Khác với quan điểm "tích hợp" ở bậc học dưới, ở bậc THPT, chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Học sinh được chọn môn theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của chương trình mới.
Chương trình lớp 10 sẽ có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp & Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài 8 môn học bắt buộc, học sinh có thể lựa chọn 4 trong tổng số 9 môn học lựa chọn gồm Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.
Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khi dạy chương trình mới, giáo viên sẽ phải có cách tiếp cận mới. Việc xây dựng bài giảng cũng sẽ khác với việc đọc - chép như trước đây. Học sinh cần được tương tác và thực hành nhiều hơn. Dù khó nhưng nhiều giáo viên đang cố gắng thích ứng. Chúng ta sẽ đến với một tiết học mới có từ năm lớp 10 này: môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học mới của lớp 10C8, Trường THPT Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng. Cô giáo đang cho học sinh tìm hiểu bài học về: Chủ thể nền kinh tế. Các em chia nhau đóng vai chủ thể tiêu dùng, chủ thể sản xuất. Từ đó tự học cách làm thế nào để bán được đắt hàng?
Thực hiện môn học mới, một số giáo viên nhận thấy, kiến thức không chỉ mới mà còn khó.
Có những cái khó nhưng cũng nhiều điểm tích cực mà các giáo viên nhận thấy ở chương trình mới.
Lúc này một băn khoăn của các giáo viên là việc thi cử thời gian tới sẽ như thế nào? Bởi một mục tiêu quan trọng của việc học là đỗ vào được các trường đại học tốt, quyết định nghề nghiêp sau này.
Mới chỉ có 1 tháng, sẽ còn nhiều thời gian phía trước để giáo viên, học sinh thích ứng với chương trình mới.
Chương trình mới đòi hỏi những thay đổi trong phương pháp tiếp cận, dạy và học, thậm chí đáp ứng thêm tiêu chí hội nhập quốc tế. Khó tránh khỏi những khó khăn, lúng túng thế nhưng vừa dạy vừa học cách làm quen cũng là tinh thần của các giáo viên tại TP Hồ Chí Minh trong suốt 1 tháng qua.
Triển khai chương trình mới tại TP Hồ Chí Minh
Để chuẩn bị cho tiết học này, cô Đặng Nguyễn Mai Chi (Trường THPT Tenloman, quận 1, TP Hồ Chí Minh) mất gấp 3 thời gian so với trước đây. Mệt thì có mệt nhưng bù lại lớp học lúc nào cũng hào hứng, đó cũng là động lực để cô vượt qua khó khăn ban đầu khi dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. 1 tháng trôi qua, đến nay cô Chi vẫn giữ thói quen mang theo từ điển tiếng Anh đến lớp dù là giáo viên dạy Hóa.
Cái gì mới cũng vậy, luôn cần thời gian làm quen. Có điều với thầy cô, đòi hỏi thời gian làm quen phải nhanh hơn. Vì thế, cả tháng nay, buổi họp chuyên môn nào Ban giám hiệu Trường THPT Bình Phú, quận 6, TP Hồ Chí Minh cũng dành một nửa thời gian để các giáo viên dạy lớp 10 trao đổi.
Tính đến thời điểm này, việc dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới tại TP Hồ Chí Minh đã dần ổn định. Tại những trường tổ chức dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật đều đã tìm đủ nhân sự. Khó khăn hiện tại lại nằm ở cơ sở vật chất khi các môn đòi hỏi thực hành nhiều, các thiết bị đồ dùng dạy học đi kèm lại chưa tương thích.
1 tháng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, rất khó để đánh giá hay - dở tốt - xấu. Bởi thành công của chương trình phụ thuộc vào tính chủ động, tinh thần sẵn sàng của giáo viên lẫn nhà trường. Nhưng một điều không thể phụ nhận đó là niềm vui trên khuôn mặt các em học sinh - những người thụ hưởng trực tiếp sự đổi mới này. Đó cũng là đích đến và là bảng đo lường tính hiệu quả của đổi mới trong giáo dục.
Đầu năm học mới, PV đã phản ánh câu chuyện nhiều trường không tổ chức được các môn mới như Âm nhạc hay Tin học. Vậy sau 1 tháng thực hiện, khả năng xoay xở, đáp ứng ra sao?
Lớp 10 lần đầu tiên dạy môn Âm nhạc
Mới chỉ có 6 buổi học, những học sinh lớp 10 của Trường THPT Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng đã có thể cùng nhau biểu diễn âm nhạc.
Âm nhạc chỉ là môn tự chọn và nhiều người nghĩ nó không quan trọng bằng các môn khoa học cơ bản. Vì thế, trong điều kiện khó khăn về tài chính, về nguồn giáo viên thì có những nhà trường sẽ không tổ chức môn học này. Trường THPT Lê Hồng Phong vẫn quyết tâm thực hiện.
Có một vấn đề là hiện nay, môn Âm nhạc được đưa vào chương trình nhưng vị trí việc làm lại chưa có. Điều này gây khó cho nhà trường khi tuyển dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!