Tính đến ngày 24/11 đã có 29 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Trong đợt đầu, các địa phương ưu tiên tiêm cho lứa tuổi từ 15 đến 17. Với độ tuổi nhỏ hơn sẽ triển khai tiêm trong đợt tiếp theo.
Ở phía Bắc có các địa phương Tuyên Quang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Hà Nam, Hải Dương và Hà Nội. Tại miền Trung có Đà Nẵng, Khánh Hòa. Ở phía Nam có TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ và Hậu Giang. Tổng số liều vaccine được tiêm là gần 3 triệu liều.
So với các quốc gia khác, Việt Nam xuất phát muộn hơn trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Điều này cho thấy sự thận trọng của ngành y tế nước ta và cũng trên cơ sở đã tham khảo và tôn trọng ý kiến của các bậc phụ huynh.
Đánh giá về đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ đang diễn ra, TS Nguyễn Công Luật, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng Quốc gia cho biết: "Trong quá trình triển khai đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận những phản ứng bất thường nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu với mong muốn tiêm chủng an toàn. Lịch tiêm vaccine là 2 liều, liều 2 cách liều 1 từ 21-28 ngày. Tỷ lệ tiêm mũi 1 chưa cao, tỷ lệ mũi 2 còn rất thấp. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục cáp vaccine cho địa phương để triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi quy mô toàn quốc. Dự kiến đến cuối tháng 12, đầu tháng 1 sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho cả đối tượng từ 12-17 tuổi và trên 18 tuổi trên phạm vi toàn quốc".
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Thực tế là vậy, song vẫn còn không ít phụ huynh băn khoăn có nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ hay không. Đáng chú ý, trong quá trình tác nghiệp tại các địa điểm tiêm, phóng viên đã ghi nhận một số phụ huynh có tâm lý miễn cưỡng đưa con đi tiêm vì sợ con không tiêm thì không được đi học.
Về vấn đề này, tại Hội nghị bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra vào ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đưa ra quan điểm. Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, đi học trực tiếp là quyền của mọi trẻ em, vì vậy không phân biệt trẻ có tiêm vaccine hay không. Việc cho trẻ quay trở lại trường hay không phải căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương ở cấp độ 1 có thể cho các trẻ chưa tiêm hoặc đã tiêm đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2 trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách kết hợp với học trực tuyến.
Ngoài băn khoăn lo lắng việc tiêm phòng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, không ít phụ huynh băn khoăn việc tiêm vaccine có thể gây ra những phản ứng tức thì và cả những ảnh hưởng về lâu dài. Hiện nước ta sử dụng duy nhất một loại vaccine là Pfizer để tiêm cho trẻ. Đây là loại vaccine được đã triển khai tiêm cho trẻ ở hàng chục quốc gia trên thế giới, đã được kiểm chứng về độ an toàn cũng như tính sinh miễn dịch.
Ngoài lo lắng ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, sức khỏe, còn một nguyên nhân khác khiến các bậc phụ huynh băn khoăn giữa tiêm hay không tiêm cho trẻ đó là ở Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 chuyển nặng chỉ có 4%, trong đó tỷ lệ nguy kịch chỉ 0,5%. Chính vì thế, nhiều phụ huynh cho rằng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là không cần thiết. Hơn nữa, trẻ em Việt Nam không thuộc nhóm béo phì - nhóm có nguy cơ chuyển biến nặng cao nhất khi mắc COVID-19. Tuy nhiên như các chuyên gia đã phân tích, việc tiêm vaccine không chỉ đơn thuần tăng khả năng miễn dịch, mà nó còn mang nhiều lợi ích khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!