Nhằm tăng cường nhận thức về vấn nạn buôn người, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã tăng cường tổ chức các lớp học cho học sinh tại các thị trấn biên giới.
Em Yulian Santos, sống tại tỉnh cực bắc Panama, chung đường biên giới với Costa Rica, vẫn còn nhớ như in về câu chuyện một phụ nữ bị mất tích do một nhóm người di cư ở nhà em kể lại. Họ gồm 4 người đến từ Cuba đã sống nhờ nhà em vài ngày trong lúc đợi hoàn thiện các loại giấy tờ. Theo lời những người này, người phụ nữ trên đã mất tích sau khi trả tiền cho một đường dây buôn người giúp cô này đi đến Mỹ nhanh hơn.
Em Yuliana Santos nói: "Khi cả nhóm đã đến được nước Mỹ, họ đợi mãi nhưng không thấy người phụ nữ này xuất hiện mặc dù trước đó họ đã thống nhất là sẽ hẹn gặp nhau".
Theo các nhân viên của Tổ chức di cư quốc tế (IOM), những trường hợp người di cư bị mất tích không hề hiếm gặp.
Ông Cy Winter, Tổ chức Di cư quốc tế, cho biết: "Các đối tượng buôn người luôn hứa hẹn những điều tốt đẹp để dụ dỗ những người tị nạn ngây thơ. Khi họ đã rơi vào bẫy của chúng, họ sẽ dần trở thành những nạn nhân của tình trạng cưỡng bức lao động hoặc các đường dây bán dâm".
Nhờ tham gia các lớp học này mà Santos và những người bạn học đang trở thành những nhân tố đấu tranh lại nạn buôn người tích cực thông qua việc sử dụng mạng xã hội để cảnh báo cho cộng đồng về các nguy cơ của nạn buôn người.
Bên cạnh các lớp học, IOM còn khuyến khích các nước tăng cường hợp tác giữa các địa phương tại vùng biên giới để người dân không tiếp tay hay trở thành nạn nhân của một trong những vấn nạn nhức nhối nhất của loài người trong thế kỷ 21.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!