Ý nghĩa thực sự của bằng đại học là gì?

Đỗ Hòa - Quang Hải-Thứ ba, ngày 21/03/2023 06:10 GMT+7

VTV.vn - Tấm bằng đại học có đang thực sự bị lãng phí khi người học không được đặt vào đúng vị trí công việc được ghi danh?

Theo kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, nhiều ngành, tỷ lệ cử nhân ra trường làm không đúng ngành, đúng nghề lên đến hơn 60%.

Tác giả kịch bản xuất sắc nhất cho phim hoạt hình đạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Quả ngọt cho nhiều hơn một nỗ lực khi anh Hải, quyết chuyển nghề từ kỹ sư xây dựng sang làm biên kịch ở tuổi 29.

"Tôi theo học khóa điện ảnh, 1 năm thôi, sau đó đi làm biên kịch. Nếu mình không theo nghề viết lách thì đến tuổi già chắc chắn mình sẽ hối hận. Tại sao mình không hết mình với bản thân một lần", anh Phạm Đình Hải, biên kịch tự do, chia sẻ.

Đam mê trái với ngành học, chấp nhận chặt cành đã đơm quả, ghép lại một cành non, anh Hải cho biết lung lay là có, nhưng bật gốc thì không.

Ý nghĩa thực sự của bằng đại học là gì? - Ảnh 1.

Theo kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành là trên 24%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Giá trị nào cho tấm bằng đại học?

- Một công việc ổn định?

- Một thu nhập ở mức cao?

- Một tấm vé chứng minh bạn là người "được việc"?

- Hay chìa khóa để thành công bước vào đời?

"Học đại học không giống học phổ thông, thầy cô ra bài tập để các bạn làm. Còn học đại học thầy cô hướng dẫn cho mình cách làm, thầy cô truyền cho mình kinh nghiệm", chị Cao Thị Phượng Diễm, nhân viên truyền thông, nói.

"Đối với các nghề đòi hỏi quy chuẩn nghiêm ngặt như y, luật, an toàn lao động… thì bằng cấp là quan trọng. Không ai chấp nhận 1 bác sĩ tay ngang, học không tốt nghiệp mà hành nghề y. Tuy nhiên có nhiều nghề bằng cấp chỉ mang tính tương đối, như sản xuất kinh doanh, nghề mở rộng cửa cho tất cả mọi người, thì có thể những tài năng, thành công trong đó thậm chí học chưa học đại học", anh Nguyễn Quốc Vương, dịch giả, diễn giả độc lập, cho biết

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, được giữ lại trường làm giảng viên và tiếp tục học lên ở Nhật trong 8 năm, không trở lại với bục giảng, nhưng câu trả lời của anh Vương cũng là: không tiếc thời gian đã học; không 'chết' kỹ năng đã được đào tạo.

Học sao cho trúng, cho đúng?

Rõ ràng, môi trường đại học giúp người học xây dựng được kỹ năng tư duy để vận dụng và ứng dụng trong những môi trường khác nhau, trước những biến động khác nhau của cuộc sống, bao gồm cả việc bạn phải làm việc không đúng với chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc cứ vào đại học là sẽ có tư duy, hay cứ học đại một đại học nào đó sẽ giải quyết được câu chuyện về kiến thức và công việc trong tương lai.

Xác định học đúng - học trúng với nhu cầu, năng lực bản thân vẫn sẽ là bài toán của mỗi cá nhân trước, trong và ngay cả sau khi học đại học.

Tại một buổi học của lớp thạc sĩ quản trị kinh doanh, Viện Quản trị và Công nghệ FSB, các học viên khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp nhưng chung một mục tiêu.

Trở lại học tập - phục vụ cho công việc hiện tại của bản thân, được xem cách chọn đúng, chọn trúng của những người đã có công việc gọi là ổn định.

Còn với mỗi học sinh trước cánh cửa: đại học - hay không đại học, chọn đúng - chọn trúng sẽ là: chọn ngành học mình thích?, chọn nghề đang hot?, hay cứ chọn trường nào mình có khả năng đậu?

Tất nhiên, một phép cộng cơ bản với ba đầu số: năng lực bản thân; nhu cầu đời sống; xu hướng phát triển xã hội… dù cân nhắc kỹ cũng khó cho một kết quả tuyệt đối chính xác, mà chỉ tăng độ tiệm cận với thành công bằng ý thức của người tính.

"Chúng ta đừng nghĩ học đại học là cao siêu, học nghề, học trung cấp nghề hay cao đẳng nghề hay học nghề từ công việc thực tế là công việc dễ dàng, không có chuyện đó. Nghề nào là với tinh thần chuyên nghiệp với một kỹ năng cao đều khó cả", anh Nguyễn Quốc Vương, dịch giả, tác giả độc lập, nhận định.

Ứng xử khi học một ngành, làm một nghề, chọn đại học hay không đại học - vai trò tự chủ của mỗi cá nhân học sinh, sinh viên cùng gia đình được xác định là quan trọng. Tuy nhiên, điều này cũng không thể phủ nhận tính đặc biệt cần thiết và cấp thiết của các chủ trương, chính sách định hướng, phân luồng cũng như hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh.

Kiến nghị bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ: Bộ GD&ĐT nói gì? Kiến nghị bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ: Bộ GD&ĐT nói gì?

VTV.vn - Lo ngại vấn đề 'chạy điểm để làm đẹp' học bạ', cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ THPT.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước