TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thay đổi, nâng cao chất lượng năm học mới

Thanh Hải,Tạ Hậu, Văn Cường-Thứ ba, ngày 22/08/2023 13:27 GMT+7

VTV.vn - Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm 4.500 phòng học mới. Đây là con số rất lớn và mang nhiều ý nghĩa để ngành giáo dục thành phố.

TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thay đổi, nâng cao chất lượng năm học mới

Bắt đầu từ hôm qua (21/8), cùng với nhiều địa phương trên cả nước, các trường học ở TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu đón học sinh lớp 1 tựu trường, bước vào học mới. Năm nay, với số học sinh tăng thêm trên 35.000 em, để đảm bảo đủ chỗ học và tăng số học sinh được học 2 buổi 1 ngày, vẫn còn nhiều khó khăn, mong đợi và kỳ vọng từ cả phía phụ huynh, học sinh và nhà trường.

Trường Tiểu học An Hội, 1 trong 2 trường đông nhất quận Gò Vấp với hơn 3.200 học sinh. Sau 3 năm nỗ lực, năm nay trường đã tăng được 100% số học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày. Nhưng các khối lớp còn lại, chỉ được khoảng 1 nửa.

Hiện nay khó khăn của các trường là thiếu phòng học và giáo viên bộ môn. Đặc biệt là các môn năng khiếu, nghệ thuật, tiếng Anh, tin học. Như trường Tiểu học An Hội, một trong 2 trường đông nhất quận Gò Vấp, hiện có hơn 3.200 học sinh, 71 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên và 1 phòng tin học.

TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thay đổi, nâng cao chất lượng năm học mới - Ảnh 1.

Trường Tiểu học An Hội hiện chỉ có 1 phòng tin học nhưng có hơn 70 lớp học. Áp lực đổ dồn lên khi khối lớp 3 và lớp 4, sang năm là khối lớp 5, đảm bảo 100% phải được học tin học.

Mong muốn của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, cũng như trăn trở của ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh là giảm sĩ số học sinh mỗi lớp và tăng lớp được học 2 buổi mỗi ngày theo chương trình phổ thông mới.

Xa hơn, đời sống giáo viên được đảm bảo, là ngày càng có nhiều trường công lập chất lượng cao, là những ngôi trường hạnh phúc, nơi mỗi ngày đến trường là một ngày vui vẻ của học sinh.

TP Hồ Chí Minh đề xuất xây nâng tầng trường học

Trường THPT Bùi Thị Xuân, tòa nhà Vạn Xuân mới hoàn thành, cao 5 tầng lầu và 1 hầm để xe rộng rãi. Nhờ được nâng tầng cao hơn những tòa nhà cũ, cùng với hầm để xe khiến cho không gian toàn bộ sân trường được sử dụng làm sân chơi, thể thao và trải nghiệm của học sinh. Các phòng chức năng đầy đủ phục vụ việc học tập.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi được tới 51 phòng học. Các phòng chức năng có đầy đủ, có thang máy. Chính vì nhờ Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh đầu tư cho một tòa nhà mới, cụ thể là tòa nhà Vạn Xuân. Như vậy thì rất thuận lợi cho công tác giáo dục. Các phòng chức năng có đầy đủ thì công tác giáo dục học trò là một thuận lợi rất lớn".

Hiện nay chỉ có ít trường khi xây các tòa nhà mới đã nâng tầng cao hơn những dãy nhà cũ, như trường THPT Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong, hay Phổ thông Năng khiếu - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (tại Quận 5) là công trình trường công lập xây dựng cao tầng nhất tại TP Hồ Chí Minh.

Đây là công trình do UBND Thành phố xây tặng Đại học Quốc gia, do diện tích đất quá chật, không áp dụng theo quy chuẩn xây trường phổ thông.

TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thay đổi, nâng cao chất lượng năm học mới - Ảnh 2.

TP Hồ Chí Minh nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, 3 năm gần đây, số phòng học mới được xây thêm hàng năm đã giảm do nhiều nguyên nhân. Chủ yếu do: Không còn quỹ đất dành cho giáo dục; Khó giải tỏa, khó đền bù hoặc vướng thủ tục pháp lý khởi công các công trình nhà ở nên chưa thể xây thêm trường học ở các khu dân cư.

Trong khi đó, mỗi năm, số học sinh các cấp học lại tăng khoảng 40.000 em, thế nên số phòng học xây mới cũng chỉ đáp ứng đủ chỗ học cho số học sinh mới tăng thêm, chứ chưa thể giảm được sĩ số học sinh trong 1 lớp, càng khó tăng số học sinh được học 2 buổi một ngày. Đó là lý do không đáp ứng được sĩ số học sinh/lớp đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngành Giáo dục Đào tạo TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tham mưu UBND Thành phố, kiến nghị Bộ GD và ĐT điều chỉnh Thông tư 13 để xây dựng, sữa chữa trường học, thêm phòng học mới, nâng tầng cao các trường học ở khu vực nội thành. Đồng thời, Sở đã nghiên cứu, đề xuất đặc biệt việc xây dựng trường lớp, theo Nghị quyết 98 . Ngoài nguồn ngân sách dành cho các địa phương thì sẽ mời gọi đầu tư "đối tác công tư" trong các lĩnh vực giáo dục.

Năm học mới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tăng trải nghiệm cho học sinh, đẩy mạnh mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế và trường công lập chất lượng cao. Cùng với đó, tùy tình hình cụ thể, để đảm bảo học sinh được học 2 buổi 1 ngày, các trường sẽ thực hiện "lớp học động", các lớp thay đổi luân phiên giữa không gian trong phòng học với ngoài sân trường, tận dụng các phòng chức năng.

TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thay đổi, nâng cao chất lượng năm học mới - Ảnh 3.

Mong muốn là thế. Tuy nhiên, với hơn 1,7 triệu học sinh, việc đảm bảo đủ chỗ học là áp lực không nhỏ. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm 4.500 phòng học mới. Đây là con số rất lớn và mang nhiều ý nghĩa để ngành giáo dục thành phố tiếp tục giữ vững chất lượng. Trong đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 3.000 phòng học từ ngân sách của Thành phố và xã hội hoá, mời gọi các nhà đầu tư thêm 1.500 phòng học. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực phối hợp với các Sở ngành và các quận huyện để đạt được con số này.

Giáo dục qua hoạt động giao lưu văn hóa Giáo dục qua hoạt động giao lưu văn hóa

VTV.vn - 5 trường phổ thông của thành phố Hà Nội đang đón 41 học sinh từ Nhật Bản sang giao lưu. Nhà trường xây dựng kế hoạch nhưng trực tiếp thực hiện là các học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước