BBC bị chỉ trích kịch liệt vì xử lí người dẫn không thỏa đáng

Song Anh-Thứ năm, ngày 08/05/2014 14:15 GMT+7

Dù BBC đã ra tối hậu thư với Jeremy Clarkson vì lời nói phân biệt chủng tộc mới đây nhưng dư luận Anh quốc cho rằng biện pháp trên chưa đủ nghiêm khắc và triệt để.

Đâu là sự thật?

Jeremy Clarkson, người dẫn chương trình Top Gear, đã nhiều lần bị khán giả phản đối vì có những lời nói mang tính phân biệt chủng tộc. Năm 2011, người dẫn này từng gặp rắc rối vì có những bình luận không hay về người Mexico và đại sứ Mexico tại Anh. Sau đó, Đài BBC đã phải công khai xin lỗi trên sóng.

Jeremy cũng bị Hiệp hội giám sát Truyền thông Anh quốc xóa tên khỏi danh sách làng báo sau khi ông ví chiếc ô tô Nhật Bản giống như “những người với những khối u trên mặt”. Ông cũng nhiều lần gây sự phẫn nộ của khán giả bằng lối phát ngôn tùy tiện, thiếu suy nghĩ như kết tội những người tự tử là “ích kỉ” và “tất cả những người lao động đình công đều đáng bị bắn bỏ”.

Cuối tháng Ba vừa qua, Jeremy Clarkson tiếp tục gây sóng gió dư luận khi có lời nói mang tính kì thị người châu Á trong một cảnh quay tại Thái Lan. Một diễn viên Ấn Độ đã khởi kiện BBC vì đã phát sóng chương trình này, đồng thời yêu cầu Đài nộp phạt 1,8 triệu USD và ngừng phát sóng Top Gear.

Khi vụ việc trên còn chưa được xử lí xong thì khán giả lại bị “dội lửa” bởi một đoạn ghi hình của Top Gear, trong đó Jeremy tiếp tục có lời nói phân biệt chủng tộc. Ban đầu, Tạp chí Daily Mirror thông tin về việc này và cho biết, trong chương trình Top Gear phát sóng trên BBC, lời nói không hay này đã được BBC cắt bỏ. Jeremy Clarkson kịch liệt bác bỏ thông tin trên: “Tôi không bao giờ nói những lời như vậy, không thậm chí cả trong ý nghĩ. Lần này Daily Mirror đã đi quá xa. Tôi sẽ khởi kiện họ vì tội vu khống”.

Cùng với những lời lẽ quả quyết của Clarkson, đại diện của BBC cho biết, Đài này đã điều tra đoạn băng gốc và không tìm được chứng cứ chống lại Clarkson. James May, bạn đồng dẫn của Jeremy trong Top Gear cũng cho rằng, trong buổi ghi hình đó, Jeremy nói rất nhiều thứ, nhưng không có lời nào mang tính phân biệt chủng tộc. Rồi như để tăng thêm tính thuyết phục, James May còn khẳng định: “Không có lời nào như thế được nói ra. Tôi không làm việc chung với những kẻ phân biệt chủng tộc”.

Trước những luồng thông tin trên, khán giả trở nên bối rối không biết ai nói đúng, ai nói sai. Và họ đã có câu trả lời ngay khi tạp chí Daily Mirror công khai đoạn băng gốc có những lời không hay của Jeremy Clarkson.

Sự cố sảy miệng hay chiêu bài câu khách?

Ngay sau khi sự thật được làm rõ, chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau đó, Jeremy liền thay đổi thái độ, trở lại “điệp khúc” ăn năn, xin thứ lỗi: “Thường thì tôi không phản hồi những cáo buộc của giới truyền thông, nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ. Vì cuộc ghi hình diễn ra đã khá lâu, nên tôi đã quên chi tiết. Khi xem lại đoạn băng trên, tôi mới nhớ ra rằng quả thực tôi đã nói những lời không nên. Nhưng lúc đó, trong chặng đua ô tô, tôi có đôi chút sợ hãi nên lỡ miệng nói những lời không có trong đầu mình. Đó là một từ đáng ghê tởm và tôi đã cố gắng hết sức để loại bỏ nó khỏi chương trình phát sóng”.

Sau đó, Jeremy Clarkson đã “cầu xin sự tha thứ của mọi người” và “sẽ làm tất cả trong sức mình để không bao giờ tái phạm”. Đài BBC thì “nghiêm khắc phê bình” và ra tối hậu thư với Jeremy rằng nếu tái phạm, dù ở bất kì hoàn cảnh, tình huống nào, người dẫn này sẽ lập tức bị sa thải.

Tuy nhiên, những người làm truyền hình, khán giả và cả một số chính khách lại không mấy tin tưởng vào sự ăn năn của Jeremy bởi lỗi này của ông mang tính “hệ thống” và trước đây, BBC chưa bao giờ tích cực, kiên quyết trong việc ngăn chặn sự tái phạm.

Thậm chí, một số ý kiến cho rằng đây là một trong những chiêu bài để “câu” tỉ suất. Ông Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Tự do đã tham gia vào cuộc tranh luận này và nêu ý kiến cho rằng, Jeremy đã mắc lỗi này quá nhiều lần và chưa từng thực sự xấu hổ. “Jeremy càng gây tranh cãi nhiều, càng nhiều người xem chương trình và BBC càng thu được nhiều tiền. Đây rõ ràng là phong cách điển hình của Jeremy, tiến đến rất gần ranh giới của sự ghê tởm, đáng ghét nhưng ông ta chưa bao giờ nỗ lực rời xa nó. Nếu BBC cảnh báo kịp thời và nghiêm khắc, tôi không tin số lần phạm lỗi của ông ta quá số 2”.

Ông Harriet Harman, lãnh đạo Đảng Lao động cũng lên tiếng: “Bất cứ ai phát ngôn một từ gớm ghiếc như Jeremy Clarkson dù ở bất kì hoàn cảnh, tình huống nào cũng không có chỗ trong Hiệp hội Truyền hình Anh quốc”. Thậm chí, Thủ tướng Anh cũng quan tâm liệu Jeremy có bị sa thải hay không: “Thật tốt là BBC đã có giải pháp nhưng thật không may, đó không phải là giải pháp hay”.

Hầu hết các chính khách đều có chung ý kiến rằng, đưa ra một lời xin lỗi cho lời nói phân biệt chủng tộc và hi vọng vụ việc sẽ chìm xuồng không phải là cách giải quyết tối ưu mà BBC có thể làm. Thậm chí, một số người còn ví von cách giải quyết này giống như kiểu “hình phạt dành cho kẻ giết người là bắt hắn xin lỗi mẹ nạn nhân”.

Hiện Ofcom, Cơ quan Giám sát truyền thông Anh quốc, đã bắt tay vào điều tra Top Gear và các tình huống mà Jeremy Clarkson phát ngôn những lời mang tính phân biệt chủng tộc để gây sức ép với BBC trong việc xử lí người dẫn này.

Top Gear là một trong những chương trình truyền hình thực tế ăn khách và lâu đời nhất (26 năm), được phát sóng tại hơn 200 quốc gia. Năm 2013, Top Gear được bầu là chương trình thực tế được ưa thích nhất trong kỉ lục Guinness.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước