Trường Tiểu học Quang Kim, huyện Bát Xát nhận được nhiều vật phẩm cứu trợ từ các nhà hảo tâm gồm sách vở, đồng phục cho học sinh. Ảnh tư liệu: TTXVN
Toàn tỉnh có hơn 140 trường, điểm trường bị sạt lở, ngập úng. Việc khắc phục hậu quả thiên tai đã được ngành Giáo dục khẩn trương thực hiện ngay sau khi bão, lũ đi qua để sớm ổn định hoạt động dạy và học.
Điển hình như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Lù, huyện Bát Xát bị thiệt hại về cơ sở vật chất cả ở điểm trường chính và phân hiệu. A Lù cũng là xã duy nhất của huyện Bát Xát bị cô lập trong hàng chục ngày sau lũ. Đoạn đường đến trường bị sạt lở nhiều đoạn, giao thông ách tắc. Các thầy, cô giáo phải đi bộ 5 km vượt qua các đoạn đường sạt lở và đường mòn mang hàng cứu trợ về cho học sinh. Gia đình các học sinh đều bị thiệt hại sau lũ, có nhiều nhà mất trắng sinh kế, hoàn cảnh rất khó khăn. Chính sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy, cô giáo đã động viên, khích lệ 489 học sinh đến trường với tỷ lệ chuyên cần gần 99% ngay trong ngày tái giảng 16/9... Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đặc biệt, trong đó phải kể đến Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông số 3 Bát Xát phải tới ngày 26/9 mới có thể tổ chức cho học sinh đi học trở lại do gặp quá nhiều khó khăn.
Hiện nay, 100% trường học tại Lào Cai đã tổ chức học trở lại sau lũ. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn phải học xen ghép do chờ xây mới. Cơ sở vật chất bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ sạt lở tiềm ẩn tại khu vực trường học, các tuyến đường đến trường... đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy, học tại nhiều địa phương. Ở Lào Cai vẫn tiếp tục phát sinh các điểm sạt lở mới với khối lượng lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 20 trường, cụm trường, điểm trường học nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cần tiến hành di dời khẩn cấp và đầu tư xây dựng ở vị trí mới.
Do bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, thị xã Sa Pa hiện có 5 trường, cụm trường và điểm trường phải di dời. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa Nguyễn Trường Chinh cho biết, thị xã đã phân luồng học sinh, chia các trẻ vào học tại trường chính và điểm trường lân cận; mượn nhà văn hóa thôn; sắp sếp phòng bán trú và phòng phụ trợ khác làm nhà công vụ, mượn tạm cơ sở nhà dân ở gần để tạm tránh khi mưa bão.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa đã đề nghị, UBND thị xã đầu tư xây dựng để đáp ứng chỗ học và chỗ ở ổn định cho giáo viên, học sinh tại 5 trường, cụm trường, điểm trường. Tuy nhiên, các điểm sạt này rất phức tạp đòi hỏi số tiền đầu tư lên tới 27,5 tỷ đồng. Rất mong chính quyền và các đơn vị liên quan sớm có kế hoạch kè và xây mới các điểm trường sạt để đảm bảo công tác dạy và học", ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa chia sẻ.
Huyện Bắc Hà cũng có 12 trường và điểm trường nằm trong các vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ngày 1/10, ở huyện xảy ra mưa lớn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã cho 7 điểm trường với hơn 600 học sinh nghỉ học khi nhận thấy nguy cơ sạt lở...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Nguyễn Thế Dũng cho biết, sau bão số 3, ngành đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ . Sở đã rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại và thống nhất với các cơ sở, đơn vị trường học để giải ngân trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, ngành đã tiếp nhận và phân bố khoảng 100 tấn hàng (gạo, mỳ tôm, sách vở và nhiều thiết bị máy tính, máy lọc nước)... cho các cơ sở giáo dục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!