Giáo sư Marek Kasperski còn được gọi là người "cầm cân nảy mực" cho các Cuộc thi Trí tuệ Quốc tế. Hiện tại, Giáo sư Marek Kasperski là Phó chủ tịch Tổ chức Tony Buzan, cũng là chủ trì Hiệp hội Trọng tài Thể thao Trí nhớ Quốc tế (G.O.M.S.A.) với tư cách là Chủ tịch của tổ chức và Trọng tài Trưởng Toàn cầu giải Vô địch Sơ đồ Tư duy và Đọc nhanh Thế giới.
Ông rất yêu Việt Nam và và bộ môn Sơ đồ tư duy. Gần cả cuộc đời gắn bó và dành trọn với bộ môn trí tuệ này để kích hoạt khả năng sáng tạo của con người. Ông là một giáo sư đào tạo bài bản về sơ đồ tư duy, phương pháp học tập thông minh được 250 triệu người trên thế giới sử dụng.
Rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới biết đến tên tuổi người đàn ông dễ gần này - Giáo sư Marek Kasperski - bạn thân của Tony Buzan - cha đẻ phương pháp Sơ đồ tư duy nổi tiếng toàn thế giới và cực kỳ ngưỡng mộ. Thầy cũng là người đã cùng đồng hành, lan tỏa phương pháp Sơ đồ tư duy với thầy Tony Buzan thuở sinh thời.
Giáo sư Marek Kasperski còn là huấn luyện viên Grand-Master giảng dạy các môn học về Sơ đồ tư duy, Đọc nhanh và Kỹ thuật trí nhớ của Tony Buzan, là một trong ba huấn luyện viên Grand-Master duy nhất trên thế giới. Năm 2016, Marek nhận được giải thưởng Bộ não của năm, đồng thời cũng được phong danh hiệu Freeman của London (Anh quốc).
Trong khuôn khổ của Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 – Vietnam Mindmap Championship 2022. Giáo sư Marek Kasperski, người thường xuyên "cầm cân nảy mực" cho các Cuộc thi Trí tuệ Quốc tế và cũng là chủ trì Hiệp hội Trọng tài Thể thao Trí nhớ Quốc tế (G.O.M.S.A.) đã tới Việt Nam để tham dự Hội đồng Trọng tài. Cùng với rất nhiều các Hội thảo chia sẻ với học sinh và sinh viên Việt Nam cũng như các công tác đào tạo cho các trọng tài Việt Nam, ông đã dành ra vài phút để trò chuyện với VTV News về xung quanh chuyến đi tới Việt Nam của ông lần này.
Xin chào Giáo sư Marek Kasperski, chào mừng ông đã trở lại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình trước Cuộc thi Sơ đồ tư duy - Vietnam Mindmap Championship 2022 không?
- Tôi rất vui khi được mời tham dự cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022. Năm ngoái, vì dịch COVID-19 nên tôi phải theo dõi cuộc thi trực tuyến nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi được chứng kiến cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Khi đó tôi đã nghĩ rằng: "Ồ, đây là cuộc thi hay nhất mà mình đã được chứng kiến".
Tôi ấn tượng bởi cuộc thi được tổ chức rất trang trọng. Các trọng tài, giám khảo, thí sinh và cả những nhân viên phục vụ cho cuộc thi đều rất chuyên nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả là, dù mới là năm đầu tiên tổ chức cuộc thi thôi nhưng chất lượng các Sơ đồ tư Duy làm tôi hết sức bất ngờ, không thua kém các bài thi của các quốc gia đã tổ chức nhiều năm trước đó. Kể các các thí sinh còn rất nhỏ tuổi, tôi không kỳ vọng các em ấy có thể vẽ tốt nhưng kết quả là em ấy vẽ rất đẹp. Kiến thức của trọng tài cũng cao, các đánh giá bài thi đều rất bình đẳng và thú vị.
Đó chính là lý do tôi đã nhận lời trở lại Việt Nam và rất vui mừng được đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng trọng tài của Cuộc thi năm nay.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng trọng tài của Cuộc thi Sơ đồ tư duy – Vietnam Mindmap Championship 2022, ông mong đợi gì ở cuộc thi năm nay?
- Tôi đã nghĩ rằng, với sự xuất sắc của thí sinh năm ngoái, tôi hy vọng rằng chất lượng cuộc thi năm nay được như năm ngoái là rất tốt rồi. Tuy nhiên, khi sang đến Việt Nam và chứng kiến sự chuẩn bị tốt nhất của các thí sinh năm nay cho cuộc thi, của đội ngũ trọng tài, của đội ngũ tổ chức… tôi kỳ vọng cao vào Vòng chung kết toàn quốc của Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022. Tôi tin rằng, các bạn thí sinh sẽ thể hiện được các Sơ đồ tư duy không chỉ là tiêu chuẩn quốc gia mà còn ở tiêu chuẩn Quốc tế.
Tôi là Chủ tịch của Hội đổng Trọng tài toàn cầu về Sơ đồ tư duy, tôi tham gia chấm rất nhiều các cuộc thi Sơ đồ tư duy ở khắp nơi trên thế giới. Có nhiều quốc gia đã nổi bật và dẫn đầu thế giới như Pháp, Trung Quốc… nhưng gần đây, trong các cuộc thi Sơ đồ tư duy Thế giới, thí sinh Việt Nam đang nổi lên như một đối thủ rất đáng gờm.
Giáo sư Marek Kasperski.
Điều đó chứng tỏ sự phát triển rất tốt của phương pháp này tại Việt Nam và tôi tin tưởng rằng, với tiêu chuẩn thí sinh như hiện nay, Việt Nam đang tiến đến vị trí có top 3 tại các cuộc thi Sơ đồ tư duy mang tầm vóc quốc tế.
Tới Việt Nam lần này ông đã mang theo rất nhiều kỷ vật của Giáo sư Tony Buzan - cha đẻ phương pháp Sơ đồ tư duy và cũng là người bạn thân của ông. Chắc hẳn phải có lý do rất đặc biệt?
- Chuyến đi của tôi lần này có một mục đích rất quan trọng. Tôi mang tới Việt Nam một vài món đồ kỷ niệm Tony Buzan – cha đẻ của Sơ đồ tư duy. Câu chuyện phía sau những món quà này khá thú vị.
Vợ của Tony, người đồng hành cùng ông ấy suốt 50 năm qua, đã rất đau buồn trước sự ra đi đột ngột của ông ấy, bà ấy cảm thấy rất khó khăn để đứng dậy sau nỗi đau đó. Vì thế, bà ấy giữ gìn các đồ vật của Tony rất cẩn thận. Nhưng gần đây bà ấy thường xuyên đau ốm và nhận ra rằng, nếu bà ấy ra đi thì những kỷ vật của Tony sẽ bị thất lạc. Bà ấy nói rằng, tôi đủ tin tưởng để nhận lại các kỷ vật của Tony.
GS. Marek Kasperski và ông Nguyễn Phùng Phong.
Tôi thì nghĩ rằng, tôi không có lý do gì để giữ kỷ vật của Tony chỉ ở nhà riêng của tôi, vì nó sẽ chỉ ở một góc kín đáo nào đó thôi. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng, những kỷ vật này có thể mang đến một quốc gia khác và truyền cảm hứng cho những con người yêu mến Tony. Vậy nên tôi nói với bà ấy rằng, tôi muốn tặng món quà này cho Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Nguyễn Phùng Phong - Chủ tịch tổ chức Mindmap Việt Nam và Công ty Tâm Trí Lực của anh ấy. Họ đang rất nỗ lực mang đến sơ đồ tư duy đến cho người dân Việt Nam, đặc biệt là giáo viên và học sinh. Rất mừng là bà ấy đã đồng ý. Mừng hơn nữa là bà ấy sẽ có mặt tại Việt Nam vào đúng ngày tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Sơ đồ Tư duy Việt Nam 2022 để trao tặng lại kỷ vật này cho Nguyễn Phùng Phong.
Nguyễn Phùng Phong - Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Việt Nam, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận ngày: 29/8/2015; Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới, được Liên Minh Kỷ Lục Thế giới công nhận ngày: 21/9/2016. Anh cũng là HLV Trưởng Đội tuyển Siêu trí nhớ Việt Nam. Hiện nay anh là Giám đốc điều hành công ty CP giáo dục Tâm Trí Lực kiêm Chủ tịch của Tổ chức Mindmap Việt nam và là chuyên gia đào tạo phương pháp Sơ đồ tư duy tại Việt Nam.
Tại sao lại là Nguyễn Phùng Phong mà không phải ai khác?
- Có 3 từ ngay lập tức xuất hiện trong đầu tôi: Trung thực - Liêm chính – Sự sẵn sàng cho việc đưa công cụ Sơ đồ tư duy đến với mọi người. Tôi đã thấy Phong đưa ra rất nhiều các khoá đào tạo về Sơ đồ tư duy cho trẻ em Việt Nam một cách không mệt mỏi trong hơn 7 năm qua. Có những gia đình không có khả năng chi trả, anh ấy sẵn sàng miễn phí cho em học sinh. Và tôi rất thích điều đó. Thế nên, tôi nghĩ rằng, bất cứ ai có được món quà của Tony chưa chắc đã chia sẻ đến nhiều người như Phong. Nên tôi nghĩ, trao kỷ vật cho Phong là một sự xứng đáng với những nỗ lực của anh ấy.
Là người đã nhiều lần đến Việt Nam, ông nhìn thấy gì về sự phát triển của Sơ đồ tư duy tại Việt Nam?
- Tôi nhận thấy sự khác biệt của học sinh Việt Nam khi sử dụng Sơ đồ Tư duy và các học sinh đến từ các quốc gia khác. Họ tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc và thể chế của các cuộc thi Sơ đồ tư duy.
Tôi thấy điều này trên Facebook mỗi ngày. Điều này mang lại cho họ sự hiểu biết chắc chắn về lợi ích của Sơ đồ tư duy, sau đó họ còn mở rộng ra thêm nhiều kỹ năng khác như Tư duy duy phản biện. Tư duy phản biện thật sự là kỹ năng quan trọng và học sinh phát triển được từ sơ đồ tư duy thì các em đã lên một tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều về tư duy rồi.
Các bạn học sinh và giáo viên Việt Nam có sự quyết tâm rất cao trong việc áp dụng Sơ đồ tư duy. Họ có một khả năng đáng kinh ngạc là hiểu sâu các khái niệm và sau đó áp dụng rất tốt các nguyên tắc của Sơ đồ tư duy vào việc dạy và học.
GS. Marek Kasperski.
Với tư cách là một chuyên gia về Sơ đồ tư duy, ông có lời khuyên nào cho giáo viên và học sinh Việt Nam sử dụng sơ đồ tư duy đạt hiệu quả tốt trong học tập?
- Sơ đồ Tư duy là một phương pháp để ghi nhớ và ghi chép. Trong việc học tập, nhiều học sinh chỉ cố gắng nhớ và học thuộc những sự kiện hoặc thông tin giáo viên đưa ra, điều này rất dễ bị quên chỉ sau vào hôm sau buổi học.
Việc học bài bằng sơ đồ tư duy là khi học sinh sẽ phải nghiên cứu và tìm các từ khoá cũng như các hình ảnh phù hợp, đó đã là một bước ghi nhớ đầu tiên một cách rất chủ động rồi. Sau đó, bằng việc vẽ lại các thông tin và sáng tạo hình ảnh sẽ giúp cho các em suy nghĩ sáng tạo hơn, phát huy trí tưởng tượng nhiều hơn.., từ đó, việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn.
Đặc biệt, nếu giáo viên có những học sinh có một vài triệu chứng tâm lý bẩm sinh như triệu chứng tăng động giảm chú ý, kém tập trung… thì đây là một công cụ hỗ trợ việc dạy học hiệu quả. Đặc điểm của các em này là gặp khó khăn khi phải xử nhiều thông tin hơn trẻ em thông thường, giáo viên có thể giúp các em bằng cách tạo ra các từ khoá để các em xử lý thông tin dễ dàng hơn thông qua Sơ đồ tư duy. Tôi đang nghiên cứu và có dự định viết một cuốn sách về Lợi ích của Sơ đồ tư duy với trẻ em có triệu chứng tâm lý ảnh hưởng đến khả năng tập trung giảng dạy.
Nếu chúng ta có khả năng dạy sớm cho các em học sinh về phương pháp Sơ đồ tư duy thì các em sẽ hình thành được thói quen học tập dễ dàng hơn. Thực tế, sơ đồ tư duy không phải là phương pháp giảng dạy mới mà là một công cụ mạnh mẽ để học, hiểu bài và suy nghĩ sáng tạo. Đặc biệt là trong việc ôn tập và thi cử, sơ đồ tư duy sẽ là một công cụ tổng hợp, ghi nhớ được tới 80% kiến thức học tập trên lớp, trong khi một nghiên cứu chỉ ra rằng, ghi nhớ thông thường chỉ được 6%.
Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!