Nhìn vào phương án tuyển sinh được các trường đại học (ĐH) dự kiến áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2020 cho thấy, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG), nhiều trường đã hướng đến tự chủ tuyển sinh với mong muốn có thể tuyển được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa vào đại học (ĐH) sẽ mở rộng hơn đối với thí sinh khi THPTQG không còn là con đường duy nhất.
Năm 2020, trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức, bao gồm: Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPTQG năm 2019; phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 và phương thức xét tuyển thẳng theo quy định riêng của trường.
Phương án tuyển sinh năm 2020 của Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cũng được xây dựng đa dạng hơn. Bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPTQG năm 2020, ĐHQGHN cũng mở rộng xét tuyển đối với các đối tượng thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK); Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi); Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi)...
Năm 2020, bên cạnh việc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPTQG, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính, ĐH Thủy Lợi… cũng dự kiến sẽ tăng tỷ lệ tuyển thẳng đối với học sinh giỏi thuộc các trường THPT chuyên trên toàn quốc và xét tuyển học bạ.
Có thể thấy việc các trường ĐH, đặc biệt là trường top đầu đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT là xu hướng phù hợp và cần thiết.
Kỳ thi THPTQG những năm qua cho thấy, kết quả của kỳ thi này có thể đạt được mục tiêu xét tuyển ĐH đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, có thể chưa đạt được mục tiêu nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ hoặc đa dạng các phương thức tuyển sinh để lựa chọn học sinh phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!