BTV Việt Khuê và Đường lên đỉnh Olympia

Ngọc Mai-Thứ ba, ngày 08/06/2010 08:00 GMT+7

Đến với chương trình Đường lên đỉnh Olympia (ĐLĐOLPA) như một cái… duyên, cũng như những người làm chương trình khác BTV Việt Khuê như tìm thấy một phần tuổi học trò của mình ở gameshow danh giá này…

Cho dù đang rất bận rộn với công việc của một BTV Thể thao chuẩn bị cho World Cup 2010, nhưng BTV Việt Khuê vẫn dành cho vtv.vn một khoảng thời gian đủ dài để trao đổi về “Đường lên đỉnh Olympia”, về trận chung kết năm thứ 10 sắp tới. Trận chung kết mà Việt Khuê được trở về ngôi trường thời cấp III của mình, với mong muốn cùng các thầy cô và các bạn ở trường Hà Nội – Amsterdam này làm nên một điểm cầu sôi động, ý nghĩa và tràn đầy màu sắc, tràn đầy tinh thần Olympian…


Bên cạnh một Việt Khuê sôi nổi với tư cách là một BLV thể thao của Đài THVN, khán giả truyền hình còn rất “quen mặt” Việt Khuê với tư cách của một BTV vui tươi, dí dỏm và trí tuệ ở chương trình Đường lên đỉnh Olympia (ĐLĐOLPA). Vậy cơ duyên nào đã đưa bạn đến với chương trình này? Và bạn đã gắn bó với chương trình được bao lâu rồi?

Cũng như nhiều người, tôi tâm niệm cuộc sống luôn có “cái duyên, cái số” và đúng như anh nói, tôi đến với ĐLĐOLPA như một cái duyên vậy. Năm 2007, ĐLĐOLPA bước sang năm thứ 8 với một format khác so với những năm trước: đó là ngoài sự xuất hiện của MC trên sân khấu để trực tiếp đưa ra các câu hỏi cho thí sinh tham dự, còn có sự góp mặt của MC dưới khán giả để khuấy động không khí trường quay và khai thác những cảm xúc nơi người thân, bạn bè, thầy cô và của chính các thí sinh qua các cuộc phỏng vấn. Việc tìm kiếm một gương mặt MC thích hợp với vai trò mới này không phải là một điều đơn giản bởi trên thực tế những người thực hiện chương trình cũng đã mở ra một cuộc tuyển chọn MC cho vị trí mới này nhưng chưa tìm được gương mặt nào thích hợp. Trong lúc ekip thực hiện đang “bí” thì nhà báo Lại Văn Sâm – trưởng Ban Thể thao Giải trí và Thông tin kinh tế Đài THVN đã đưa ra một sáng kiến thú vị: thử để 1 bình luận viên thể thao đảm nhận vai trò này xem sao. Lúc đó, anh Sâm đã chỉ định tôi và Khắc Cường đến trường quay ghi hình thử để chọn lấy 1 người thích hợp nhất. Cuối cùng … cả 2 người đều được chọn cho vị trí MC này và chúng tôi (tôi và Khắc Cường) đã đồng hành với Olympia kể từ đó đến nay. Nếu tính cả ĐLĐOLPA năm thứ 11 sắp tiến hành ghi hình thì tôi có dịp tham gia vào 4 năm của gameshow đầy tính trí tuệ này.

Tiếp tục trở lại quá khứ một chút. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn sẽ trở thành một thành viên của cuộc thi Olympia danh giá, hay một điều gì đó tương tự?

Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một thí sinh dự thi Olympia, đơn giản bởi hồi phổ thông, tôi học chuyên và có tham gia thi quốc gia môn Toán. Thông thường, muốn đoạt giải ở các cuộc thi quốc gia thì học sinh phải dồn toàn bộ sức lực vào môn học đó và chính vì thế, đội tuyển của trường mà tôi là một trong số đó được miễn các môn khác để tập trung luyện thi Toán. Chúng ta đều biết ĐLĐOLPA là một cuộc thi kiến thức tổng hợp với rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi các thi sinh phải giỏi ở rất nhiều môn học khác nhau mà tôi khi đó lại “học lệch” nên chẳng bao giờ nghĩ rằng minh sẽ đi thi Olympia cả. Còn làm MC của ĐLĐOLPA thì tôi lại càng không bao giờ nghĩ đến bởi gia đình luôn hướng tôi theo nghiệp nghiên cứu và trong đầu tôi lúc ấy cũng không nghĩ mình sẽ làm gì khác ngoài một nhà khoa học hay một giáo viên dạy Toán. Một lần nữa tôi lại muốn nói về cái duyên. Đôi khi bạn không bao giờ nghĩ mình sẽ làm một điều gì đó nhưng cuối cùng điều đó vẫn đến với bạn – một cách bất ngờ nhưng cũng rất tự nhiên.

Dường như những người thực hiện chương trình Đường lên đỉnh Olympia ngày càng trẻ ra bởi họ được sống, được trở lại những khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi học trò. Với cá nhân bạn, điều đó có chính xác?

Rất chính xác là đằng khác. Nhìn các bạn thí sinh, tôi như thấy được phần nào đó của bản thân mình thời học trò. Đó là sự hồn nhiên, vô tư trong lời nói, cách nghĩ, sự hồi hộp và cả căng thẳng khi đứng trước mỗi cuộc thi quan trọng và niềm vui lớn lao khi mình hoàn thành tốt cuộc thi ấy. Còn về mỗi lần giao lưu với các thí sinh và các bạn cổ động viên, tôi biết thế hệ 9X bây giờ có nhiều ngôn ngữ “xì -tin” lắm nhưng khi trò chuyện và phỏng vấn tôi vẫn thấy có sự gần gũi, hòa đồng và không thấy có khoảng cách giữa 8X và 9X. Vì thế, tôi thấy mình vẫn “trẻ” lắm. Chẳng biết mọi người có nghĩ thế không … (cười).

Vừa qua, chương trình đã có một Gala 10 năm Đường lên đỉnh Olympia rất đặc sắc, rất “Olympian” và đầy ý nghĩa. Với tư cách là một trong những người “dẫn đường” luôn đồng hành cùng các nhà leo núi Olympia, chắc hẳn trong bạn vẫn còn những kỷ niệm đáng nhớ với chương trình?

Tôi luôn thấy thích thú và ấn tượng mạnh với không khí tại các điểm cầu và kỉ niệm khiến tôi nhớ nhất chính là trận chung kết ĐLĐOLPA năm thứ 9. Khi đó, tôi là người “dẫn đường” ở điểm cầu trường Quốc học Huế - ngôi trường uy tín bậc nhất tại Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Trước đó, trường Quốc học Huế đã có nhiều thí sinh tham dự Olympia, thậm chí đã có những thi sinh lọt vào đến trận chung kết nhưng chưa vô địch bao giờ. Tưởng như điều đó một lần nữa lặp lại khi bạn Hồ Ngọc Hân, đại diện của trưởng Quốc học Huế trong cuộc thi chung kết ĐLĐOLPA năm thứ 9 đã khởi đầu không thực sự tốt nhưng với những bước bứt phá ngoạn mục, Hân đã trở thành nhà vô địch. Chứng kiến “nụ cười thiên thần” (biệt danh của Hân) trên đỉnh Olympia, tất cả các thầy cô, bạn bè trong trường đều rất xúc động. Các thầy cô trong đó có thầy hiệu trưởng ôm chầm lấy tôi rồi cảm ơn trong dòng nước mắt hạnh phúc như thể tôi là người đã mang chức vô địch đầu tiên về cho trường Quốc học Huế vậy. Tôi biết thành tích đạt được là do tài năng và bản lĩnh của Hân nhưng vẫn thấy rất vui vì mình đã làm được một điều gì đó ý nghĩa cho trường Quốc học Huế. Đó là một kỉ niệm đẹp mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Được biết ở trận chung kết tới đây bạn sẽ hiện diện ở điểm cầu Hà Nội tại trường THPT Hà Nội Amsterdam, một ngôi trường danh tiếng của thủ đô. Vậy cá nhân bạn đã chuẩn bị được những gì cho điểm cầu của bạn?

Có lẽ không cần chuẩn bị nhiều bởi tôi chính là một cựu học sinh của trường HN-Amsterdam. Về lại ngôi trường xưa, gặp lại các thầy cô giáo cũ và hòa mình vào không khí sôi động của lứa “đàn em” mình, những cảm xúc tự khắc sẽ đến và tôi tin tưởng mình sẽ làm tốt nhiệm vụ tại điểm cầu HN-Amsterdam. Cũng muốn chia sẽ thêm rằng, dù trường Ams là ngôi trường mơ ước của rất nhiều học sinh tại Hà Nội nhưng đây mới là lần thứ 2, trường có đại diện tham dự trận chung kết năm. Nói vậy không phải vì học sinh trường Ams không giỏi mà như người ta vẫn nói: “học tài thi phận”, ngoài tài năng, kiến thức thì còn nhiều yếu tố khác như tinh thần, may mắn … tác động đến thành tích của mỗi thí sinh. Lần trước (Olympia năm thứ 1), tôi cổ vũ cho anh Phan Minh Châu với tư cách là học sinh của trường Ams còn lần này, với tư cách là MC, hy vọng tôi sẽ mang đến may mắn cho ngôi trường cũ của mình.

Và một lời chúc của người dẫn đường đối với các nhà leo núi trong trận chung kết Olympia năm thứ 10 vào ngày 13/6 tới đây?

Các bạn hãy coi cuộc thi này như những cuộc thi tuần, tháng, quí mà các bạn đã vượt qua. Hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình và như thế đã là 50% của chiến thắng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước