Hỏi & đáp VTV Online: NSƯT Kim Tiến với giọng nói trẻ mãi với thời gian

P.V-Thứ ba, ngày 15/04/2014 08:44 GMT+7

Tuần qua, VTV Online đã nhận được câu hỏi của độc giả muốn biết thêm về một số công việc gần đây của NSƯT Kim Tiến.

Bạn (Nguyễn Ngọc - Lào Cai) có gửi câu hỏi về VTV Online như sau:

Được biết NSƯT Kim Tiến đã nghỉ hưu lâu rồi nhưng khi xem truyền hình tôi vẫn nhận ra giọng đọc của chị, có phải chị vẫn còn cộng tác ở VTV?

Góc khán giả - VTV Online: Bạn Ngọc thân mến! NSƯT Kim Tiến đã nghỉ hưu được hơn mười năm. Tuy nhiên, từ khi chính thức cầm sổ hưu đến nay, NSƯT Kim Tiến vẫn chưa khi nào thôi làm việc yêu thích của mình. Khán giả không gặp NSƯT Kim Tiến trên màn ảnh nhỏ nhưng cũng giống như bạn Ngọc, nhiều người nhận ra NSƯT Kim Tiến qua giọng đọc lời bình phim tài liệu, phóng sự và đặc biệt là qua thuyết minh phim. NSƯT Kim Tiến là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ về sự tâm huyết, đam mê và luôn trau dồi, học hỏi để hoàn thiện bản thân trong lĩnh vực nghề nghiệp.

‘ NSƯT Kim Tiến

Ở tuổi gần thất thập, NSƯT Kim Tiến vẫn chăm chỉ luyện tập thể thao, sáng nào cũng đọc báo, luyện giọng để tiếp tục cống hiến cho nghề nghiệp. Ngoài việc nhận lời đọc lời bình, thuyết minh phim cho nhiều kênh sóng, bà còn nỗ lực tham gia công tác giảng dạy cho các lớp nghiệp vụ truyền hình ở trung ương và các đài truyền hình địa phương. Gặp NSƯT Kim Tiến ở ngoài đời, nhiều khán giả không khỏi ngạc nhiên vì bà vẫn rất nhanh nhẹn, trẻ trung.

Cũng trong tuần qua, VTV Online cũng nhận được câu hỏi từ bạn Nguyệt Anh ở Hà Tĩnh với nội dung như sau:

Được biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có một phim trường thực sự được đưa vào sử dụng, vậy khi làm phim truyền hình, các nhà làm phim phải xoay sở như thế nào?

Góc khán giả - VTV Online: Đúng như bạn nói, vì chưa có những phim trường phục vụ việc dàn dựng các bộ phim truyền hình (và cả điện ảnh) nên khi bắt tay vào thực hiện một bộ phim nào đó, việc đầu tiên là phải tìm ra bằng được bối cảnh phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Và, hầu hết các trường học, bệnh viện, kí túc xá, khu tập thể cho đến các khách sạn, biệt thự, nhà hàng… sang trọng xuất hiện trong phim đều được thuê, mượn của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm và yêu thích phim Việt.

Quá trình tìm tòi và mượn được một bối cảnh để quay phim không hề đơn giản, tốn nhiều thời gian, công sức. Đơn cử như trong phim Cầu vồng tình yêu, để tìm được ngôi biệt thự của gia đình họ Hoàng đủ rộng, đủ lớn và quan trọng là gia chủ cho mượn để quay phim ròng rã trong hơn một năm là bài toán vô cùng nan giải. Và, khi đã tìm được một ngôi nhà ưng ý, đoàn làm phim tiếp tục phải dàn dựng lại bối cảnh cho phù hợp, sắp xếp bố trí gian bếp, phòng thờ… sao cho hợp lý.

‘ Cảnh trong phim Cầu vồng tình yêu

Hay như tìm được một khu chung cư cũ xây dựng từ những năm 70 đang xuống cấp cho bộ phim Những công dân tập thể, đoàn làm phim đã gặp khó khăn thực sự. Sau nhiều cuộc khảo sát thực tế với rất nhiều khu tập thể, cuối cùng đã chọn được một bối cảnh như trong phim. Nhưng làm thế nào để các diễn viên chiếm trọn không gian của một khu tập thể chật chội, đông đúc, hàng ngày vẫn diễn ra nhịp sống thường nhật sôi động mà không bị lọt những hình ảnh đời thường vào khuôn hình lại là chuyện không đơn giản. Điều này buộc các nhà làm phim phải tính toán, dàn xếp rất kỹ càng. Hơn nữa, để đưa hệ thống máy quay, đèn chiếu sang vào một căn hộ chật chội là chuyện không đơn giản, buộc phải sắp xếp lại toàn bộ đồ đạc trong nhà sao cho hợp lý...

Những bối cảnh hẹp đã vậy, bối cảnh lớn lại càng khó khăn hơn. Với địa bàn ghi hình trải rộng từ Việt Nam - Lào - Thái Lan và biên giới Myanmar, đoàn làm phim Bí mật tam giác vàng phải di chuyển đến 10.000 km trong suốt hơn 4 tháng để ghi hình. Địa hình miền núi xa xôi, hiểm trở và cả lạ lẫm khi ra nước ngoài cùng thời tiết khắc nghiệt là những khó khăn chính mà đoàn làm phim gặp phải khi đi tìm bối cảnh cho phim.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước