Thiệt thòi giáo viên hợp đồng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 06/08/2018 05:31 GMT+7

VTV.vn - Trong bao năm qua, 441 giáo viên ở huyện Thanh Oai, Hà Nội vừa bị chuyển hợp đồng từ phòng giáo dục về các trường, đã phải chịu nhiều bất hợp lý trong tuyển dụng.

Trong tuần qua, hàng nghìn giáo viên ở Hà Nội và Cà Mau phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Họ sẽ buộc phải chuyển, cắt hợp đồng với lý do các địa phương đang thừa quá nhiều giáo viên. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, cả nước hiện thiếu 40.000 giáo viên mầm non, tiểu học, nhưng lại thừa tới hơn 16.000 giáo viên ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên. Trong đó chủ yếu là do các địa phương tuyển dụng, ký hợp đồng quá nhiều so với nhu cầu nhân lực của các cơ sở giáo dục công lập. Và câu chuyện nhiều huyện, nhiều tỉnh có hàng trăm giáo viên bị cắt, chuyển hợp đồng, đứng trước nguy cơ phải nghỉ việc không phải bây giờ mới xảy ra.

Tại Yên Bái, năm 2012, 212 giáo viên ngành học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở huyện Yên Bình nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển sang làm công việc khác.

Tại Thanh Hóa, năm 2016, hơn 1.000 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc và Yên Định cũng bị chấm dứt hợp đồng.

Tại Hải Dương, năm 2017, 1.191 giáo viên của tỉnh Hải Dương suốt nhiều tháng không nhận được lương.

Tại Phú Yên, năm 2017, 51 giáo viên bị cắt hợp đồng trước năm học mới

Tại Đăk Lăk, đầu năm nay, hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk điêu đứng trước thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.

Tại Hà Nội, cuối tháng 7 vừa qua, 441 giáo viên huyện Thanh Oai nhận thông báo sẽ bị cắt hợp đồng sau 4 tháng nữa.

Còn tại Cà Mau, 1.145 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng vào đúng ngày 1/9 tới, chỉ trước ngày khai giảng vài ngày.

Báo cáo mới nhất được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ: Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân là do việc sử dụng nhân lực tại các đại phương còn bất hợp lý, thiếu giám sát thường xuyên. Đặc biệt việc quy hoạch chưa kịp thời

Với 441 giáo viên ở huyện Thanh Oai, Hà Nội vừa bị chuyển hợp đồng từ phòng giáo dục về các trường, họ vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng về vấn đề này. Bởi trong bao năm qua, các giáo viên này đã phải chịu nhiều bất hợp lý trong tuyển dụng.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc khó xử lý dôi dư giáo viên ở các địa phương đó là ngành giáo dục không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên, do đó không chủ động được cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018 được tổ chức cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chỉ giảm nhân lực ở những vị trí gián tiếp và phải đảm bảo số giáo viên tham gia giảng dạy.

Chuyện giáo viên bị chấm dứt hợp đồng gần đây tại một số địa phương cũng cần nhìn nhận là chính quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của Luật Lao động, nhưng cũng không thể "không dùng thì cắt" mà cần có sự hỗ trợ thỏa đáng để họ chuyển đổi nghề nghiệp sau nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước