Thầy trò nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 30/08/2023 18:44 GMT+7

VTV.vn - Chưa đầy 1 tuần nữa sẽ bắt đầu năm học mới. Dù còn nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng hàng triệu học sinh và giáo viên trong cả nước đều nỗ lực vượt khó.

Thiếu giáo viên là một vấn đề lớn của năm học 2023 - 2024. Cả nước đang cần thêm hơn 118.000 giáo viên. Trong Công điện gần đây, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương tìm các giải pháp khắc phục tình trạng này nhưng thực tế hiện nay là tuyển giáo viên không dễ.

Xoay xở tìm giáo viên

Hà Nội mỗi năm tăng từ 40.000 - 60.000 học sinh, cần hơn 30 trường học mới mỗi năm kèm theo đó là số giáo viên hàng nghìn người. Số chỉ tiêu biên chế nhà nước giao cho không thể đủ, thành phố phải chủ động nguồn kinh phí để hợp đồng.

Thầy trò nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024 - Ảnh 1.

Nhưng ở các địa phương khó khăn, việc tuyển hợp đồng không dễ. Như ở Cao Bằng, mức lương hợp đồng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng khiến giáo viên, nhất là giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học sẽ lựa chọn công việc ở thành phố chứ không lên vùng sâu, vùng xa. Tỉnh xác định phải tăng thêm các đợt tuyển viên chức.

Yên Bái đã tính đến các chính sách thu hút. Tỉnh này quyết định sẽ hỗ trợ mỗi giáo viên 100 triệu đồng đến dạy ở những trường khó khăn nhất tuy vậy vẫn chưa thành công. Trong cuộc họp trực tuyến mới đây, Yên Bái kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng thay vì phải có bằng đại học như Luật Giáo dục quy định hiện nay.

Hiện nay, các biện pháp khác để khắc phục thiếu giáo viên cũng đang thực hiện như biệt phái giáo viên, dạy học trực tuyến. Thế nhưng ở vùng khó, máy tính, mạng Internet nhiều nơi không có và biệt phái giáo viên sẽ khiến nhiều thầy cô phải chấp nhận khó khăn, vất vả hơn.

Không chỉ thiếu giáo viên, tại những vùng đặc biệt khó khăn, nhiều trường học vẫn trong tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất đủ bề.

Nỗi lo cơ sở vật chất trường học

Trường Tiểu học và THCS Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng, trường học không biển hiệu, sân đất, rào chắn tạm bợ. Lớp học chỉ có bàn mà không đủ ghế. Những chiếc ghế còn lại cũng không mấy lành lặn. Cái thì gỗ bong cả ra vì mất hết ốc vít. Cái thì mất tấm tựa lưng.

Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khánh Xuân, Bảo Lạc, Cao Bằng, bàn ghế khá hơn nhưng đồ dùng, thiết bị dạy học đã hỏng hết. Năm nay đã là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng trường vẫn chưa được cấp bất kỳ thiết bị dạy học nào của chương trình.

Thầy trò nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024 - Ảnh 2.

Cao Bằng nằm trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Ngân sách chi cho giáo dục chỉ để trả lương cho giáo viên đã gần hết. Các khoản đầu tư cơ sở vật chất theo những chuẩn cũ đã thiếu. Giờ theo chuẩn mới phải có các phòng học tiếng Anh, Tin học, phòng Thí nghiệm thì những chuẩn đó lại càng chỉ có trên giấy.

Hiện nay trên cả nước số phòng học Tin học, Ngoại ngữ mới chỉ đáp ứng được khoảng 55%; Tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu chỉ đáp ứng 54%; Bàn ghế theo quy định chỉ 2 chỗ ngồi mới đạt khoảng 63%. Không còn cách nào khác, các nhà trường, các học sinh phải khéo thu vén để thực hiện được nhiệm vụ năm học mới.

Đầu tư trường lớp cho vùng dân tộc thiểu số

Còn rất nhiều khó khăn trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, mỗi địa phương đang nỗ lực tìm cách khắc phục để các em học sinh có được điều kiện học tập tốt nhất, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa. Tại tỉnh Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Khmer, việc chăm lo cho giáo dục luôn được quan tâm đặc biệt. Trước năm học mới, nhiều trường dân tộc nội trú được đầu tư xây mới, sữa chữa. Thầy và trò đều đang vui mừng, phấn khởi, chờ đón ngày tựu trường

Thầy trò nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024 - Ảnh 3.

Mỗi năm, tỉnh đều dành nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh đạt 82%. Bên cạnh đó, Sóc Trăng tích cực triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có 7 đơn vị trường được thụ hưởng từ chương trình trong giai đoạn 2021-2025.

Việc đầu tư, sửa chữa trường lớp khang trang, kiên cố giúp cho việc dạy và học được tốt hơn. Qua đó cũng nói lên chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và địa phương trong chăm lo cho toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chưa đầy 1 tuần nữa, lễ khai giảng năm học mới sẽ diễn ra trên cả nước. Để câu nói "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu thì không chỉ cần sự nỗ lực từ ngành giáo dục và các thầy cô giáo mà còn cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ mỗi phụ huynh, sự cố gắng của mỗi học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước