99 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Việc ban hành Nghị định đã được các trường đại học (ĐH) trông đợi trong suốt 6 tháng qua do liên quan đến cơ chế hoạt động của các trường, từ bổ nhiệm nhân sự đến cơ chế tài chính, chương trình đào tạo. Theo ghi nhận tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị định này, các trường ĐH đều cho rằng, tự chủ ĐH đã có nhiều bước tiến quan trọng.

Hiện đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH thực hiện thí điểm tự chủ. Quá trình thực hiện cho thấy, đây là xu thế tất yếu, đưa đến nhiều kết quả đáng ghi nhận như việc cải thiện chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn, phát triển nghiên cứu khoa học ở một số cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, một số trường ĐH xuất hiện trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Tuy nhiên, tự chủ ĐH cũng đặt ra một số thách thức như năng lực tự chủ của một số trường còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh.

Các ý kiến cũng cho biết, vẫn còn một số rào cản, vướng mắc do tình trạng luật chồng luật. Ví dụ, liên quan đến lĩnh vực tài chính, bên cạnh các quy định theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục ĐH vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong nhiều hoạt động liên quan đến mua sắm thiết bị, đầu tư công, xây dựng cơ bản, thậm chí gây chậm tiến độ ở nhiều dự án.

Một ví dụ khác trong lĩnh vực nhân sự, các trường cho biết bị vướng rất nhiều do quy định của Luật Viên chức. Những vướng mắc này khiến trường chưa tự chủ được về việc tuyển dụng và sa thải cán bộ giảng viên năng lực chưa đảm bảo, chưa có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí trọng yếu. Quyền và trách nhiệm của Hội đồng trường để đảm bảo thực quyền cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến người học.

Tại hội nghị, đại diện các trường đại học đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể với Bộ Giáo dục và các bộ ngành liên quan. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như xem xét sửa đổi một số luật liên quan, làm rõ vai trò - quyền lợi của những cá nhân, tổ chức trong nhà trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cơ quan chủ quản trước đây nặng về tính hành chính, coi cơ sở giáo dục ĐH giống như các đơn vị khác trực thuộc mình, áp chung các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, các chế độ khác nhưng nay, các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc bộ ngành, địa phương phải thực hiện theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 99.

Ở một khía cạnh khác, trong khi tăng quyền tự chủ cho các trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ có phương thức để kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra. Bởi nếu không, những trường không đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu sẽ có thể lợi dụng cơ hội này để làm ẩu, làm sai quy trình, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà sự việc ở trường Đại học Đông Đô mới đây là ví dụ.

Tự chủ đại học sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho các cơ sở giáo dục Đại học, đặc biệt là những cơ sở giáo dục có nội lực và có người đứng đầu mạnh dạn tìm tòi, đổi mới, năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc áp dụng các quy định mới về tự chủ đại học cũng đặt ra nhiều vấn đề phải chấn chỉnh, xử lý, để giáo dục Đại học tiến tới minh bạch về chất lượng, bình đẳng trong cạnh tranh và tiếp cận đến chất lượng thực và chất lượng quốc tế. Từ đây, chất lượng đào tạo được nâng lên và người học là đối tượng đầu tiên và trực tiếp được thụ hưởng thành quả.

Thành công của mô hình đại học công lập tự chủ tài chính Thành công của mô hình đại học công lập tự chủ tài chính

VTV.vn - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về thí điểm mở rộng quyền tự chủ đối với 3 trường Đại học công lập.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước