Theo đó, có 10 tiêu chí đối với trường đại học đạt chuẩn quốc gia. Các tiêu chí gồm sứ mạng và mục tiêu, tổ chức và quản lý, cơ sở vật chất và thiết bị, đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, tự chủ tài chính, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xếp hạng, sự hài lòng của sinh viên và cơ quan sử dụng lao động.
Trong đó, đối với tiêu chí tổ chức và quản lý, ngoài việc phải có cơ cấu tổ chức phù hợp theo quy định thì việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giảng viên, công chức, viên chức của trường phải đảm bảo minh bạch, công khai.
Về tiêu chí cơ sở vật chất, trường phải có diện tích đất tối thiểu 25m2/sinh viên, diện tích xây dựng bình quân tối thiểu 9 m2/sinh viên, trong đó diện tích phục vụ học tập ít nhấ là 6m2/sinh viên. Đây có lẽ sẽ là một tiêu chí khá khó khăn với các trường ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
Về tiêu chí đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, trường phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận dạy ít nhất 75% khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu đảm bảo tối đa 8 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao. Tỷ lệ này đối với các nhóm ngày y-dược là 10 sinh viên/giảng viên, với các ngành khác là 20 sinh viên/giảng viên.
Tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ tiến sỹ chiếm ít nhất 25% trong tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường đại học theo định hướng ứng dụng và 50% đối với trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trình độ giáo sư, phó giáo sư phải đạt tối thiểu 10% với trường định hướng thực hành, 20% với trường định hướng nghiên cứu.
Với tiêu chí về hoạt động đào tạo, trường phải đào tạo theo hệ thống tín chỉ, có số sinh viên có việc làm đúng và phù hợp với ngành đạo tạo sau một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt ít nhất 75% tổng số sinh viên tốt nghiệp của khóa học đó.
Về tiêu chí kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, trường phải được kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với ít nhất 90% tiêu chí đạt yêu cầu, có it nhất 20% chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định độc lập được Bộ công nhận.
Trường phải có ít nhất 75% sinh viên, cựu sinh viên được hỏi hài lòng về chương trình đào tạo với mẫu lấy ý kiến tối thiểu bằng số lượng sinh viên của một khóa đào tạo. Bên cạnh đó, phải có ít nhất 80% cơ quan sử dụng lao động được hỏi hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp với mẫu lấy ý kiến tối thiểu là 200 cơ quan sử dụng lao động.
Ngoài ra, trường phải thuộc 3 hạng đầu của khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại thời điểm xin công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Trường đại học đạt chuẩn quốc gia phải đáp ứng đủ 10 tiêu chí. Giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc gia sẽ có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp.
Ngoài dự thảo về 10 tiêu chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang có hai phương án cho việc công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia là giao cho một tổ chức độc lập đánh giá và công nhận hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ban hành quy định về trường đại học đạt chuẩn quốc gia là đúng theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Điều này nhằm góp phần giúp các cơ sở đào tạo xây dựng những mục tiêu phấn đấu hướng đến hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp của công luận để hoàn thiện hơn nữa dự thảo thông tư trước khi ban hành chính thức.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.