TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng bước vào năm học mới

Thanh Hải-Chủ nhật, ngày 20/08/2023 06:14 GMT+7

VTV.vn - Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào năm học mới. TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành phân tuyến cho học sinh đầu cấp và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất đón học năm học mới.

Phóng viên VTV News đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh về công tác tuyển sinh đầu cấp, chuẩn bị cơ sở vật chất đón năm học mới cũng như kế hoạch sắp tới của thành phố.

TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng bước vào năm học mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh

Ứng dụng chuyển đổi số trong tuyển sinh đầu cấp

PV: Thưa ông, thời điểm này TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp và chuẩn bị năm học mới rồi phải không? Năm nay, điểm mới trong công tác ứng dụng chuyển đổi số trong phân tuyến cho sinh thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Hiện nay công tác tuyến sinh các lớp đầu cấp đã hoàn thành. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện Đề án 06 của Bộ Công an, của Chính phủ về số hóa cơ sở dữ liệu của người dân. Tận dụng ngay cơ sở dữ liệu của ngành công an phối hợp với ngành giáo dục nên thành phố có được gần như 100% cơ sở dữ liệu của ngành và thực hiện áp dụng luôn việc số hóa trong công tác tuyển sinh. Phụ huynh không cần đến trường cũng như không phải nộp bất kì hồ sơ, giấy tờ gì trong tuyển sinh đầu cấp.

Đặc biệt là trong tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 thì chúng tôi đã tham mưu UBND Thành phố thí điểm ở 3 địa phương (thành phố Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình-PV) ứng dụng quản đồ GIS, tức là bản đồ khoảng cách vị trí địa lý nơi cư trú thực tế của học sinh với trường học để sắp xếp, bố trí chỗ học, phân tuyến vào trường địa bàn gần nhất với học sinh.

TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng bước vào năm học mới - Ảnh 2.

Tuyển sinh đầu cấp tại các trường học đã được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Trong ảnh: Trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, một trong những trường công lập tiên tiến hội nhập quốc tế

PV: Việc tích hợp với cơ sở dữ liệu thông qua mã định danh cá nhân góp phần để giảm tải công tác quản lý và đảm bảo công khai thông tin tuyển sinh hơn phải không?

- Dùng mã số định danh trong tuyển sinh có nhiều lợi ích vì chúng ta đã quản lý tất cả điểm số, hồ sơ của học sinh trên một mã số định danh duy nhất. Khi tuyển sinh đầu cấp phải rà soát lại dữ liệu, chúng ta cũng phải cập nhật và bổ sung để đảm bảo có dữ liệu chính xác và đầy đủ. Đó là một mục tiêu quan trọng trong việc tuyển sinh đầu cấp ứng dụng mã số định danh.

PV: Một số phụ huynh học sinh còn chưa đồng tình kết quả phân tuyến theo bản đồ GIS này thưa ông?

- Tất nhiên, không có giải pháp nào là đáp ứng được 100% nguyện vọng của người học. Cho nên một số phụ huynh cũng chưa hài lòng do nhu cầu và khả năng đáp ứng của các trường học, chỉ tiêu của các trường cũng có giới hạn.

Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm ở đợt tuyển sinh năm nay và tính toán cho phương án tuyển sinh những năm tiếp theo, sao cho thuận lợi hơn, vừa ổn định vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân thành phố. Đồng thời tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong tuyến sinh đầu cấp.

TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng bước vào năm học mới - Ảnh 3.

Học sinh tiểu học Nam Sài Gòn trong giờ giao lưu trải nghiệm tại sân trường.

PV: Việc tuyển sinh lớp 10 năm nay áp dụng chuyển đổi cũng có rất nhiều điểm mới, thưa ông?

- Đúng, tuyển sinh lớp 10 cũng ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. Tất cả hồ sơ cũng thực hiện trên hệ thống số và phụ huynh, học sinh cũng không phải đăng ký trên hồ sơ giấy. Việc đăng ký nguyện vọng của học sinh thì hệ thống bản đồ GIS cũng hỗ trợ phụ huynh biết được khoảng cách từ nơi ở đến trường để quyết định lựa chọn các nguyện vọng.

Vì vậy, năm nay số lượng học sinh chọn sai nguyện vọng hoặc quá xa nhà đã giảm khá nhiều. Việc tuyển sinh đầu cấp và việc ứng dụng chuyển đổi số cũng như sự đồng thuận ủng hộ của phụ huynh, học sinh và các trường đã làm rất tốt cho việc tuyển sinh năm học 2023-2024 vừa qua.

Bố trí đủ chỗ học bằng nhiều giải pháp linh hoạt

PV: Năm ngoái, một số quận huyện đã linh hoạt tổ chức “lớp học động”, “lớp học chạy” để vượt qua áp lực sĩ số đông và thiếu trường lớp, đáp ứng đủ chương trình 2 buổi 1 ngày. Năm nay, thành phố tăng thêm hơn 35.000 em, với trên 1,7 triệu học sinh. Các quận huyện có tiếp tục triển khai mô hình này không?

- Trước đây chúng ta bố trí mỗi phòng học một lớp cố định. Có nhiều khoảng thời gian phòng học không sử dụng khi học sinh di chuyển sang học các phòng chức năng hoặc các bộ môn vận động, trải nghiệm ngoài sân trường. Như vậy cũng rất lãng phí.

Trong bối cảnh khó khăn, các quận huyện chưa triển khai được dự án xây trường mới đáp ứng đủ chỗ học thì các quận huyện, các trường tùy theo điều kiện chủ động luân chuyển học sinh,tận dụng tối ưu nhất các phòng học hiện có. Đó là một những giải pháp trước mắt để tăng số lớp học 2 buổi/ngày cho học sinh, đặc biệt đối với học sinh tiểu học, THCS.

Việc bố trí thời khóa biểu cũng phải là hết sức là linh hoạt.

TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng bước vào năm học mới - Ảnh 4.

Tăng hoạt động trải nghiệm cho học sinh THPT. Ảnh: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường THPT Đào Sơn Tây, thành phố Thủ Đức

PV: Khối THPT có triển áp dụng mô hình này không thưa ông?

- Học sinh THPT có những môn học tự chọn, đặc biệt là THPT thì có những buổi học nhiều hoặc ít. Hiệu trưởng các trường chủ động, linh hoạt bố trí thời khóa biểu để học sinh lựa chọn các môn học khác nhau. Học sinh được chia nhóm theo môn, tới giờ học môn tự chọn thì học theo môn, cho nên các trường linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu cũng như là sử dụng tối ưu các phòng học hiện có của nhà trường.

Trong các hội nghị, chúng tôi đã mời các đơn vị làm tốt chia sẻ kinh nghiệm để các trường tham khảo phương án, triển khai rộng rãi hơn.

Chuẩn bị cơ sở vật chất và xây dựng trường lớp mới

PV: Thời gian qua việc xây dựng trường lớp ở TP Hồ Chí Minh luôn không đáp ứng đủ số học sinh tăng thêm, nguyên nhân do đâu thưa ông?

- Trước năm 2019 mỗi năm thành phố xây dựng hơn 1.000 đến 1.500 phòng học dành cho giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, số phòng học xây mới cũng chỉ đáp ứng đủ chỗ học cho số học sinh mới tăng thêm, chứ chưa giảm được sĩ số học sinh trên lớp, cũng không tăng được học sinh học 2 buổi ngày.

Năm học 2023-2024 này chúng ta đưa vào sử dụng khoảng 672 phòng học mới. Đó cũng là nỗ lực rất lớn của các quận huyện và thành phố, của Sở. Nhưng với số học sinh tăng thêm hơn 35.000 thì chỉ đáp ứng được số học sinh các vùng tăng dân số cơ học. Việc giảm sĩ số học sinh trên lớp cũng đang phấn đấu trong thời gian tới. Đây là khó khăn mà TP Hồ Chí Minh nhiều năm,phòng học mới xây chưa đáp ứng kịp số học sinh tăng.

Nhưng thành phố gặp nhiều khó khăn khi đầu tư xây dựng trong 3 năm vừa qua.

Thứ nhất do tình hình khách quan đại dịch COVID-19, nhiều dự án còn tồn đọng lại.

Thứ hai là quy hoạch đất giáo dục ở những vùng ven, vùng tăng dân số cơ học thì chưa giải phóng, giải tỏa được đất đai. Và Nguồn vốn đầu tư chúng ta cũng khó khăn.

PV: Sở có đề xuất giải pháp và cơ chế gì để sớm tháo gỡ việc này, thưa ông?

- Năm nay chúng ta cũng được ngân sách đầu tư công, đầu tư khá lớn cho giáo dục với hơn 8.000 tỷ. Từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư phòng học cho những quận huyện mà đang áp lực về sĩ số học sinh.

Ngay khi Nghị quyết 98 ra đời thì ngành Giáo dục Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có những nghiên cứu và đề xuất, đặc biệt là xây dựng trường lớp. Ngoài nguồn ngân sách dành cho các địa phương thì trong Nghị quyết 98 có một điều khoản là cho phép đầu tư PPP, kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục…

Ngành Giáo dục Đào tạo cũng sẽ tận dụng cơ hội này để kêu gọi đầu tư ở các vùng mà chúng ta đang có nhu cầu cao để mở các trường lớp cho các học sinh, để giảm bớt áp lực cho các trường công cũng như là quy mô của trường học từ nay đến 2025 sẽ đạt được theo đề xuất của Sở đưa ra trong các chỉ tiêu sắp tới.

Đặc biệt là chúng ta đang phấn đấu thực hiện những chỉ tiêu Đảng bộ Thành phố là 300 phòng học trên 10.000 dân. Hiện nay mới đạt được có 294 bình quân trên toàn thành phố. Tuy nhiên ở một số quận huyện thì con số này rất thấp.

TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng bước vào năm học mới - Ảnh 5.

Xã hội hóa giáo dục mời gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng trường, lớp tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Giờ học trải nghiệm tại nông trại của học sinh trường THCS-THPT Hồng Hà.

PV: Một số quận như: 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức…sĩ số học sinh trên lớp rất cao. Có trường tiểu học có hơn 100 lớp, với gần 5.000 học sinh. Một số nơi không có phòng học bộ môn, phòng máy tính, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đây là khó khăn, bất cập lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa ông?

- Chỉ đạo của Thành phố là xây dựng 4.500 - 5.000 phòng học đến năm 2025, đây là một con số rất lớn. Trước năm 2019, còn nhiều đất sạch, nhiều công trình đã sẵn sàng để đầu tư xây dựng trường học.

Nhưng giai đoạn tới khó khăn hơn. Từ nay đến 2025, đề án xây trường với 3.000 phòng học từ ngân sách đầu tư công của Thành phố. Thực hiện xã hội hoá, mời gọi các nhà đầu tư thêm 1.500 phòng học. Thành phố cùng với Sở ngành và các quận huyện sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được con số này.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước