Theo đó, phương thức thi tuyển sinh “3 chung” (Chung đề thi; Chung đợt thi và ngày thi, Sử dụng chung kết quả thi) vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, một trong những điểm mới quan trọng đó là không tính điểm sàn.
Thay vào đó, Ban thư ký, Hội đồng tuyển sinh của các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh, thống kê điểm, quy định về khung điểm ưu tiên, các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Bộ GD-ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường ĐH – CĐ xét tuyển cho từng khối, từng ngành đào tạo dựa vào kết quả thi. Đồng thời, yêu cầu nhà trường sẽ phải in 3 giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh và chỉ cấp 1 lần.
Trong trường hợp làm mất giấy chứng nhận kết quả thi, nhà trường sẽ không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.
Điểm mới thứ hai, mỗi trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH – CĐ hệ chính quy được tuyển sinh tối đa 2 lần/năm. Thời gian tuyển sinh sẽ do Bộ GD-ĐT quy định cụ thể. Như vậy, các thí sinh sẽ có thêm cơ hội trúng tuyển khi được tham gia các đợt tuyển sinh lần hai.
Với quy định mới này, kết quả thi của thí sinh vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Tuy nhiên, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển nếu thí sinh dự kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí, đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh có nội dung phù hợp và đáp ứng các yêu cầu do Bộ GD-ĐT quy định.
Hiện có 64 trường ĐH-CĐ gửi đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ công bố các đề án phù hợp với quy chế để các trường triển khai thực hiện.