Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học

Mai Loan-Chủ nhật, ngày 27/08/2023 06:19 GMT+7

VTV.vn - Ngày 26/8 đã diễn ra Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học.

Tuyển sinh chuyển biến khả quan; quy mô đào tạo sau đại học giảm

Báo cáo kết quả năm học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Năm học 2022-2023 là năm tiếp theo tự chủ đại học được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống. Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Chỉ thị đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, qua đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cụ thể hóa và nâng cao vai trò của Hội đồng trường trong tổ chức quản trị hoạt động. Đến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 97,4%); trong đó, 36/36 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT, 58/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Công tác tuyển sinh đạt nhiều kết quả và chuyển biến khả quan. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 84,56%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 55,86%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 41,86%. Năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.002.100; số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non bằng 65,90% số thí sinh dự thi, với số nguyện vọng đăng ký là gần 3,4 triệu. Mặc dù số thí sinh thi tốt nghiệp THPT giảm song số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 tăng 4,56% so với 2022. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 cũng tăng 7,9% so với 2022.

Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trong năm học, khối giáo dục đại học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học về đào tạo. Cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thuận lợi trong thực hiện tự chủ về tuyển sinh và đào tạo. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và được ghi nhận. Các cơ sở đào tạo nhận thức rõ vai trò của chất lượng đào tạo trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

Năm học 2022-2023, đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Triển khai Đề án 89 về đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, năm 2022, có 187 cán bộ, giảng viên được đào tạo trong nước (đạt 24%), 80 đi đào tạo ở nước ngoài (đạt 32%); năm 2023 con số này lần lượt là 118 trong nước (đạt 37%), 130 nước ngoài (đạt 64%).

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiểu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), tăng 2 cơ sở giáo dục đại học so với năm trước và đông nhất từ trước đến nay; 6 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng THE WUR 2023, tăng 1 cơ sở so với năm 2022.

Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội nghị

Theo công bố tại website research.com về kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học theo 24 lĩnh vực, Việt Nam có 10 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng trong 6 lĩnh vực. Điều này phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cũng đề cập những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sự phát triển của giáo dục đại học. Đó là: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan.

Nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế, có một số vi phạm. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn. Công tác tuyển sinh vẫn cho thấy các phương thức xét tuyển phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu…

Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ GDĐT đã có báo cáo làm rõ thêm các kết quả và giải pháp về công tác quản lý chất lượng, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; công tác thanh tra, kiểm tra khối giáo dục đại học. Đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng đã có các trao đổi, đề xuất, kiến nghị xung quanh các nội dung nhiệm vụ trọng tâm cần thống nhất triển khai trong năm học 2023-2024.

Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học - Ảnh 3.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy chủ trì phần thảo luận

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú đánh giá, giáo dục năm học 2022-2023 có nhiều kết quả mới, tích cực, khắc phục được một số hạn chế, điều này khẳng định nỗ lực của cả hệ thống. Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cảm ơn Bộ GDĐT đã tin tưởng, phân cấp, phân quyền cho rất nhiều trường đại học.

"Bộ tiên phong đổi mới rất nhiều, thực hiện đổi mới các trường tuy có vất vả nhưng ủng hộ, những cái mới tốt cho hệ thống, các trường tự chủ nhiều hơn, thực hiện dễ dàng hơn", ông Nguyễn Hữu Tú chia sẻ, đồng thời mong muốn Bộ GDĐT sẽ quan tâm hỗ trợ các trường trong thực hiện tự chủ, đặc biệt là các chính sách về tài chính đi kèm, "nếu không rất khó khăn, đặc biệt là những trường tự chủ mới gần đây. Tôi biết có nhiều trường khó khăn chồng chất", ông Tú nói.

Đánh giá năm học vừa qua là một năm thành công của giáo dục đại học, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, thành công là các trường đại học phát triển tốt; thành tựu của chuyển đối số khi tuyển sinh không cần đến giấy tờ, hệ thống đăng ký xét tuyển cả triệu thí sinh hoạt động trơn tru.

Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học - Ảnh 4.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú trao đổi tại Hội nghị

Thống nhất với báo cáo đánh giá kết quả giáo dục đại học của Bộ GDĐT, song ông Lê Trường Tùng cũng cho rằng: Qua báo cáo cho thấy vẫn còn tập trung nhiều vào tuyển sinh - đầu vào, mà không có số liệu đầu ra. "Nói gì thì nói vẫn phải quan tâm tới đầu ra. Bao nhiêu người rời bỏ hệ thống, không thể tốt nghiệp đại học. Đặc biệt khi đã có hệ thống Hemis quản lý chặt chẽ đến từng người học", ông Tùng nêu vấn đề, đồng thời cũng đề nghị cần có thêm đánh giá về kết quả đổi mới, sáng tạo, đóng góp của giáo dục đại học với sự phát triển bền vững của địa phương, vùng, đất nước. "Ngay cả bảng xếp hạng của các tổ chức lớn đều nhắc đến vấn đề này. Đây là vai trò của đại học trong bối cảnh mới".

Đồng tình với quan điểm cần có đánh giá đầu ra của ông Lê Trường Tùng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Lê Quang Sơn đồng thời nhắc tới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học với chia sẻ "Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu".

Ông Lê Quang Sơn còn đề cập tới cơ chế phối hợp giữa các trường đại học với các Bộ, ngành, viện nghiên cứu để sử dụng nguồn lực chung, bởi thực tế nhiều thầy cô có đề tài nghiên cứu, mong muốn nghiên cứu nhưng không có nguồn lực để nghiên cứu.

Một số vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học như xem xét về lộ trình kiểm định; cơ chế kiểm định; một số vấn đề về hồ sơ tài chính, kỹ thuật… hay cần quan tâm đến đánh giá chất lượng bên trong, cũng là những nội dung được đại diện các cơ sở đào tạo đề cập.

Khẳng định, giáo dục đại học đã có một năm thành công và để tiếp tục đà thành công này, Giám đốc Đại học Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng đề nghị, Bộ GDĐT cần tạo cơ chế khuyến khích người học vào học các ngành khó thu hút nhưng quan trọng với sự phát triển của đất nước. Đề nghị Bộ kiến nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về phát triển giáo dục đại học. Đồng thời thực hiện quyết liệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học, lấy đó làm cơ sở đầu tư trọng tâm, trọng điểm; thí điểm mô hình đại học số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành.

Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực cố gắng và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học.

"Hội nghị đã thống nhất nhận định đây là một năm học thành công, nhiều khởi sắc của giáo dục đại học, cũng là kết quả của một quá trình kiên trì, bền bỉ phấn đấu. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, cạnh tranh quốc tế trong giáo dục đại học ngày càng lớn, thì những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có khả năng thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả và đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước", Thứ trưởng đánh giá.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, cũng như nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại này, trong đó thể chế, tư duy, nhận thức và nguồn lực đầu tư là những nguyên nhân chính, Thứ trưởng nhấn mạnh tới 4 bốn nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giáo dục đại học năm học 2023-2024.

Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học - Ảnh 5.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận Hội nghị

Đó là, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học;

Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học.

Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Đề cập tới 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tích cực triển khai, Thứ trưởng nhắc tới đầu tiên là nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan tới giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học; hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống văn bản quy chế nội bộ; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (nội bộ và từ cơ quan quản lý nhà nước).

Chú trọng công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (nhất là tranh thủ các cơ hội để đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp dạy và học), xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên theo năng lực và hiệu quả.

Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024 (khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu), chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình GDPT 2018, tăng cường hợp tác trên một nền tảng chung.

Tổ chức thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, xây dựng, ban hành và thực hiện các chuẩn cơ sở đào tạo của các khối ngành/nhóm ngành; tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động, nhất là các chỉ số cốt lõi.

Tập trung, xây dựng và hoàn thiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu như khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật công nghệ, sức khỏe nông lâm ngư nghiệp, văn hóa nghệ thuật…. Trong đó, cần đề xuất các cơ chế tài chính cụ thể để hỗ trợ người học.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường bảo đảm và kiểm định chất lượng theo chương trình 78 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng tăng cường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Tăng cường hợp tác trong mạng lưới; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của địa phương.

Nâng cấp các hệ thống thông tin quản lý, hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục đại học tại các cơ sở giáo dục đại học và tại Bộ GDĐT (hệ thống HEMIS) để bảo đảm khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu; chủ động, tích cực tham gia triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án 131.

Đổi mới phương thức, nội dung truyền thông về giáo dục đại học, nhất là truyền thông chính sách, chú trọng hợp tác theo mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học theo lĩnh vực trong công tác truyền thông.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên đây, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GDĐT nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ, trong đó nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu; hoàn thiện các đề án, chương trình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước