Chỉ yên tâm ngồi... "chấm" thật chuẩn
Lần thứ hai ngồi vào vị trí “ghế nóng” sân chơi "Cầu vồng diễn viên", anh có cảm xúc gì mới không?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Sau thành công năm 2009, Cầu vồng diễn viên mùa thứ hai vừa quay trở lại và được dư luận đánh giá là có nhiều yếu tố mới mẻ, kịch tính hơn. Riêng tôi, tôi đề cao tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sản xuất.
Khi xem chương trình, khán giả có thể thấy nó trơn tru, mượt mà… Nhưng ở phía hậu trường, từ việc thu hút, phát hiện thí sinh triển vọng, đưa họ tập trung về một địa điểm, bố trí ghi hình, luyện tập, đấu loại trực tiếp… trong thời gian gấp rút, tiến độ khẩn trương không hề đơn giản.
Vậy dưới góc độ một đạo diễn, anh “chấm” nội dung cuộc thi này mấy điểm?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Hơi khó để đưa ra điểm số. Tôi khá ấn tượng với phần Lồng tiếng cho phim hoạt hình – phần thi lần đầu tiên xuất hiện trong Cầu vồng.
Các bạn trẻ được tạo thêm điều kiện bộc lộ khả năng của mình. Kỹ năng này đòi hỏi họ phải diễn xuất phù hợp với khẩu hình nhân vật, thể hiện sự truyền cảm và hóa thân bằng giọng nói.
Qua đó, Ban Giám khảo có thể nhìn nhận thí sinh qua nhiều góc độ hơn, đặc biệt là sự cảm nhận văn học, lời thoại, ngữ điệu, cảm xúc… chứ không chỉ thuần túy về hình thể.
Phàm trong các cuộc thi thố tài năng, trên sân khấu, thí sinh muôn hồng nghìn tía nhưng trên "ghế nóng" Ban Giám khảo cũng mỗi người mỗi vẻ. Anh nghĩ sao về điều này?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Với tôi, đây là một lời khen! Diễn viên Xuân Bắc rất hài hước, tếu táo, thường hay pha trò để thí sinh cảm thấy tự tin, phân tích sâu về kỹ thuật diễn xuất.
Kiệm lời nhưng tinh tế, anh K’Linh nắm giữ chuyên môn về mặt tạo hình, cảm nhận nhân vật. Còn tôi đánh giá các em một cách thẳng thắn, không né tránh, đặc biệt là về bước đi lâu dài trong nghề.
Có ê-kíp lo hết rồi, nên Ban Giám khảo gồm tôi, diễn viên Xuân Bắc và giám đốc hình ảnh K’Linh chỉ còn cách là… yên tâm ngồi chấm thi cho thật chuẩn thôi! (cười)
Nói như vậy, "chỗ ngồi" của anh phải... dung hòa được hai cá tính còn lại?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Bí quyết của tôi là theo dõi các phần thi một cách kỹ lưỡng, vừa lắng nghe hai người bạn nhận xét về chuyên môn vừa cảm nhận nhịp điệu của chương trình.
Vì là Trưởng Ban Giám khảo nên tôi còn phải thực hiện nhiệm vụ “cầm trịch”, thay đổi tiết tấu, phong cách đánh giá… khiến khán giả không cảm thấy bị nhàm chán. Thực tế, người xem truyền hình cũng muốn giám khảo nêu đích danh những ưu – khuyết điểm của thí sinh cùng một số kiến thức chuyên ngành.
Từng ngồi "ghế nóng" ở mùa thứ nhất, theo anh giữa thí sinh “ngoại đạo” và thí sinh từng có kinh nghiệm diễn xuất, ai chiếm ưu thế hơn?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Cầu vồng là show truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng, nên mọi người đều bình đẳng trong việc thể hiện niềm đam mê nghệ thuật.
Thậm chí, ở một số vòng thi, các thí sinh từng quen thuộc với nghề diễn lại bị rơi vào “nhóm nguy hiểm”.
Do rất nhiều nguyên nhân, tình trạng chung của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay là rất khó tìm được gương mặt nổi trội hoặc tài năng xuất chúng.
Nói như vậy công việc “gạn đục, khơi trong” của các anh cũng không hề "dễ thở " nhỉ?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Cảm ơn sự đồng cảm của bạn. Khi đảm nhận vị trí "ghế nóng" sân chơi tìm kiếm tài năng diễn xuất, Tôi vẫn đùa tếu, rằng mình đang "đãi cát tìm vàng" đây!
Nhưng đó cũng là sự thật rất khắc nghiệt để tìm ra được những tài năng diễn suất sau những cuộc thi thế này, hi vọng "bù" vào thêm lực lượng diễn viên khá khiêm tốn hiện nay.
Tất nhiên, trong khâu casting các dự án phim truyện, nhiều khi còn cần yếu tố may mắn nữa. Là vô tình, là nhân duyên hay điều kiện chín muồi, đến thời điểm nào đó đạo diễn và diễn viên lọt vào “mắt xanh” của nhau. Các cơ hội bung ra, tác phẩm được thêm da thịt, bồi đắp phần “hồn”…
Ở Cầu vồng diễn viên cũng vậy. Trên cương vị “người làm nghề”, tôi chỉ ra con đường dài mà các thí sinh nên đi, giúp họ nắm bắt thuận lợi, khắc phục khó khăn… Giá trị thật sự của một cuộc thi là sau đó những người tham gia có được sự nghiệp, công việc… hữu ích chứ không phải tối tối ngồi tán tụng hư danh trên mạng xã hội.
Sẽ "thử vàng" tại... "sân để dành" của VFC
Đến giờ, khi cuộc thi đã đi được nửa chặng đường anh đã bị "hút hồn" bởi gương mặt nào chưa?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Có một số tình huống, thí sinh gây cho tôi ấn tượng khá mạnh mẽ. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là tiết mục đóng chung với diễn viên Thu Hường (Thư trong Của để dành) của một bạn nam.
Bất ngờ ở chỗ, vì bị cuốn vào phần thi, tôi quên bẵng đi… nhiệm vụ “săm soi” mà mình đảm nhiệm cũng như ý định tìm ra lỗi sai, lợi thế của thí sinh. Lúc chàng trai này kết thúc vai diễn, tôi vẫn xúc động đến nỗi không kịp nhớ mình định nói gì.
Đỉnh cao của diễn xuất chính là chạm tới cảm xúc khán giả, và không phải ai cũng làm được điều đó. Còn muốn biết cụ thể về gương mặt và nội dung thi tôi vừa nêu thì bạn nhớ đón xem Cầu vồng!
Anh có ý định tiếp tục “thử vàng” qua các bộ phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sắp triển khai hay không?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Điều đó không nằm ngoài mục đích mà Ban Tổ chức Cầu vồng đề ra. Thêm nữa, hiện nay VFC đang xây dựng một dự án phim dành cho đối tượng thanh niên, tuổi mới lớn.
Công việc khởi đầu bằng giai đoạn phác thảo đề tài, lựa chọn diễn viên để tổ chức viết đề cương. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, khi khán giả trẻ hiện nay ngày càng thông minh và đòi hỏi khắt khe hơn.
Một tin vui là trong dải phim VFC lên sóng VTV6 từ tháng 7 hứa hẹn sẽ “dành sân” cho những “mảnh vàng” chúng tôi tìm được.
Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp để giới thiệu thí sinh phù hợp yêu cầu của vai diễn.
Theo anh, để thích ứng với sự phát triển không ngừng của điện ảnh, các bạn trẻ yêu thích công việc diễn viên nên chuẩn bị hành trang gì?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Đây là một nghề nghiệp mà bạn phải có niềm đam mê thì mới theo đuổi, làm đến cùng và thực hiện hiệu quả được. Ở Việt Nam, chuyện làm phim có nhiều vất vả, đòi hỏi cả sức lực lẫn trí tuệ. Ngọn lửa đam mê sẽ giúp các diễn viên trẻ vượt qua những khó khăn muôn hình vạn trạng.
Thứ hai, bạn cần có nền tảng tư duy, kiến thức tổng hợp tốt. Ít lĩnh vực nào như môn nghệ thuật thứ bảy đòi hỏi sự quan sát, cảm nhận cuộc sống sâu sắc và tinh tế. Nếu biết để ý, tích lũy tri thức phong phú, khi hóa thân vào nhân vật, bạn sẽ không bị lúng túng, bối rối và còn có thể diễn xuất tự nhiên, chân thực, chạm đến trái tim khán giả…
Xin chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!