Năm 2020, đứng trước thực trạng nhu cầu phát triển đô thị ngày càng gia tăng mạnh mẽ nhưng thiếu hụt nguồn kỹ sư lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng đô thị, xây dựng; Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội quyết tâm kích cầu nguồn nhân lực khan hiếm bằng hình thức bổ sung hình thức xét tuyển sinh viên đại học bằng học bạ THPT.
Thông tin được chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến trình số thứ hai về tuyển sinh của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vừa mới diễn ra vào tối Chủ nhật (5/4) dành cho Khối A00, A01, B00, D07. Nội dung của buổi giao lưu dành cho Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, với các khách mời: TS. Nguyễn Văn Nam – Phó Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Nhà giáo ưu tú. PGS.TS Vũ Thị Vinh – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam; TS. Hán Minh Cường – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ xây dựng ACUD Việt Nam.
Giao lưu trực tuyến tư vấn 02: Tư vấn tuyển sinh Khối A00, A01, B00, D07 trường Đại học
Xét tuyển đại học bằng học bạ, cam kết đảm bảo việc làm
Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến cơ hội xét tuyển dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ đầu ở bậc THPT, miễn phí một học kỳ đối với 25% thí sinh đăng ký sớm và trúng tuyển, cam kết đảm bảo việc làm cho 50% sinh viên có kết quả học tập tốt nhất của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thầy Nguyễn Văn Nam có thể ngay bây giờ chia sẻ về những cơ hội đặc biệt này dành cho các bạn học sinh chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học năm nay?
TS. Nguyễn Văn Nam: Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vừa mới quyết định về công tác tuyển sinh, trong đó có rất nhiều chính sách ưu đãi đối với các em học sinh đăng ký và trúng tuyển đối với Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị. Đó là, miễn phí một học kỳ đối với 25% thí sinh đăng ký sớm và trúng tuyển vào Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, tặng 5 suất học bổng cho 5 sinh viên có điểm cao nhất vào Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, cam kết đảm bảo việc làm cho 50% sinh viên có kết quả học tập tốt nhất ra trường có việc làm ngay.
Ngoài ra, bên cạnh đó, hình thức xét tuyển của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị chúng tôi cũng có một số điều chỉnh như sau. Chúng tôi xét tuyển trên hình thức kết quả thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp các môn thi rộng hơn, với các khối A00, A01, B00 và D07. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xét tuyển theo hình thức xét học bạ căn cứ dựa trên kết quả của 5 học kỳ đầu của học sinh khối THPT. Đây là cơ hội rất đặc biệt dành cho các bạn học sinh có nguyện vọng, mong muốn được đăng ký vào học các chuyên ngành của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Câu hỏi của bạn Nguyễn Anh Vương (Hà Nội) có hỏi về ngành mới nhất của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, năm nay là năm đầu tiên tuyển sinh. Đó là Ngành Công nghệ cơ điện công trình. Bạn hỏi ngành này có đặc thù gì và học ngành Công nghệ cơ điện công trình ra trường sẽ làm gì?
TS. Nguyễn Văn Nam: Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị vừa xây dựng xong chương trình cho chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình và chúng tôi được phép tuyển sinh ngay trong năm 2020 này. Đây là ngành hiện nay rất ít các trường đại học trên cả nước đào tạo. Trong khi đó theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu về cán bộ cho ngành này là rất cao.
Để một công trình xây dựng và một công trình đô thị đáp ứng được tiện nghi, tiện ích, đáp ứng được các vấn đề về tiết kiệm năng lượng thì không thể thiếu được vai trò của người kỹ sư công nghệ cơ điện. Trong khi đó, chúng tôi thấy rằng vai trò của người kỹ sư công nghệ cơ điện này như là một kỹ sư trưởng phụ trách mảng kỹ thuật cho công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, với lợi thế của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là một trường đại học đa ngành với rất nhiều ngành nghề được đào tạo như kiến trúc, xây dựng… chúng tôi sẽ xây dựng chương trình đào tạo để kết hợp, gắn kết sinh viên của chuyên ngành kỹ thuật công nghệ cơ điện công trình trong quá trình học có thể kết hợp với các sinh viên đang đào tạo của các ngành khác trong khoa và các sinh viên ở các chuyên ngành khác của nhà trường. Do vậy, các bạn có thể làm việc nhóm với nhau, có các nhóm nghiên cứu khoa học để bổ trợ và bổ sung kiến thức cho nhau, giúp cho nhau trong quá trình học tập cũng như quá trình công tác sau này.
Cũng theo khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình ra trường có nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt ở các lĩnh vực, ở các tập đoàn, các tổng công ty, các công ty tư vấn thiết kế xây dựng, các công ty, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực đô thị và khu công nghiệp, ngoài ra còn có thể làm việc ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước, làm ở các cơ sở đào tạo và đặc biệt là có nhiều cơ hội học tập, làm việc với các chuyên gia nước ngoài ở các dự án công trình xây dựng, công trình đô thị tại Việt Nam.
Hiện nay có nhiều các đơn vị, doanh nghiệp đã đặt hàng khoa chúng tôi để tuyển dụng những kỹ sư cơ điện công trình sau khi tốt nghiệp. Đây là cơ hội dành cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp rất tốt.
Bạn Nguyễn Phương Loan (Quảng Ninh) hỏi rằng học Kỹ thuật môi trường đô thị có gì thú vị? Bạn cần có tố chất nào để học Kỹ thuật môi trường đô thị? Cũng như ngành này có cơ hội việc làm nhiều không, thưa thầy?
TS. Nguyễn Văn Nam: Vấn đề môi trường là vấn đề được quan tâm của toàn xã hội, bất kể đô thị, khu công nghiệp… muốn phát triển được thì phải quan tâm đến môi trường. Các bạn có thể thấy rằng, ô nhiễm môi trường có thể xảy ra bất kỳ ở đâu và vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị của địa phương đó. Do vậy, vai trò của một kỹ sư Kỹ thuật môi trường là không thể thiếu được, giúp cho đô thị của chúng ta có thể phát triển nhanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững và đáng sống.
Qua nhiều năm đào tạo kỹ sư kỹ thuật môi trường, tôi thấy rằng các sinh viên ngành này của khoa chúng tôi có tinh thần học tập rất chăm chỉ, rất say sưa đam mê tìm hiểu nghiên cứu khoa học và cơ hội việc làm của các bạn sau khi ra trường là rất lớn. Rất nhiều các doanh nghiệp, công ty về môi trường đô thị, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều cần các cán bộ kỹ thuật môi trường. Việc học tập, nâng cao trình độ ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước rất nhiều. Nhiều sinh viên của chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đô thị hiện nay đã đang và học tập tại nước ngoài. Rất nhiều các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đã ở lại tham gia giảng dạy cùng với chúng tôi tại Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị.
Phụ huynh Nguyễn Thị Hồng (Thanh Hoá): Theo tôi tìm hiểu, ngành Kỹ thuật cấp thoát nước là ngành không bao giờ thiếu cơ hội việc làm? Thầy có thể nói rõ hơn về điều này, vì tôi đang định hướng cho con đăng ký vào ngành này của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Nam: Ngành cấp thoát nước là một trong những ngành hàng đầu của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Chuyên ngành này được khoa chúng tôi đào tạo ngay từ những năm đầu thành lập khoa. Chúng tôi đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ liên quan đến cấp thoát nước đã và đang công tác trên mọi miền tổ quốc. Nhiều cán bộ được đào tạo từ khoa chúng tôi đã giữ một vai trò, vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các công ty… đã góp phần tạo nên sự phát triển của ngành cấp thoát nước, xây dựng và của toàn xã hội.
Lĩnh vực cấp thoát nước nói chung và cấp thoát nước trong đô thị nói riêng là không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày, giúp cho việc chúng ta cung cấp nước sạch đến người dân, xử lý nước thải để tránh ô nhiễm môi trường… Nhu cầu này ngày càng đòi hỏi rất cao, đáp ứng được chất lượng cuộc sống. Do vậy, nhu cầu nhân lực cũng đòi hỏi đáp ứng sự lớn mạnh, phát triển không những về số lượng mà về chất lượng. Từ đó có thể thấy rằng nhu cầu về cán bộ chuyên ngành cấp thoát nước sẽ rất nhiều trong thời gian sắp tới.
Về chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, bạn Nam Hoàng (Hà Nội) có hỏi về những điểm khác biệt và những điều đặc biệt khi học Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội so với các trường đại học khác là gì thưa thầy?
TS. Nguyễn Văn Nam: Hiện nay, theo tôi được biết, chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có một số trường đại học đang đào tạo, trong đó có Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị. Ngoài đặc điểm chung của chuyên ngành này theo quy định của Bộ GD&ĐT thì chuyên ngành được đào tạo ở khoa chúng tôi có một số đặc điểm, đặc trưng riêng. Thứ nhất là bộ môn giao thông đô thị là một trong những bộ môn được thành lập từ những ngày đầu thành lập khoa, rất nhiều giảng viên, giáo viên uy tín, đặc biệt cả trong kinh nghiệm thực tiễn của lĩnh vực giao thông đô thị.
Chương trình đào tạo của chúng tôi thiết lập, xây dựng để nhằm tập trung hướng tới giải quyết những vấn đề giao thông trong đô thị, kể cả trên hay dưới mặt đất. Các sinh viên của chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có cơ hội được tiếp cận với nhiều sinh viên của các chuyên ngành khác được đào tạo trong khoa cũng như sinh viên của các khoa khác được đào tạo trong nhà trường như Khoa Quy hoạch Đô thị và nông thôn, Khoa Quản lý đô thị để có thể có điều kiện làm việc nhóm với nhau, làm việc nhóm với đồ án xây dựng đô thị để tạo nên một đô thị đồng bộ, tiện ích, kết hợp được nhiều lĩnh vực trong một đô thị, xây dựng một đô thị văn minh, phát triển bền vững. Đó là điểm mạnh mà sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông đang được đào tạo tại khoa chúng tôi.
Điều kiện, cơ hội nghề nghiệp rất lớn
Thưa Nhà giáo ưu tú. PGS.TS Vũ Thị Vinh đã từng là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cô nhận xét thế nào về sự phát triển của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong những năm qua cũng như khả năng, tài năng của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ngày hôm nay?
PGS.TS Vũ Thị Vinh: Tháng 11/2019, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, tôi rất vui mừng khi là một giáo viên của nhà trường tuy không còn giảng dạy ở bậc đại học nhưng tôi vẫn giảng dạy cao học và tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh. Tôi luôn tự hào và yêu quý Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Trường là nơi đầu ngành của cả nước đào tạo kiến trúc sư cũng như đào tạo về kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị. Trong 50 năm qua, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị cũng thành lập vào đúng thời kỳ thành lập của nhà trường. Nhà trường cũng rất tự hào vì đào tạo được các thế hệ học sinh có đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng đô thị của đất nước.
Khi tôi làm công tác Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, là một tổ chức kết nối các đô thị trong cả nước, tôi đến các đô thị và nhìn thấy sự phát triển của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội công tác ở các địa phương, nhiều đồng chí đã ở cấp Chủ tịch của các thành phố, cũng có những đồng chí đã là Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh và ở Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị cũng có sinh viên giờ là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Qua đó, chúng tôi rất tự hào với các thành công của các sinh viên các khoá đã được trong chuyên môn cũng như trong quản lý của nhà nước.
Với cơ hội lớn chưa bao giờ có khi cánh cửa đại học sẽ mở ra chỉ với việc xét tuyển bằng học bạ bậc THPT, cô đánh giá thế nào về cơ hội xét tuyển này của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội dành cho các bạn học sinh năm nay?
PGS.TS Vũ Thị Vinh: Nếu những năm trước đây, tôi còn công tác ở trường, giảng dạy và quản lý thì thời kỳ đó, để thi đỗ vào trường cần "chọi" 1 chọi đến 6-7 học sinh mới vào được trường. Bây giờ, do chế độ của nhà nước mở rộng cho tất cả mọi học sinh đều có thể vào các trường đại học thì tôi thấy với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội để cho tất cả các bạn học sinh các trường THPT yêu quý Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, yêu quý Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị có cơ hội trở thành sinh viên thì trường luôn luôn rộng mở. Đó là điều kiện rất tốt để chúng ta có cơ hội vào trường.
Xin cô nhận xét về vai trò quan trọng của ngành đào tạo trong Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị đối với sự phát triển của các đô thị Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Vũ Thị Vinh: Việt Nam hiện có 833 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá của mình mới chỉ xấp xỉ 39%. Nếu theo chiến lược phát triển đô thị quốc gia, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá sẽ lên khoảng 50%. Chúng ta đã mở rộng đô thị rất lớn. Các đô thị cũ sẽ mở rộng và các đô thị mới có cơ hội phát triển. Vì vậy, sẽ hình thành mới hàng nghìn đô thị. Ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị là nền tảng, nếu nói về cơ sở hạ tầng đô thị thì có hạ tầng đô thị và hạ tầng kỹ thuật, gần như tất cả các ngành trong lĩnh vực này đều có mặt trong Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị - có vai trò rất lớn trong công việc này.
Chúng ta cũng biết là hiện nay, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Đó cũng là một điều kiện, cơ hội để các bạn sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khi học xong ra trường sẽ có rất nhiều công việc làm ở các công ty, các đô thị.
Nguyên là Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, xin cô cho biết thêm về việc các hiệp hội nghề nghiệp có quan tâm, hỗ trợ gì cho sinh viên, cán bộ chuyên ngành cấp thoát nước, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, môi trường… hay không?
PGS.TS Vũ Thị Vinh: Đối với các hội nghề nghiệp, ví dụ như Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, tôi cũng tham gia vào Ban chấp hành của Hội, đó là hội nghề nghiệp nên rất gắn bó chặt chẽ với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như các trường đại học chuyên ngành khác. Còn đối với Hiệp hội các đô thị Việt Nam, đây là hiệp hội của các đô thị, phải nói là các đô thị muốn phát triển phải có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, của các kiến trúc sư, kỹ sư như kỹ thuật hạ tầng đô thị.
Chính vì vậy, hiệp hội của chúng tôi rất gắn bó với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như khi có nhu cầu gì về kỹ thuật hạ tầng, các đô thị thường rất gắn bó với Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị của nhà trường
Một câu hỏi đến từ một bạn học sinh có tên Nguyễn Lan Phương (Ninh Bình): bạn chia sẻ rằng qua phần giao lưu của cô đã mang lại rất nhiều hứng thú và truyền cảm hứng cho bạn, bởi bạn là con gái nhưng rất thích các ngành kỹ thuật, nhưng lại lo lắng rằng con gái học và ra làm nghề kỹ thuật có nhiều khó khăn. Bạn mong được cô Vinh phân tích và chỉ bảo cho bạn.
PGS.TS Vũ Thị Vinh: Đối với ngành kỹ thuật, thường người ta nghĩ nữ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy và hiện nay theo cô biết, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị cũng có đến 30% sinh viên là nữ. Các bạn học và ra trường làm việc đều rất tốt. Riêng đối với cô, khi cô vào ĐH Bách Khoa Hà Nội, khi đó trường ĐH Kiến trúc Hà Nội chưa thành lập, cô học Khoa Xây dựng, cũng là một khoa rất khó về mặt kỹ thuật. Và sau này, đến năm học thứ 4, theo sự phân công của nhà trường, cô chuyển qua lớp Đô thị và trở thành giáo viên của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sau khi ra trường.
Trong suốt quá trình nhiều năm, cô thấy các bạn nữ đã có sự say mê kỹ thuật thì không có việc gì khó khi học ngành kỹ thuật. Khi ra trường, các bạn sẽ có rất nhiều cơ hội làm việc. Ví dụ, có những bạn thích làm nghiên cứu thì sau này sẽ làm nghiên cứu. Nếu là ngành giao thông thì là ngành quy hoạch giao thông đô thị, giao thông công cộng cho một thành phố… Có những bạn thích ở ngoài công trình để chỉ đạo về thi công, có những bạn lại thích làm tư vấn thiết kế, có những bạn lại làm giáo viên… Có rất nhiều điều kiện, cơ hội để các bạn nữ vào học lĩnh vực này, và ra trường thì tuỳ theo mong muốn, sở thích, điều kiện của mình để mình xây dựng sự nghiệp.
Doanh nghiệp luôn sẵn sàng chào đón sinh viên mới tốt nghiệp
Xin chào anh, được biết anh đã từng là một sinh viên xuất sắc của ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị, anh có thể chia sẻ và hồi tưởng một chút về quãng đời sinh viên của mình dưới mái trường ĐH Kiến trúc Hà Nội?
TS. Hán Minh Cường: Tôi cũng như rất nhiều những người đã từng làm sinh viên, đều có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có, trong học tập cũng như trong sinh hoạt của đời sống sinh viên. Một điều rất may mắn là tôi đã có cơ hội để học tập dưới mái trường ĐH Kiến trúc Hà Nội rất nhiều năm, từ bậc đại học đến bậc tiến sĩ. Tôi là cựu sinh viên kỹ thuật hạ tầng niên khoá 2000-2005, khi bắt đầu bước vào giảng đường đại học rất bỡ ngỡ, sau đó trong thời gian học đại học, nhất là 2 năm đầu phải nói là bước ngoặt. Tôi quê ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, khi đi học đại học thì thấy hoàn toàn là một môi trường khác, không còn cuộc sống ở cạnh gia đình và những người thân nữa. Khi mình bước vào mái trường đại học, mọi thứ đều thay đổi hoàn toàn và mình tự làm chủ, tự quyết định mọi việc.
Rất may mắn khi học tập dưới mái trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, và đặc biệt là được sự quan tâm, dìu dắt của các thầy, cô trong Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, tôi cố gắng bắt nhịp và làm quen với chương trình học và đời sống sinh viên. Kỷ niệm rất nhiều nhưng ấn tượng tôi nhớ nhất là sự tận tình, thân thiết của các thầy cô và khi ra trường thì tôi vẫn luôn nhớ về thầy cô của mình với những tình cảm sâu sắc nhất. Khi đi học, trong 2 năm đầu, tôi còn có nhiều thời gian được giao lưu, tham gia các hoạt động với các bạn nhưng đối với bản thân tôi đến cuối năm thứ 2 đã bắt đầu đi làm thêm như đi dạy thêm, đến năm thứ 3 bắt đầu đi làm thêm theo chuyên môn của mình học như thiết kế giao thông, cấp thoát nước, cấp điện. Nhờ những trải nghiệm đó mà đã giúp ích cho tôi sau khi ra trường rất nhiều.
Câu hỏi của 1 bạn học sinh – bạn có nick name Lucy Linh gửi tới anh Hán Minh Cường: Anh có thể chia sẻ cho chúng em biết làm thế nào để thi đỗ được vào trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cũng như làm thế nào để học tốt và ra trường thành công trong công việc tương lai của mình?
TS. Hán Minh Cường: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội để vào trường hiện nay không khó, hiện nay trường có chương trình đào tạo làm thế nào để thu hút nhiều sinh viên, các bạn chỉ cần học tập chăm chỉ là đã có cơ hội lớn để có thể vào trường. Khi vào trường, muốn học tốt, đầu tiên đòi hỏi bạn phải nghiêm túc trong việc học tập. Thứ hai, có một đặc điểm rất đặc thù của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, cụ thể là ngành kỹ thuật hạ tầng, có đặc điểm, đặc thù là mặc dù là ngành kỹ thuật nhưng không khô khan, gắn với những con số mà gắn với thực tế phát triển xã hội nên trong quá trình học tập, nếu bạn muốn học tốt được các môn học, các bạn cần có va chạm thực tế giống như các bạn phải áp dụng được những kiến thức mình đã được học.
Hay các bạn cũng nên tìm kiếm cơ hội làm thực tập sinh ở các công ty để có thêm trải nghiệm cũng như có thêm những kiến thức chuyên môn. Những điều này hỗ trợ các bạn rất nhiều trong học tập.
Khi các bạn ra trường, ngành này gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội, các bạn phải thường xuyên học hỏi, tìm tòi nghiên cứu cũng như trau dồi chuyên môn thì sẽ thành công trên con đường sự nghiệp của mình.
Bạn Minh Quang đến từ Hải Phòng hỏi rằng các bạn cần tố chất gì để theo học và thành công trong ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị?
TS. Hán Minh Cường: Để thành công trong ngành Kỹ thuật hạ tầng cũng như sự thành công của các bạn trong ngành nghề này, có lẽ các bạn cũng không cần phải có một tố chất gì quá đặc biệt để theo học. Đây là một ngành kỹ thuật, các bạn cần phải tập trung vào các môn học và ngành nghề kỹ thuật trong quá trình theo học các môn học, tuy nhiên, nếu bạn muốn học được tốt ngành này do đặc thù của ngành gắn liền với thực tế, tất cả những điều bạn sẽ học sẽ áp dụng ngay ra thực tế. Chính vì vậy, các bạn không cần phải có tố chất gì đặc biệt mà chỉ cần trong quá trình học các bạn có ý thức để mình có va chạm, tiếp xúc với thực tế, sau đó áp dụng lại. Các bạn hình dung là mình sẽ đưa kiến thức mình đã học trong trường để có đối chiếu, so sánh. Đó là điều kiện cần để các bạn theo học ngành này.
Còn một yếu tố nữa khi ngành Kỹ thuật hạ tầng là ngành tổng hợp khi có rất nhiều các môn, đòi hỏi các bạn đọc nhiều, đánh giá phân tích của riêng mình cho các môn học, liên hệ với các môn học khác như thế nào.
Câu hỏi của một bậc phụ huynh, cô Nguyễn Minh Hồng (Nam Định) khép lại phần giao lưu với anh Hán Minh Cường cũng là khép lại buổi giao lưu, cô muốn biết về cơ hội nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp của sinh viên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị cũng như cô muốn hỏi ví dụ như doanh nghiệp của anh có sẵn sàng đón nhận sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vừa mới tốt nghiệp hay không?
TS. Hán Minh Cường: Đối với sinh viên ngành Kỹ thuật hạ tầng sau khi tốt nghiệp, có thể khẳng định rằng cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở. Dưới góc độ là một người chủ doanh nghiệp, chúng tôi là một doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực, cả về kỹ thuật hạ tầng, quy hoạch, nội thất, công nghệ thông tin. Bản thân tôi có nhìn nhận và đánh giá riêng đối với sinh viên ngành Kỹ thuật hạ tầng, các bạn rất đặc biệt, có khả năng rất lớn khi làm việc ở nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường, nhiều tổ chức hay cơ quan khác nhau. Các bạn có thể thích nghi rất nhanh, rất dễ dàng đối với nhiều loại hình công việc khác nhau liên quan đến ngành Kỹ thuật hạ tầng. Như vậy, cơ hội việc làm của các bạn là rất lớn. Các bạn có thể dễ dàng xin việc với công việc như ý.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp chúng tôi, ACUD group cũng là đơn vị được Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị làm đối tác chiến lược, phối hợp không chỉ trong đào tạo mà còn trong định hướng nghề nghiệp và hợp tác về mặt nghề nghiệp cho các bạn sinh viên mới ra trường. Chúng tôi hàng năm đều tiếp nhận các bạn sinh viên Kỹ thuật hạ tầng đến để làm việc. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chào đón các bạn và cũng xin được nói thêm là khi các bạn chọn ngành nghề kỹ thuật hạ tầng là các bạn sẽ làm các công việc liên quan đến xây dựng đất nước, liên quan đến đời sống của người dân, cho nên những gì các bạn sẽ học được không chỉ tốt cho bản thân, cho gia đình mà còn có ý nghĩa rất lớn với đất nước.
Các quý vị phụ huynh và học sinh hãy tiếp tục theo dõi chương trình GIAO LƯU TRỰC TUYẾN TƯ VẤN TUYỂN SINH số 3 về 3 chuyên ngành đào tạo của khoa Xây dựng: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng công trình ngầm đô thị và Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng vào ngày 12/04/2020 trên Kênh Facebook và Youtube trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.