Tại Đại học Đà Nẵng, những ngày qua, đông đảo thí sinh và phụ huynh ở các tỉnh xa đã đến trường để làm thủ tục xét tuyển. Không chỉ lo có đủ điểm trúng tuyển hay không mà chi phí đi lại và sinh hoạt cũng là khó khăn đối với các phụ huynh và thí sinh ở xa. Bởi, sau khi nộp hồ sơ xét tuyển lần này, các thí sinh sẽ phải mất 3 ngày chờ đợi kết quả. Nếu không đủ điểm xét tuyển, các em lại phải tìm trường khác để nộp hồ sơ cho các nguyện vọng 2,3. Để biết lần xét tuyển tiếp theo có đủ điểm hay không, các em lại phải... tiếp tục chờ đợi.
Bên cạnh đó, theo quy định, các trường đại học sẽ thường xuyên cập nhật thông tin xét tuyển trên mạng để các thí sinh có thể tra cứu và tìm hiểu, đồng thời có những lựa chọn phù hợp với kết quả thi của mình. Thế nhưng, điều này lại khó khăn đối với các thí sinh ở vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, ở các huyện miền núi, điều kiện truy cập Internet khá khó khăn. Do đó, khó có thể cập nhật thông tin một cách đầy đủ và chính xác.
Bộ GD&ĐT cho biết, việc đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, đỡ tốn kém cho phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế qua những ngày xét tuyển đầu tiên đã cho thấy sự rắc rối, phức tạp, tốn kém rất lớn cho mọi phía. Câu chuyện sau thi cử vẫn còn nhiều khó khăn và việc đổi mới xem ra vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!