Đối mặt nhiều nguy cơ bệnh học đường
“Can thiệp y tế sớm - không can thiệp từ trường học thì từ đâu?” - ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đặt vấn đề khi hiện nay trung bình mỗi năm, y tế trường học phát hiện 700.000 học sinh mắc tật khúc xạ, 2,6 triệu em mắc các bệnh răng miệng, trên 40.000 học sinh bị cong vẹo cột sống, trên 100.000 em bị béo phì…
Với áp lực học tập ngày càng tăng cùng tác động tiêu cực của xã hội, tình trạng học sinh bị rối loạn tâm lý cũng đang gia tăng từ 7 đến 25%. Gần đây, còn nổi lên nạn bạo lực trong nhà trường, số học sinh có ý định tự tử tăng cao tới hơn 10%. Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ, tư vấn tâm lý trong trường học vẫn rất hạn chế khiến cho nguy cơ này chưa có biện pháp ngăn chặn.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tài Dũng, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM cảnh báo, với nhu cầu bán trú tăng cao, các vấn đề chăm sóc sức khỏe của học sinh cũng tăng theo nhưng lực lượng chăm sóc y tế lại mỏng, khó bao quát toàn bộ.
Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm và chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho học sinh, nhưng cả nước còn hơn 7.000 trường học chưa có nhân viên y tế, các vị trí này được giao cho giáo viên và các nhân viên kiêm nhiệm.
Trong số những trường có cán bộ y tế thì trình độ không đồng đều, gồm y sĩ, y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh và dược tá. “Lực lượng mỏng, trình độ không đồng đều, vậy làm thế nào để đảm bảo chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe trong trường học?” - ông Nguyễn Thanh Long đặt vấn đề.
Ít vận động thể chất
Không chỉ lo về các bệnh học sinh mắc nhiều như kể trên, các chuyên gia y tế còn cảnh báo nguy cơ mắc bệnh lâu dài với tình trạng học sinh hút thuốc lá chiếm 4,7%, học sinh từng uống rượu chiếm 22,5%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh ít vận động thể chất là 42%. Chỉ có 18,3% học sinh thường xuyên ăn rau trong ngày… Đây là các yếu tố nguy cơ chính gây nên các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tâm thần khi trưởng thành. TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo áp dụng mô hình trường học nâng cao sức khỏe với cách tiếp cận toàn diện, đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ sức khỏe cho học sinh.
Ths.Bs Phạm Thị Quỳnh Nga, Chuyên viên Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới Việt Nam phân tích: “Mô hình nâng cao sức khỏe được hiểu là quá trình tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tăng cường khả năng kiểm soát sức khỏe, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe của chính các em. Điểm khác biệt với y tế trường học truyền thống là mô hình này cho phép ngành giáo dục cùng gia đình, cộng đồng tự xác định vấn đề sức khỏe của học sinh dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của ngành y tế”.
Theo đó, ngoài các yêu cầu cơ bản về chăm sóc y tế như thông thường, các hoạt động của trường gồm cả chính khóa và ngoại khóa đều được lồng ghép, xoay quanh các vấn đề sức khỏe, nâng cao hoạt động thể chất.
Đề xuất mắt kính thuộc vào danh mục chi trả bảo hiểm y tế học sinh
Đây là kiến nghị của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xuất phát từ thực tế, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ tăng cao, chiếm tới 20-35%. Theo Cục Y tế dự phòng, các tật khúc xạ ở học sinh chủ yếu là nhược thị, cần phải đeo kính đúng số, nhưng hiện nay mắt kính thuốc chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy, Cục này đề xuất cần xem xét bổ sung chi mua mắt kính thuốc vào danh mục chi trả bảo hiểm y tế học sinh.