Thủ khoa Học viện Hậu cần "học thay phần anh chị"

-Thứ bảy, ngày 30/08/2014 06:00 GMT+7

Bốn anh chị lần lượt nghỉ để nhường phần đi học cho em út. Riêng Trình từng phải nghỉ học một năm, đi làm kiếm tiền mới có thể tiếp tục đến trường.

 

‘ Thủ khoa, trung úy Nguyễn Văn Trình.

Sau lễ vinh danh thủ khoa, trung úy Nguyễn Văn Trình cất bằng khen và kỷ niệm chương, lên Sơn Tây (Hà Nội) nhận nhiệm vụ là trung đội trưởng quản lý học viên. Trình được giữ lại Học viện Hậu cần công tác. Những gì đạt được của ngày hôm nay là kết quả chặng đường dài cố gắng không ngừng nghỉ của chàng trai quê xã Vũ Đông (TP Thái Bình), có lúc tưởng không thể vượt qua vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Là con út trong gia đình 5 anh em, nhà nghèo nên những ngày thơ bé Trình đã cùng các anh chị chăm sóc gần mẫu ruộng, việc cấy hái cậu đều thành thạo. Năm 2000, mẹ Trình bị ung thư máu rồi qua đời một năm sau đó. Bố Trình, ông Nguyễn Xuân Đậm chịu đựng không nổi cú sốc quá lớn nên ốm liệt giường. Các anh chị thay nhau chăm sóc bố, chỉ cậu út không giúp được gì nhiều nên tự nhủ cố học cho tốt. Nhờ sự chăm sóc của các con, ông Đậm dần dần cử động được chân tay, tập bước đi từng ngày.

Tiền chữa bệnh cho mẹ, thuốc thang cho bố khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Anh chị lớn trong nhà lần lượt nghỉ học, có người học hết cấp 2, nhưng có người chỉ học đến lớp 8 là ở nhà chăm bố, phụ công việc đồng áng. Bao nhiêu hy vọng gửi vào cậu út học khá nhất nhà.

Khi Trình chuẩn bị thi vào cấp 3, bố em khuyên con trai nghỉ học một năm, đi làm kiếm tiền rồi mới học tiếp. Nghe bố nói, cậu bé 15 tuổi buồn bã tâm sự với cô giáo chủ nhiệm thì nhận được lời khuyên chọn trường bổ túc nào đó vừa học, vừa làm. Nhưng Trình muốn chọn trường công lập để có thể được học trong môi trường tốt nhất. "Lúc đó em chỉ nghĩ mình phải học để thoát nghèo, các anh chị lớn trong nhà đã đứt đường học rồi, em mà nghỉ nốt thì 5 anh em không ai học hành đến nơi đến chốn", Trình tâm sự.

Cuối cùng, Trình quyết định nghỉ học một năm, lên Móng Cái (Quảng Ninh) cào vọp, cuốc giun biển. Nhiều hôm ngâm mình trong nước biển lạnh buốt, chân tay bị hà cứa vào rớm máu nhưng nghĩ đến việc sắp được quay trở lại trường, cậu lại cố gắng. Những ngày giáp Tết, Trình chuyển về làm phụ hồ gần nhà để đỡ đần anh chị công việc đồng áng. Nhiều lúc nhìn thấy bạn học nay lên lớp 10 đi học ngang qua, Trình lại chạy ra hỏi "Hôm nay học cả ngày à? Môn học có gì mới hay không?" với một niềm háo hức xen lẫn tủi thân.

Cào vọp, cuốc giun, phụ hồ gần một năm, Trình dành dụm mua được chiếc xe đạp cũ và một ít tiền. Cậu đến trường THCS Vũ Đông (TP Thái Bình) xin học cùng với các em khóa sau. Thầy cô biết hoàn cảnh khó khăn của học trò nên đồng ý cho Trình vào lớp mà không thu thêm khoản phí nào, dù chỉ còn hai tháng nữa là chương trình học lớp 9 kết thúc. "Các thầy còn thường xuyên gọi lên bảng làm bài để em dần nhớ lại kiến thức không được học suốt một năm. Nếu không được các thầy cô tiếp sức thì không biết giờ em đang ở nơi nào, có khi tiếp tục đi cào vọp, hoặc phụ hồ", trung úy trẻ nhớ lại.

Không phụ lòng thầy cô, năm đó Trình thi đỗ trường THPT Chu Văn An và được vào lớp chọn khối A của trường. Suốt 3 năm phổ thông là những buổi sáng Trình đi học, chiều đi làm thêm kiếm tiền hoặc ở nhà chăm sóc bố. Thành tích học tập của cậu vẫn là những tấm giấy khen học sinh giỏi lẫn tiên tiến.

Đến kỳ thi đại học, cậu chọn thi vào Học viện Hậu cần bởi thấy mình hợp với người lính, cũng vì gia đình khó khăn. Trung úy trẻ trải lòng: "Học trường ngoài không kham nổi học phí, em sợ một lần nữa phải nghỉ học giữa chừng, mong muốn đi học vì mình và học thay phần anh chị sẽ không làm được".

Đại úy Trần Hùng Cường, người từng quản lý khi Trình còn là học viên những ngày đầu vào trường nhớ lại: "Ấn tượng đầu tiên về chàng trai ấy là đen, gầy, có dáng vẻ khắc khổ, khi tiếp xúc thì lại thấy ở cậu ấy nghị lực phi thường. Sau này, thành tích học tập, rèn luyện của Trình lại càng chứng minh điều đó", đại úy Cường cho hay.

4 năm trôi qua nhanh chóng, Trình luôn giữ vững thành tích như hồi học cấp 3, giành nhiều giấy khen thi đua của học viện. Tốt nghiệp với điểm số giỏi, cậu trở thành thủ khoa được thành phố Hà Nội vinh danh năm nay. Trung úy trẻ cho rằng thành tích đó không chỉ là sự nỗ lực của bản thân mà còn nhờ sự tiếp sức của nhiều đồng đội, thầy cô trong trường.

Nhớ lại chặng đường dài phấn đấu, Trình thầm cảm ơn người mẹ thứ hai đã hết lòng thương yêu cả 6 cha con. Sau khi mẹ ruột Trình mất được vài năm, bà Đào Thị Hường đã ở bên chăm sóc, bầu bạn với người cha đau yếu của em. "Mẹ làm mọi việc như đội bê tông, trồng rau bán cùng các anh chị trả những món nợ của gia đình. Nhà đông con, mẹ không sinh thêm đứa em nào nữa vì muốn toàn lực chăm sóc cho bố và nuôi các con. Mẹ không có công sinh thành nhưng có công giáo dưỡng lớn lao vô cùng", Trình kể.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước