Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gồm lãnh đạo các đơn vị: Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Văn phòng Bộ đã tới thăm cơ sở vật chất, tình hình giảng dạy, học tập trong điều kiện một năm học khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Trường Tiểu học Bích Sơn và Trường THCS Thân Nhân Trung (huyện Việt Yên); làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Mai Sơn, lãnh đạo Sở GDĐT và các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang.
Tiếp tục quan tâm triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới
Trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên) có tổng số 1.317 học sinh với 35 lớp học, số lớp học 2 buổi/ngày của trường hiện đạt tỷ lệ 100%. Toàn bộ số phòng học hiện có của trường là phòng học kiên cố, trong đó trang bị 13 phòng học trực tuyến, 100% phòng học có kết nối mạng Internet và trang bị ti vi thông minh. Đây là những lợi thế rất quan trọng của Trường Tiểu học Bích Sơn khi triển khi chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2 trong 2 năm qua.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh Trường tiểu học Bích Sơn
Nhìn lại năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cô giáo Phan Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bích Sơn cho biết: 100% học sinh lớp 1 của trường đều đọc thông, viết thạo, tính toán tốt hơn hẳn học sinh lớp 1 trước đây. Các em học sinh được học tập trải nghiệm, mạnh dạn hơn, tự tin hơn, sáng tạo hơn trong học tập. Giáo viên cũng có cơ hội học tập, trải nghiệm, sáng tạo và tích lũy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhà trường xây dựng được môi trường học tập chủ động, sáng tạo, thân thiện và hiệu quả.
Trường THCS Thân Nhân Trung (huyện Việt Yên) được biết đến là một trong những trường có chất lượng giáo dục toàn diện nằm trong tốp đầu của tỉnh Bắc Giang. Đây cũng là mô hình điểm của tỉnh Bắc Giang để triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29 và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; là nòng cốt trong thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và công tác nghiên cứu khoa học của huyện Việt Yên nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung.
Năm đầu tiên triển khai chương trình mới với lớp 6, Trường THCS Thân Nhân Trung đã có những chuẩn bị nghiêm túc. Thầy Nguyễn Công Đoàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã thành lập tổ giáo viên cốt cán để hỗ trợ giáo viên toàn trường thực hiện chương trình; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp trường, cấp huyện; tham gia sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên. Tới nay, giáo viên, học sinh nhà trường cơ bản thích ứng tốt với việc dạy, học theo chương trình, sách giáo khoa mới cũng như dạy học ứng phó với dịch Covid-19.
Tới thăm cơ sở vật chất, tình hình dạy học của Trường Tiểu học Bích Sơn và Trường THCS Thân Nhân Trung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của địa phương về cơ sở vật chất cho các nhà trường - đây là nỗ lực để học sinh có được điều kiện học tập tốt. Đánh giá cao những kết quả tích cực trong dạy và học, nhất là trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 của 2 nhà trường, Bộ trưởng đề nghị, chính quyền, ngành Giáo dục địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ để các trường triển khai tốt với các lớp tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung
Trong tình hình chung của cả nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các trường học của tỉnh Bắc Giang nói chung và Trường Tiểu học Bích Sơn, Trường THCS Thân Nhân Trung nói riêng đã có sự ứng phó tốt, sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến. Ghi nhận sự nỗ lực này, Bộ trưởng mong muốn, nhà trường sẽ tiếp tục tinh thần sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, linh hoạt triển khai hiệu quả các mục tiêu chung của ngành.
Qua trò chuyện với một số học sinh, Bộ trưởng cho rằng, điều đáng mừng là các em ngày càng tự tin, dám nói ý nghĩa, quan điểm của mình; các thầy cô cần vun đắp thêm cho các em sự tự tin, sáng tạo, chủ động, tôn trọng cá tính, phát huy tố chất riêng của từng học sinh. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh tích cực dạy kỹ năng, tri thức, các nhà trường cần quan tâm bồi đắp con người, nhân cách cho các em; chú trọng rèn luyện đạo đức, xây dựng văn hóa học đường, rèn luyện cách ứng xử, để trong giao tiếp các em vừa chủ động, tự tin nhưng cũng phải lễ phép.
Nhấn mạnh Bắc Giang, đặc biệt huyện Việt Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục truyền thống; lấy giáo dục truyền thống là một trong các công cụ, phương tiện, điểm tựa để giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Chắt chiu, dành nguồn lực cho giáo dục
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo năm 2021 của tỉnh Bắc Giang tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết: Những năm qua, Bắc Giang duy trì kết quả phổ cập giáo dục trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực và toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đạt được các kết quả tích cực.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bắc Giang đã chỉ đạo tổ chức tốt việc khảo sát, đánh giá một năm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1; tích cực chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Bắc Giang đã hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6, báo cáo Bộ GDĐT phê duyệt; đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang
Năm 2021 là năm thứ 2 đặc biệt khó khăn với ngành Giáo dục, bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch Covid-19. Trước tình hình trên, với phương châm "tạm dừng đến trường, song không dừng việc học" theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, ngành Giáo dục của tỉnh đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển trạng thái nhanh từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để bảo đảm nội dung, chương trình và chất lượng giáo dục.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong thành tựu chung đó, có điểm sáng về giáo dục và đào tạo.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện, Bộ trưởng cho biết: Toàn ngành đang chung sức, chung lòng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Có rất nhiều công việc đặt ra và phải làm từ phía Bộ GDĐT, nhưng triển khai thực tế lại do các địa phương, cơ sở giáo dục. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng mong muốn, tỉnh Bắc Giang sẽ thấu hiểu và tiếp tục quan tâm, phối hợp triển khai thành công sự nghiệp đổi mới này.
Nhắc tới nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ trưởng dành sự ghi nhận cho việc thích ứng nhanh chóng và triển khai được một phần chuyển đổi số trong giáo dục của tỉnh Bắc Giang giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không chỉ mang tính chất ứng phó tạm thời, mà là việc căn bản cho rất nhiều đổi mới khác nên phải được làm toàn diện. "Cú hích của dịch bệnh đã giúp chúng ta làm được một số việc, nhưng phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đã làm phải làm triệt để, làm toàn diện, để tăng sức mạnh, để không bị động trong mọi tình huống", Bộ trưởng nói.
Một nhiệm vụ nữa cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập với mong muốn tỉnh Bắc Giang sẽ quan tâm làm tốt trong thời gian tới, đó là xã hội hóa giáo dục. Đây phải được xem là đường đi lâu dài để giải quyết những vấn đề, mục tiêu của giáo dục. Bộ trưởng đồng thời cũng nhắc tới mục tiêu bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, thông qua một số lưu ý với địa phương về nhiệm vụ phổ cập, xóa mù chữ, giáo dục dân tộc, kiên cố hóa trường lớp, giáo dục hòa nhập, giáo dục đặc biệt…
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GDĐT
Nhiệm vụ đổi mới quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo, trong đó tạo sự đổi mới đồng bộ, nhịp nhàng từ cấp Bộ, đến Sở/Phòng, nhà trường để lan tỏa được đến hạt nhân người thầy cũng là một trong những trọng tâm được Bộ trưởng nhấn mạnh và lưu ý ngành Giáo dục Bắc Giang quan tâm thực hiện.
Nhìn lại những kết quả của giáo dục Bắc Giang thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đã thể hiện rõ nét sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mong rằng, tỉnh Bắc Giang sẽ dành sự quan tâm, ưu tiên hơn nữa về nguồn lực để phát triển giáo dục, đào tạo.
"Giáo dục rất đặc biệt. Chi cho giáo dục một đồng, tương lai sẽ mang lại nhiều đồng. Vì thế, nếu phải "thắt lưng buộc bụng" để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm", Bộ trưởng nói, đồng thời mong muốn, tỉnh Bắc Giang sẽ chắt chiu, dành nguồn lực cho đẩy nhanh hoàn tất kiên cố hóa trường lớp học; đầu tư cho hạ tầng số, trang thiết bị học tập; giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học…
Một số nhiệm vụ cụ thể khác như: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới giáo dục theo chiều sâu, trong đó có đổi mới giảng dạy môn Ngữ văn, Lịch sử trong trường phổ thông… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, với mong muốn tỉnh sẽ có những chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Phát biểu cảm ơn, tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, sẽ giao UBND tỉnh, ngành Giáo dục và các Sở, ngành liên quan tham mưu, triển khai thực hiện. Trong đó, quyết tâm năm 2022 hoàn thành phổ cập THCS cấp độ 3; hết năm 2022, sang đầu năm 2023 có thể đạt cơ bản về tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp.
Tỉnh cũng sẽ tập trung cho chuyển đổi số, trong đó ưu tiên với giáo dục; đồng thời, tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục. "Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững, nên tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cho lĩnh vực này", Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!