Việt Nam xây dựng chuẩn “đầu vào” đại học theo chuẩn “đầu ra” quốc tế

T.K-Thứ sáu, ngày 12/06/2020 05:40 GMT+7

VTV.vn - Ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học 2020-2025.

Chuẩn chương trình đào tạo tiếp cận theo chuẩn đầu ra

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) sẽ được triển khai theo Quyết định số 436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam xây dựng chuẩn “đầu vào” đại học theo chuẩn “đầu ra” quốc tế - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị

Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho GDĐH là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kĩ năng, thái độ,… tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề đó, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực.

Việc xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các ngành/khối ngành sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện, Bộ GDĐT mong muốn các Bộ ngành liên quan sẽ tham gia sâu vào triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: "Sau khi ban hành chuẩn CTĐT, tất cả cơ sở GDĐH sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh, thiết kế chương trình đào tạo, làm sao đáp ứng chuẩn tối thiểu, phù hợp yêu cầu của thị trường và đặc trưng riêng, từ đó đảm bảo chất lượng chung của trình độ ĐH trên cả nước", .

Trao đổi về những điểm mới của VQF so với Chương trình khung đã ban hành trước đây, Thứ trưởng cho biết, chương trình khung yêu cầu chặt chẽ về tên môn, số tín chỉ,… còn VQF sẽ ban hành chuẩn CTĐT tiếp cận theo chuẩn đầu ra, căn cứ vào yêu cầu của thị trường và sẽ do các trường, hiệp hội, người sử dụng lao động tham gia xây dựng. Tên môn học, số tín chỉ sẽ được điều chỉnh tùy thiết kế riêng của từng CTĐT chứ không quy định cứng.

Như vậy, chuẩn CTĐT mới sẽ tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo, đặc sắc của từng trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra chung và hội nhập với các nước.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh hai yếu tố mấu chốt là cơ sở để xây dựng chuẩn CTĐT, giúp giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc và thị trường lao động không tìm được nhân sự phù hợp.

Đó là, thực tiễn đất nước và thị trường lao động đối với vị trí việc làm. Các trường, hiệp hội, đơn vị sử dụng lao động, cộng đồng nói chung sẽ góp ý để thống nhất chuẩn đầu ra cho ngành/ khối ngành. Căn cứ thứ hai là hội nhập thế giới, giúp chuẩn CTĐT phù hợp khi so với các nước ASEAN và mặt bằng chung thế giới.

"Nếu các nước ASEAN tham chiếu vào chuẩn CTĐT này, sẽ có sự tương đồng và bằng cấp của Việt Nam được công nhận", Thứ trưởng kỳ vọng.

Việt Nam xây dựng chuẩn “đầu vào” đại học theo chuẩn “đầu ra” quốc tế - Ảnh 2.

Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết về quá trình triển khai Khung trình độ Quốc gia

Đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và triển khai Khung trình độ Quốc gia, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Khung trình độ quốc gia, hướng đến thúc đẩy công nhận lẫn nhau cũng như thúc đẩy dịch chuyển lao động trên thế giới.

Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần sự phối hợp, chung sức của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những bộ ngành có các chương trình đào tạo đặc thù như sức khỏe, văn hóa nghệ thuật thể thao du lịch, công an, quốc phòng.

Chuẩn CTĐT cần có mục tiêu; chuẩn đầu ra; cấu trúc, khối lượng, quy trình phát triển chương trình; giám sát, đánh giá chương trình; công khai thông tin. Khi xây dựng chuẩn CTĐT cần chú ý tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Bà Thủy nhấn mạnh, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, năng lực trình độ, chuẩn CTĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng chuẩn dần, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Những nhiệm vụ trước mắt

Triển khai kế hoạch trên, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là thành lập các Hội đồng tư vấn ngành/khối ngành. Hội đồng chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn CTĐT cho các ngành, khối ngành đối với các trình độ của GDĐH.

Hiện nay, Bộ GDĐT đã hoàn thành dự thảo Thông tư về chuẩn CTĐT, dự kiến đăng mạng lấy ý kiến từ tuần tới và ban hành khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9. Sau khi ban hành Thông tư, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thành lập các hội đồng tư vấn ngành/khối ngành để tiến hành xây dựng các CTĐT cụ thể cho các ngành/khối ngành đó.

Tiên phong xây dựng chuẩn CTĐT cho ngành/nhóm ngành là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Nguyễn Thu Thủy bày tỏ kỳ vọng, các Bộ, ngành sẽ triển khai xây dựng khung CTĐT như là mô hình điển hình, nhân rộng sang các ngành/khối ngành khác.

Tại cuộc họp, 4 Bộ kể trên cùng Bộ Tài chính, các chuyên gia đã tham gia góp ý, bàn bạc, thống nhất cách thức triển khai, phối hợp để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này.

Theo PGS TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần xâu chuỗi, tạo hệ thống bài bản cho chuẩn CTĐT các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. "Đây là cơ hội đặt lại vị trí các trình độ, thành công phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia đầu ngành và chủ sở hữu lao động", PGS khẳng định.

Việt Nam xây dựng chuẩn “đầu vào” đại học theo chuẩn “đầu ra” quốc tế - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế trao đổi tại Hội nghị

Nhất trí quan điểm cần có tầm nhìn xuyên suốt giữa các trình độ, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đánh giá cao tinh thần triển khai kế hoạch của Bộ GDĐT và sự cần thiết ban hành khung CTĐT nhằm kiểm soát chất lượng và được quốc tế công nhận.

Đại diện Bộ Y tế đề xuất, cần thành lập 12 Hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ đại học trong khối ngành Y Dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau. Ông Tác cho biết thêm, sắp tới sẽ có kỳ thi tuyển cấp chứng chỉ nghề theo năng lực, để thêm "hàng rào" kiểm soát chất lượng. Theo đó, sau này, sẽ có hai "cửa" để kiểm soát chất lượng y bác sĩ, đó là chuẩn CTĐT và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế.

Do những đặc thù, nghiệp vụ riêng, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị cần có cơ chế, hướng dẫn mang tính đặc thù.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Vụ GDĐH tiếp thu các ý kiến, đảm bảo đặc thù của một số Bộ, ngành. Thứ trưởng đề nghị các Bộ chuẩn bị, đề xuất số lượng ngành/khối ngành, các vấn đề liên quan đến hội đồng tư vấn. Sau đó, Vụ GDĐH sẽ làm việc với từng Bộ để xây dựng hướng dẫn phù hợp, bao gồm hướng dẫn thành lập hội đồng tư vấn.

Thứ trưởng cho biết thêm, trong tuần tới, Bộ GDĐT sẽ tổ chức các hội thảo với sự tham dự của chuyên gia nước ngoài, để bắt đầu xây dựng chuẩn CTĐT cho khối ngành kế toán, kiểm toán.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước