Ảnh minh họa. (Ảnh: VOV)
Tự chủ tuyển sinh là một xu hướng tất yếu. Bởi việc đào tạo ở bậc đại học hiện nay đang dần nâng cao về chất, chứ không tập trung phát triển về lượng. Chỉ qua 3 kỳ tuyển sinh, từ 2015 - 2017, quy chế tuyển sinh đã thông thoáng hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho các trường tự chủ trong việc xét tuyển.
Năm 2015, lần đầu tiên cả nước có một kỳ thi chung, dành cho cả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên sau đó nhiều trường đại học và cả các thí sinh đã vô cùng vất vả. Bởi theo quy chế thi, các thí sinh được thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ khỏi trường này, nộp hồ sơ vào trường khác. Nhiều người ví kỳ xét tuyển đại học 2015 không khác gì chơi chứng khoán.
Tuy nhiên sang năm 2016, không khí của kỳ xét tuyển ĐH đã thay đổi hẳn. Ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mỗi trường đều có một tỷ lệ nhất định tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, qua học bạ, hoặc tuyển thẳng. Nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới được hình thành, như: Toán, Lý, Sinh; Toán, Lý, Sử, thay vì chỉ có 4 tổ hợp môn A, B, C, D như trước đây. Riêng trường Đại học Quốc gia tuyển sinh qua kỳ thi đánh giá năng lực.
Năm 2016, lần đầu tiên xuất hiện các nhóm trường tuyển sinh, như nhóm GX tại Hà Nội gồm 12 trường đại học. Tình trạng căng thẳng trong những ngày xét tuyển đã không còn xảy ra.
Năm 2017, các hình thức xét tuyển đa dạng hơn, kết quả thi THPT quốc gia không phải là phương tiện duy nhất để xét tuyển. Đặc biệt, 100 trường đại học lần đầu tiên tham gia vào hai nhóm xét tuyển ở miền Nam và miền Bắc. Các trường tự tổ chức xét tuyển trong hệ thống chung, tự thống nhất phương án xét tuyển trên cơ sở bình đẳng, hỗ trợ nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!