Tại Việt Nam, rất nhiều trường học cũng đã chuyển sang phương pháp học từ xa trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, quãng thời gian này đã cho chúng ta thấy những lợi ích nhất định của việc tổ chức học trực tuyến hoặc học tại nhà mà từ trước đến nay hầu như chưa bao giờ được áp dụng rộng rãi.
"Cái khó ló cái khôn" - liệu từ những bài học rút ra sau thời gian giãn cách xã hội, các trường học có nên tiếp tục để các em học sinh ngồi sau chiếc bàn học quen thuộc, hay cần chủ động xem xét việc tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp sắp rời ghế nhà trường?
Một bài viết gần đây của Giáo sư Pearl Subban, giảng viên cấp cao tại Đại học Monash (Bang Victoria, Úc) đã đề cập đến việc thay đổi cách tổ chức lớp học thông qua những kinh nghiệm từ thời gian học trực tuyến trong những ngày giãn cách xã hội của Úc.
Định nghĩa "bình thường mới?"
Trường học có nên thực sự trở lại bình thường? Chắc chắn chúng ta có thể nhưng liệu có nên làm khác đi? Nhiều học sinh đã có sự tiến bộ rõ rệt trong thời gian học tại nhà vì đại dịch, và cảm thấy thích thú với việc học qua mạng và các thiết bị công nghệ một cách tự chủ, loại bỏ những yếu tố gây mất tập trung của lớp học và các bạn cùng trang lứa. Mặt khác, có những em yêu thích và tận hưởng sự tự do về thời gian, thúc đẩy khả năng tự làm việc, ghi chú, sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập do các em tự chọn, và chủ động tìm kiếm sự trợ giúp mà không ảnh hưởng đến ai.
Không phải tất cả, nhưng nếu được khảo sát, rất nhiều học sinh sẽ đồng tình với những lợi ích nổi trội từ việc học trực tuyến. Hãy cùng điểm lại những điều đáng cân nhắc từ trải nghiệm học tập giữa mùa dịch của năm 2020.
Giảm thiểu các yếu tố gây nhiễu
Một lớp học truyền thống thường có nhiều yếu tố phân tâm gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý thông tin của học sinh. Những yếu tố này có thể đến từ bạn bè, tiếng máy cắt cỏ dưới sân, hoặc tiếng đùa giỡn ồn ào của lớp bên cạnh. Việc điều chỉnh cách học, ví dụ như kết hợp những ngày học từ xa, có thể giảm bớt những yếu tố phiền nhiễu này và mang đến sự tập trung tuyệt đối cho các em học sinh trong năm cuối cấp đầy căng thẳng.
Học tập theo phương thức hiện đại
Có lẽ thế hệ học sinh ngày càng học được từ các trang mạng xã hội và internet nhiều hơn là học từ các giáo viên. Việc học tập thông qua mạng internet chính là xu hướng hiện nay, khi rất nhiều học sinh đang chuyển sang việc tiếp nhận thông tin từ các video quay sẵn và bài đăng trên các trang blog để bổ sung kiến thức học được ở trường.
Việc xem video tham khảo lúc ở trường thường được xem là phí phạm thời gian, nên khi học từ xa, các em có thể chủ động tìm tòi những đoạn clip bổ ích, tương tác với thông tin trực tuyến và tiêu thụ những thông tin này theo cách phù hợp nhất với bản thân.
Đồng hồ sinh học
Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các em học sinh trong lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ bắt đầu ngày mới vào lúc 9 giờ sáng, vì đồng hồ sinh học của các em hoạt động khác với bố mẹ. Điều này có thể không đúng đối với tất cả học sinh, vì vẫn có nhiều em ưu tiên việc dậy sớm, nhưng nhìn chung các em sẽ trở nên năng suất vào khoảng thời gian muộn hơn so với người trưởng thành.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao rất nhiều học sinh cuối cấp cứ ngáp ngắn, ngáp dài trong lớp học? Tất cả điều này đều vì nhịp độ sinh học khác biệt.
Tính độc lập
Ở ngưỡng cửa bước sang thế giới của người lớn, nhiều học sinh lớp 12 sẽ được lợi từ việc học cách quản lý thời gian của chính mình. Để các em có thời gian tự học mà không cần giám sát là một trải nghiệm cần thiết để chuẩn bị cho hành trang vào đại học, hay thậm chí là vào đời sau khi rời môi trường phổ thông.
Hơn nữa, việc tự chịu trách nhiệm về lịch trình, thời hạn nộp bài và quản lý công việc của chính mình sẽ giúp rèn luyện các kỹ năng sống rất quý giá và hữu ích lâu dài sau khi tốt nghiệp lớp 12.
Áp lực từ bạn bè
Trong những năm cuối của thuở niên thiếu, nhiều học sinh khối 12 vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi các bạn đồng trang lứa. Áp lực này dẫn đến nhiều quyết định thiếu suy nghĩ, và sự căng thẳng khi phải chạy theo đám đông. Được trao quyền tự học vào một số ngày học nhất định sẽ cho phép các em có khoảng trống cần thiết để tự đưa ra quyết định của mình, đồng thời tạo điều kiện để tìm hiểu thêm về sở thích học tập của chính mình.
Học theo nhịp độ tự chủ
Nhiều học sinh cuối cấp nhận thấy thời gian vừa là kẻ thù vừa là vị cứu tinh trong quá trình học tập từ xa. Nhưng để nói về mặt tích cực, việc chủ động về mặt thời gian sẽ giúp các em được học tập theo nhịp độ của bản thân. Tuy nhiên, mặt khác, sự tự do này lại "đánh thuế" khả năng theo sát chặt chẽ thời hạn nộp bài.
Việc cho phép học sinh cuối cấp được tự do về thời gian sẽ giúp các em củng cố thông tin khi tự học tập một mình. Đối với học sinh ở Úc, có đề xuất được đưa ra về việc sắp xếp các tiết học riêng này thường xuyên tùy thuộc vào số lượng môn học, và có thể được sử dụng một cách hiệu quả để thúc đẩy việc học theo nhịp độ của bản thân.
Đã đến lúc chúng ta nên áp dụng hướng tiếp cận mới
Vậy nếu muốn áp dụng một bài học nào đó từ năm 2020, chúng ta hãy suy nghĩ về việc thay đổi cách tổ chức lớp học cho học sinh khối 12. Hãy nắm bắt cơ hội do dịch COVID-19 tạo ra để làm nên sự khác biệt!
Chúng ta có nhiều lựa chọn như kết hợp một hoặc hai ngày học từ xa trong tuần, bắt đầu ngày học muộn hơn cho học sinh cuối cấp, hoặc tạo không gian yên tĩnh tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của việc học tại trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!