Giao lưu trực tuyến tuyển sinh trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội lĩnh vực Kiến Trúc, Quy hoạch

Nhật Nam (thực hiện)-Thứ ba, ngày 31/03/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Rất nhiều câu hỏi của các bậc phụ huynh, các bạn học sinh, sinh viên đã gửi tới chương trình tuyển sinh trực tuyến của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Theo thông lệ, khoảng tháng 3 hàng năm, thí sinh cả nước bắt đầu tìm hiểu thông tin để chuẩn bị cho giai đoạn đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình giao lưu trực tuyến với sự tham gia của các giảng viên từ trường ĐH Kiến trúc Hà Nội sẽ giải đáp các thắc mắc về nhóm ngành nghề, chọn ngành, tâm lý mùa thi, các phương pháp ôn tập, thi cử... để giúp thí sinh đạt được kết quả tốt nhất, là cách làm phù hợp.

Với hình thức phát trực tiếp (livestream) tại fanpage Facebook và kênh YouTube chính thức của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (HAU) từ 20-21h Chủ nhật hàng tuần, chương trình không chỉ là kênh tương tác dễ dàng, thuận tiện giữa học sinh, phụ huynh với các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, mà còn phù hợp với nhu cầu của đông đảo học sinh.

Trong buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên, diễn ra vào tối Chủ nhật (29/3), tất cả thông tin cần thiết nhất, chuẩn xác nhất về ba ngành hàng đầu trong đào tạo của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã được giải đáp. Đó là các ngành Kiến trúc, ngành Quy hoạch vùng và đô thị, ngành Kiến trúc cảnh quan.

TƯ VẤN TUYỂN SINH số 1 - KHỐI V00: Ngành Kiến Trúc, Quy Hoạch, Kiến Trúc Cảnh Quan

Xây dựng chất lượng để bảo đảm chuẩn đầu ra

MC: Nhờ sự kế thừa và phát huy từ các thế hệ đi trước, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội luôn khẳng định được vị thế là cơ sở đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư, cử nhân hàng đầu của cả nước. Thầy có thể chia sẻ về sự quan trọng của ba ngành Kiến trúc, Kiến trúc cảnh quan và ngành Quy hoạch vùng và đô thị đối với cuộc sống và khái quát về những thành tích trong giáo dục-đào tạo của trường ta đối với các ngành này?

PGS.TS.KTS Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Với truyền thống đào tạo Kiến trúc sư từ năm 1961 đến nay, chúng tôi đã trải qua 60 năm đào tạo. Trong đó, ba ngành này là ba ngành mũi nhọn của nhà trường có quá trình dài phát triển. Chúng tôi rất tự hào vì đã có những thầy cô, sinh viên có những sản phẩm mang dấu ấn trải dài khắp chiều dài của đất nước. Các giảng viên hiện nay của ba ngành này cũng đều là những người đầu ngành trong ngành kiến trúc và quy hoạch.

Ngành Kiến trúc cảnh quan là ngành đào tạo non trẻ đào tạo kiến trúc sư. Nhưng chúng tôi cũng có quá trình liên kết đào tạo với các trường Kiến trúc của Pháp, sau đó tích lũy kinh nghiệm và hình thành nên ngành Kiến trúc cảnh quan của trường.

Ba ngành này chúng tôi cũng đã xây dựng chuẩn đầu ra để bảo đảm sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm và đóng góp được nhiều công trình chất lượng cho xã hội.

Chương trình nhận được câu hỏi đầu tiên đến từ bạn Ngoc Anh Nguyen (Hà Nội): "Thưa thầy Tuấn Anh, em muốn hỏi để trở thành Kiến trúc sư cần có các tố chất gì? Và những ai là người phù hợp để học ngành này?

PGS.TS.KTS Nguyễn Tuấn Anh: Chúng tôi quan niệm rằng với ngành Kiến trúc, điều đầu tiên phải có là niềm say mê. Khi các em say mê và quan tâm thì sẽ cảm nhận được về ngành mà mình thích. Với ngành Kiến trúc, niềm say mê và tính ham học hỏi, cũng như tính sáng tạo, kích thích cho các em luôn hướng tới sự sáng tạo cho thiết kế kiến trúc mà các em tham gia.

Còn đối với năng khiếu, qua quá trình tìm hiểu, rèn luyện, tích lũy kiến thức trong môi trường cũng như trong nhà trường. Một kiến trúc sư tốt chưa hẳn là kiến trúc sư đó có tài năng nhưng đó chỉ là yếu tố trong quá trình đào tạo và phát triển, các em đều có nhiều kiến thức bổ trợ thì sẽ trở thành kiến trúc sư giỏi.

Bạn Coconut NG (Hải Dương) hỏi: Thầy có thể chia sẻ thêm thông tin về học Kiến trúc cảnh quan. Học ngành này có khó xin việc không?

PGS.TS.KTS Nguyễn Tuấn Anh: Ngành này sẽ bổ trợ cho kiến trúc sư công trình để hài hòa công trình để tạo thành tổ hợp công trình kiến trúc, bảo đảm được sự cân bằng giữa không gian công trình và cảnh quan xung quanh.

Ngành Kiến trúc cảnh quan là ngành chuyên sâu và hỗ trợ cho kiến trúc sư công trình cũng như các nhà quy hoạch tạo thành cảnh quan có sinh thái, có môi trường.

Đối với chúng tôi, tất cả các ngành đào tạo, nhất là đào tạo kiến trúc sư đều bảo đảm chuẩn đầu ra cho sinh viên được cung cấp đầy đủ kiến thức, ra trường đều có thể làm việc cá nhân hay làm việc nhóm.

Bạn Nguyễn Văn Bình (Phủ Lý, Hà Nam) đã gửi câu hỏi đến chương trình. Bạn có hỏi rằng sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội học đến năm thứ mấy có thể đi thực tập và đi làm được?

PGS.TS.KTS Nguyễn Tuấn Anh: Sinh viên trong quá trình học đã có thể đi làm nhưng làm về nghề nghiệp chúng ta đã được đào tạo. Đối với chúng tôi, chúng tôi cũng từng là sinh viên của trường, cũng đã đi làm từ năm thứ nhất. Các em có thể đi làm cùng các thầy, cùng các group, đi làm trong các công ty tư vấn, có thể được học tập thực tiễn kèm theo quá trình học ở trường.

Phụ huynh Dương Thu Hồng (Nghệ An): Theo tôi tìm hiểu, ngành Kiến trúc cảnh quan rất ít nơi đào tạo. Xin thầy Tuấn Anh có thể lý giải vì sao các bạn sinh viên tương lai nên chọn học ngành Kiến trúc cảnh quan của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội?

PGS.TS.KTS Nguyễn Tuấn Anh: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội là một trong những trường đầu tiên đào tạo ngành Kiến trúc cảnh quan, chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo Kiến trúc cảnh quan trong nước trên cơ sở trường đã liên kết đào tạo với các trường đại học kiến trúc hàng đầu của Pháp. Đó cũng là ngành mà chúng tôi xây dựng để đào tạo chuyên sâu.

Ngành này tuy còn non trẻ nhưng đã hỗ trợ cho kiến trúc sư công trình cũng như các nhà quy hoạch. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng ngành này có nhiều cơ hội phát triển và tạo dựng được sức hút.

Sinh viên ra trường đều có việc

Phụ huynh Tạ Thu Trà (Hà Nội): Năm nay con tôi thi Kiến Trúc, tôi rất lo lắng. Vì sao ngành này luôn đông học sinh thi? Phương pháp dạy Kiến trúc tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội có gì hay? Ngành này ra trường có dễ xin việc không?

TS Vương Hải Long - Trưởng Khoa Kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu xây dựng rất nhiều. Hiện tại, các công ty tư vấn, thiết kế xây dựng, kiến trúc luôn quan tâm đến số lượng kiến trúc sư cũng như là sinh viên ngành Kiến trúc ra trường. Có thể nói một cách tổng quan, giờ này tất cả các sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi ra trường đều có việc. Bên cạnh việc làm ở các công ty, các bạn còn "star-up" khởi nghiệp, tạo dựng con đường riêng của mình. Có thể đó là một trong những sức hút mà học sinh lựa chọn ngành Kiến trúc để các bạn có được việc làm ngay sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, ngành Kiến trúc là ngành đặc thù, nhiều bạn có tình yêu với kiến trúc, chính vì vậy các bạn đã lựa chọn ngành.

Còn phương pháp giảng dạy của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, có rất nhiều phương pháp giảng dạy, hiện tại trường chúng tôi dựa trên bề dày truyền thống đào tạo, với lực lượng giáo viên hết sức tâm huyết, kinh nghiệm, có năng lực đều là những yếu tố thế mạnh của nhà trường.

Bên cạnh đó, trường quan tâm đến rất nhiều yếu tố như: Cơ sở vật chất, sinh viên trường Kiến trúc được sinh hoạt trong môi trường riêng, có chỗ thực tập đáp ứng được nhu cầu đặc trưng của ngành.

Một câu hỏi từ bạn Văn Khánh (Hà Nội): Nếu bạn học Toán-Lý… không tốt thì có thể thi vào ngành Kiến trúc được không? Em thấy nhóm ngành tuyển 500 sinh viên, vậy riêng Kiến trúc tuyển bao nhiêu?

TS Vương Hải Long: Kiến trúc có ba ngành cụ thể: Kiến trúc, Kiến trúc tiên tiến và Quy hoạch. Theo tỷ lệ 500, thông thường nhà trường sẽ tuyển 350 sinh viên Kiến trúc.

Xét tiêu chí điểm chuẩn vào trường, trường sẽ xét tuyển trên nhóm ngành chung trên ba môn: Toán, Lý, Vẽ. Trong đó, điểm vẽ đã được nhân hệ số 2. Nhiều khi các bạn có những năng khiếu về môn vẽ, là một trong những thuận lợi để các bạn có thể cải thiện được số điểm của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, kiến trúc là ngành kỹ thuật nên khả năng logic, tư duy là quan trọng. Nếu các bạn có kiến thức tốt về các môn cơ sở khoa học tự nhiên thì sẽ rất thuận lợi.

Một bạn học sinh từ Nghệ An chia sẻ rằng đã có thời gian học vẽ khá lâu và ước ao trở thành sinh viên Kiến trúc của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã gửi câu hỏi đến chương trình muốn hỏi thầy Long. Xin thầy chia sẻ thêm điểm khác biệt của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội với các trường khác?

Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đến nay vẫn là cơ sở đào tạo kiến trúc sư duy nhất ở Việt Nam áp dụng phương thức và mô hình học đồ án theo xưởng.

TS Vương Hải Long: Mô hình đào tạo theo xưởng có lẽ là môi trường duy nhất trong số khoảng 30 cơ sở đào tạo kiến trúc sư trong cả nước. Mô hình đào tạo theo xưởng không hẳn là tạo ra một cơ sở vật chất như một lớp học, đây chính là một môi trường không gian kết nối giữa giáo viên và sinh viên, giữa sinh viên các khóa với nhau, làm sao để tạo ra môi trường làm việc đầy năng động, kích thích sự sáng tạo của bạn. Thông qua môi trường hoạt động ở xưởng, các bạn có những không gian riêng, giữa thầy và trò có sự gắn bó, hiểu nhau trong suốt 5 năm học.

Giáo viên có thể thậm chí biết những năng lực, những điểm mạnh, điểm yếu của từng sinh viên và có những định hướng hợp lý.

Bên cạnh đó, môi trường hoạt động theo xưởng đã tạo dựng cho sinh viên các thế hệ có sự kế thừa và chia sẻ, giao lưu. Tôi nghĩ đây là việc rất hay trong môi trường sáng tác, giúp trau dồi kiến thức các thế hệ… Đây là nơi có thể chia sẻ giữa các khoá.

MC: Câu hỏi cuối tôi muốn dành cho TS Vương Hải Long là thầy có thể chia sẻ điều gì dành cho các bạn học sinh, những sinh viên tương lai cần chuẩn bị tốt hành trang để trở thành sinh viên ngành Kiến trúc?

TS Vương Hải Long: Chúng ta phải xác định làm nghề Kiến trúc không phải là nghề nhẹ nhàng mà khá vất vả, chúng ta cần phải có sự đam mê, có sự nỗ lực thực sự. Hiện tại, trường cũng đang xây dựng các chương trình giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng của mình. Khoa cũng như trường đang sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng chuẩn đầu ra cho các kiến trúc sư, giúp các bạn sau khi ra trường hoàn thiện được các kỹ năng như chuyên môn, đạo đức, kỹ năng. Trường đã sẵn sàng để cho các bạn khi bước chân vào trường có thể hoàn thiện các kỹ năng như giao tiếp, chuyên môn, kiến thức cơ bản cũng như làm thế nào để trở thành một kiến trúc sư bản lĩnh.

Sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng "đầy mình"

Câu hỏi của một phụ huynh có tên Châu Long (Hà Nội): Xin cô cho biết Ngành Quy hoạch vùng và đô thị ra làm nghề gì? Những học sinh có tố chất gì có thể thi?

PGS. TS Lương Tú Quyên - Phó trưởng Khoa – Phụ trách Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Trước hết, bạn phải có sự đam mê nghệ thuật, yêu những không gian sống đẹp. Thứ hai, các bạn phải có khả năng làm việc độc lập cũng như làm việc theo nhóm và có tư duy logic.

Bạn Hà Anh (Bắc Giang) gửi câu hỏi: Thưa cô, cô có thể chia sẻ thêm Phương pháp dạy của Ngành Quy hoạch vùng và đô thị có gì hay? Ngành này ra trường có dễ xin việc không?

PGS. TS Lương Tú Quyên: Ngành Quy hoạch vùng và đô thị sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất là tư vấn, thứ hai là quản lý, thứ bà là nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Các em có thể trở thành các kiến trúc sư tư vấn thiết kế trong các Viện quy hoạch trong và ngoài nước, cũng như các địa phương. Các em cũng có thể làm cán bộ quản lý trong các sở, ban, ngành.

Khả năng xin việc của các bạn là rất dễ dàng. Các sinh viên của Khoa chúng tôi ra trường đều đi làm ngay, thậm chí anh em bạn bè của chúng tôi ở các công ty tư vấn muốn "xin" các bạn về làm nhưng các bạn đều trả lời là có việc hết rồi.

Sau 28 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội luôn giữ vai trò là một cơ sở đầu tiên đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch hàng đầu của cả nước.

Vậy, xin cô cho biết, trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay, sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị của ĐH Kiến trúc Hà Nội sẽ được trang bị những kỹ năng vào để dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc ngoài xã hội sau khi tốt nghiệp?

PGS. TS Lương Tú Quyên: Để trang bị cho các em kỹ năng để bước vào cuộc sống sau khi rời giảng đường, chúng tôi chú trọng 2 mảng. Ngoài những kỹ năng cứng, chuyên môn, trí thức được đào tạo trong trường thì chúng tôi chú trọng các kỹ năng mềm để các em có thể hòa nhập tốt trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng trang bị cho các em về ngoại ngữ và tin học để chuẩn bị hành trang tốt nhất khi bước vào chặng đường tiếp theo.

Chúng tôi còn chú trọng khả năng thương thuyết và tư duy logic. Chúng tôi cố gắng trang bị cho các em qua các buổi học, buổi làm việc trên xưởng.

Bạn MiMiNa có hỏi: Em có thấy trên mạng chia sẻ Ngành Quy hoạch có cơ hội giao lưu quốc tế, học tập nước ngoài và nhiều học bổng. Cô có thể chia sẻ thêm thông tin giúp em?

PGS. TS Lương Tú Quyên: Ngành Quy hoạch vùng và đô thị của ĐH Kiến trúc Hà Nội là ngành có nhiều cơ hội đi học và giao lưu ở nước ngoài. Chúng tôi có liên kết với Hiệp hội Quy hoạch của các nước, các trường đào tạo quy hoạch trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi cũng liên kết và hợp tác với nhiều trường đại học ở Pháp, Mỹ, Nga và Nhật Bản.

Cơ hội để cho sinh viên của chúng tôi làm việc, học tập hay giao lưu là rất nhiều. Nên chúng tôi đặc biệt chú trọng trang bị thật nhiều kỹ năng cho các bạn.

MC: Câu hỏi cuối tôi muốn đề nghị cô Quyên có thể chia sẻ điều gì dành cho các bạn học sinh, những sinh viên tương lai cần chuẩn bị tốt hành trang để trở thành sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị?

PGS. TS Lương Tú Quyên: Để trở thành sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị trong tương lai, chúng tôi chỉ mong muốn các bạn trước hết phải có sức khoẻ, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang phòng chống dịch như thế này, thứ hai là các em có niềm đam mê, các em có đam mê với không gian sống tươi đẹp…

Sau chương trình giao lưu trực tuyến, những câu hỏi của các bậc phụ huynh, các bạn học sinh, sinh viên sẽ được giải đáp trên các hệ thống thông tin

KÊNH TUYỂN SINH ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI:

Website: tuyensinh.hau.edu.vn hoặc hau.edu.vn

Facebook và Youtube DHKIENTRUCHN

Hotline: 02438542391; 0936188538

● Địa chỉ: Km 10, Đường Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước