Một người đàn ông đi xe máy gặp cướp giữa đường, 2 tên cướp tẩu thoát bỏ lại túi chiếc túi rách toạc, tiền bay tung tóe. Nhưng thay vì đuổi cướp, những người đi đường, trong đó có cả người trẻ dừng xe, hối hả vơ vét đồng tiền đang vung vãi vào túi mình, trước sự bất lực và đau đớn của nạn nhân....
Một thanh niên gặp tai nạn nằm bất động trên đường. Chiếc xe gây tai nạn lập tức bỏ trốn. Một chiếc xe buýt may mắn kịp dừng lại không đâm vào người bị nạn. Nhưng, tài xế, phụ xe dừng xe đứng chờ… cơ quan chức năng đến thông đường, còn hành khách ngồi bình thản trong xe như không hề nhìn thấy người bị nạn đang nằm mê man, bất tỉnh giữa đường. Trên lề đường, những người “hiếu kỳ đớn hèn”, trong đó có không ít thanh niên tụ tập đứng nhìn...
Một nữ sinh bị đánh hội đồng bởi những người bạn cùng trường. Rồi lại chính những người bạn cùng trường khác, số lượng đông hơn gấp nhiều lần đứng quanh nhìn ngó, chỉ trỏ và quay clip đưa lên mạng.
Mới đây nhất, một thanh niên với nickname “kẹo mút thích chơi bời” gây tai nạn rồi thản nhiên lên facebook để “khoe thành tích” với những lời lẽ tàn nhẫn trước sự tán thưởng của không ít người bạn.
Vô cảm, không dám lên tiếng, không dám can thiệp. Vô cảm không dám nhận trách nhiệm khi gây lỗi. Vô cảm vì sợ hệ lụy đến mình. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Phải chăng sự vô cảm đang dần tăng lên trong xã hội? Phải chăng các bạn trẻ bây giờ vô cảm hơn các hế hệ trước đây? Bản chất của vấn đề là gì? Đó có phải là kết quả của lối sống thực dụng đang dần ăn sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của con người hay đằng sau đó còn có những nguyên nhân khác nữa?
Liệu căn bệnh vô cảm đã trở nên trầm kha đến mức cần được “kê đơn bốc thuốc” hay chưa? Làm gì để hạn chế sự vô cảm trong xã hội/bạn trẻ? Làm gì để người trẻ ngày càng có nhiều hơn những hành động vị tha giúp đỡ người khác?...
“Bạn có vô cảm không?” Đã bao giờ các bạn trẻ tự đặt ra cho mình câu hỏi đó? Đã bao giờ bạn lúng túng không biết phải làm gì trong những tình huống khó xử như giúp đỡ hay không giúp đỡ, hy sinh lợi ích cá nhân hay vì sự an toàn của chính mình là trên hết? Đối thoại trẻ tháng 12 với chủ đề “Bạn có vô cảm?” sẽ cùng các bạn trẻ và các chuyên gia “kê đơn bốc thuốc”, đi tìm liệu pháp tinh thần cho căn bệnh này.
Chương trình nhằm mục đích cảnh báo một thực tế đang diễn ra trong xã hội – căn bệnh vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau, sự mất mát, khó khăn của người khác của một bộ phận người dân, đặc biệt là của một bộ phận bạn trẻ trong xã hội.
Bên cạnh đó là cuộc đối thoại dành cho các bạn trẻ tự vấn lương tâm và chất vấn những người xung quanh về sự vô cảm, từ đó đi tìm giải pháp cho chính mỗi người và nhiều người khác, kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đặc biệt là những chuyên gia tâm lý, giáo dục thanh niên
Khách mời trẻ tham gia chương trình là Phan Thanh Hiếu, hiện đang là sinh viên năm 2, chuyên ngành Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Ngay từ bây giờ, khán giả có thể tham gia cuộc đối thoại bằng cách gửi ý kiến, câu hỏi dành cho các khách mời tham gia chương trình bằng cách: truy cập trang web
http://doithoaitre.vtv.vn mục webchat hoặc điện thoại về đường dây nóng (04)62735271 và (04)62735272 khi chương trình đang truyền hình trực tiếp.
Khán giả cũng có thể nhắn tin DTT_câu hỏi về 8242 hoặc gửi thư về chương trình Đối thoại trẻ (Phòng Nội dung 1, Ban thanh thiếu niên , Đài THVN, 43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) hoặc email về địa chỉ
doithoaitre@vtv.vn