Di dời mồ mả để thực hiện dự án kinh tế xã hội

Mạnh Hiến-Thứ sáu, ngày 03/06/2011 07:00 GMT+7

"Tôi muốn được "Góc tư vấn pháp luật" của Hộp thư truyền hình tư vấn về việc giải phóng mặt bằng, cần phải di dời mồ mả để thực hiện dự án kinh tế xã hội và quy định của Nhà nước về vấn đề này". (Trần Sum. Hà Tĩnh).

Ảnh minh hoạ

Bạn Trần Sum, xóm Kỳ Long, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gửi thư về Hộp thư truyền hình: “Hiện nay, nghĩa địa dòng họ nhà tôi đang thuộc diện di dời để nhường đất lại cho dự án của công ty nước ngoài vào kinh doanh. Tôi biết việc di dời là để phát triển kinh tế xã hội, nhưng điều tôi muốn hỏi ở đây là tỉnh không có kế hoạch từ trước nên việc chôn cất người đã khuất không được nghiêm cấm. Trong nghĩa địa dòng họ tôi có rất nhiều ngôi mộ chưa thể cất lên được vì còn quá mới nên việc di dời rất khó. Hiện, tỉnh đang thúc ép từng ngày, mặt khác còn gây áp lực cho những người làm việc liên quan để ép phải thực hiện di dời mộ. Trong thực tế hiện nay khá nhiều trường hợp giải phóng mặt bằng cần phải di dời mồ mả, vậy quy định của Nhà nước về vấn đề này như thế nào?”.

Về vấn đề này Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Công ty luật Song Thanh, đoàn luật sư TP Hà Nội tư vấn như sau:

Việc di chuyển mồ mả khi nằm trong vùng phải giải phóng mặt bằng là việc xảy ra khá thường xuyên và Nhà nước có qui định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ di dời. Theo quy định hiện hành thì đối với việc di chuyển mồ mả, mức tiền bồi thường được tính cho chi phí về đất đai, đào, bốc, di chuyển, xây dựng lại và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp. UBND cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương.

Theo quy định thì khi Nhà nước thu hồi đất, nếu trong phần diện tích đất thu hồi mà có mồ mả thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khi lập Phương án tổng thể sẽ tiến hành kiểm đếm số lượng mồ mả và lên phương án bồi thường, di chuyển mồ mả, dự kiến địa điểm chuyển đến một cách hợp lý nhất. Phương án tổng thể này được niêm yết công khai và lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi. Trường hợp có nhiều ý kiến không tán thành với phương án tổng thể đã lập thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải giải thích rõ hoặc xem xét, điều chỉnh lại phương án đã lập.

Về vấn đề chưa đủ thời gian để có thể cải táng

Thông thường, ngay từ khi có chủ trương thu hồi đất, xác định được phạm vi, diện tích thu hồi đất mà có mồ mả thì chính quyền địa phương cần phải thông báo và có kế hoạch bố trí nơi chôn cất người chết mới cho người dân để tạo điều kiện cho việc di dời mồ mả, thu hồi đất được thực hiện một cách thuận lợi nhất.

Trong trường hợp này thì cách giải quyết hợp lý nhất là hai bên: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và các hộ gia đình có mồ mả nằm trong vùng bị thu hồi đất cần phải làm việc và thống nhất được với nhau về cách thức di dời mồ mả có thể hài hòa lợi ích của cả hai như: Đối với những mồ mả đã cải táng thì thống nhất di dời theo kế hoạch; Đối với những mồ mả chưa cải táng thì hoãn việc di dời thêm một thời gian đến khi nào có thể đủ điều kiện để cất cải táng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa không ảnh hưởng đến phong tục, tín ngưỡng tâm linh của người dân.

Trong thời gian này, nhà đầu tư có thể thực hiện việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu vực khác.

Đơn vị giải phóng mặt bằng có quyền ép buộc, thúc ép người dân phải di dời không?

Theo quy định của pháp luật thì sau khi chủ đầu tư, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định và đã quá 30 ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; Đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND và UBMTTQ cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước thì có thể ra Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Trong trường hợp của gia đình anh Trần Sum thì có thể Tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đang tiến hành việc vận động, thuyết phục bàn giao đất.

Về vấn đề thời gian chờ đợi cải táng quá lâu, gây ảnh hưởng tới thời gian quy định cho nhà đầu tư

Theo Luật sư Trịnh Cẩm Bình, trên thực tế thì trường hợp này khá là hiếm, bởi vì ngay từ khi có chủ trương thu hồi đất (thời điểm giới thiệu địa điểm đầu tư) thì UBND cấp xã nơi có đất đã phải khoanh vùng thu hồi đất, đặc biệt hạn chế, nghiêm cấm việc chôn cất mộ mới trong vùng quy hoạch.

Trong trường hợp nếu thấy có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư thì chủ đầu tư có thể điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án.

Chương trình Hộp thư truyền hình được phát sóng vào lúc 15h30 Chủ nhật trên kênh VTV1. Mời các bạn đón xem!

Các tin bài liên quan:

Pháp luật có cho phép đổi tên họ không?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước