Đạo diễn Đức Thịnh: Chương trình cho giới trẻ phải đầy ắp tiếng cười

VTV6-Thứ sáu, ngày 21/05/2010 11:00 GMT+7

"Có một điểm ở các bạn trẻ hiện nay mà tôi rất thích đó là sự táo bạo. Họ không chịu lặp lại cái gì hết, họ thích những cái mới. Dù không phải sáng tạo nào cũng đúng, nhưng tôi vẫn rất thích các diễn viên trẻ suy nghĩ khác những thế hệ đàn anh đi trước...". Diễn viên Đức Thịnh chia sẻ với VTV6:

- Xin chào đạo diễn Đức Thịnh, thật bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh của anh trên sân bóng mini. Hẳn anh là một người quan tâm và dành nhiều thời gian cho thể thao?

Trước hết, Đức Thịnh xin gửi lời chào tới tất cả khán giả của VTV6. Thực ra, bóng đá là nhiềm đam mê thứ hai của Thịnh, chỉ sau sân khấu thôi. Từ nhỏ Thịnh đã chơi bóng rồi. Sau mỗi giờ làm việc căng thẳng, đuổi theo trái bóng tròn, mình lại cảm thấy rất thư thái, thoải mái. Bóng đá vừa giúp mình giải tỏa căng thẳng, vừa rất tốt cho sức khỏe nữa.

- Khán giả biết đến anh với vài trò là một diễn viên, đạo diễn sân khấu, nhưng gần đây lại thấy anh làm chương trình truyền hình thực tế “Hành trình kết nối những trái tim”?

Tôi là một đạo diễn sân khấu, không phải đạo diễn truyền hình. Vì thế, tôi đến với “Hành trình kết nối những trái tim” cũng rất tình cờ. Năm 2008, trong khi sân khấu không có kịch bản mới để dàn dựng thì tôi nhận được lời mời làm chương trình này.

Hành trang bước vào chương trình của tôi gần như không có gì. Người ta còn nghi ngờ khả năng đạo diễn của tôi. Họ nói tôi là một đạo diễn sân khấu thì biết gì về truyền hình mà đi làm một chương trình truyền hình thực tế? Nghe vậy, nhưng sau khi đọc format và xem một số chương trình phát sóng bên Nhật, tôi hiểu rằng đây là một chương trình dành cho mình. Tôi thấy rất hợp với chương trình này vì nó nói về tình yêu, rất trẻ trung, sôi động. Tôi nhận lời và ngay từ số đầu tiên đã phác thảo được một đường dây, một cách làm chương trình này.

- Anh có nhắc tới cụm từ “truyền hình thực tế”; nhưng nhiều khán giả vẫn chưa hiểu rõ khái niệm này. Anh có thể nói ngắn gọn “truyền hình thực tế” là gì không?

Có rất nhiều định nghĩa về truyền hình thực tế. Các bạn có thể hiểu theo cách đơn giản: có một nhóm người tham gia một hoạt động nào đó, theo một quy định cụ thể và được máy ghi hình ghi lại một cách trung thực. Một chương trình truyền hình thực tế sẽ kể lại cho khán giả một cách trung thực những diễn biến xung quanh nhóm người đó: họ đã trải qua cái gì, trải qua như thế nào để đạt được mục đích cuối cùng. Mọi chuyện xảy ra đều là sự thật, không hề có sự dàn dựng, sắp đặt của đạo diễn.

Nhiều chương trình truyền hình thực tế rất hay. Ví dụ như một nhóm người được đẩy ra ngoài đảo, sau đó tự họ phải sinh sống, người nào trụ lại lâu nhất là người chiến thắng... Những tình huống rất thật làm nên sức hấp dẫn của chương trình.

‘ Đạo diễn Đức Thịnh trong chương trình Chat với V6

- “Hành trình kết nối những trái tim” nói về tình yêu của các bạn trẻ, đó là một chủ đề hay nhưng khi lên truyền hình thì rất cần yếu tố tự nhiên, tinh tế. Anh đã có hướng tiếp cận như thế nào để xử lý yêu cầu “hóc búa” đó?

Chương trình có chiếc “xe buýt tình yêu” với 7 bạn trẻ, 4 nam và 3 nữ. Các bạn cùng đi làm từ thiện, đó là cơ hội để các bạn có thể tìm hiểu lẫn nhau, qua đó lựa chọn một người nào đó phù hợp với mình và tỏ tình.

Đạo diễn không thể điều khiển tình cảm của các bạn, mà chỉ nắm bắt tâm lý thôi. Mỗi đêm, đạo diễn phải phỏng vấn người chơi, đọc những trang nhật ký để hiểu họ. Theo kinh nghiệm của Đức Thịnh, đạo diễn trong chương trình này phải quên hẳn mình là đạo diễn mà là người đi chung đoàn, là một người anh, thỉnh thoảng là một người bạn, đôi lúc lại là một người cha nữa.

Tất cả các cuộc tỏ tình hoàn toàn đều là tự nhiên hết. Máy quay đứng cách xa khoảng ba chục mét. Đối với những cảnh đó, ê-kip kỹ thuật và máy quay phải tập trước để bắt kip những chuyển động và những thay đổi về tâm lý của người chơi. Người chơi muốn đi đâu thì đi, và máy quay phải bắt buộc di chuyển theo.

- “Hành trình kết nối những trái tim” là chương trình được các bạn trẻ rất mong đợi. Còn với riêng anh, ấn tượng của anh về chương trình như thế nào, và sắp tới chương trình có cải tiến gì không?

Kỷ niệm khi làm đạo diễn thì có nhiều nhưng Đức Thịnh ấn tượng nhất với cuộc tỏ tình của một anh chàng nhạc sỹ và một cô nàng tên là Gió. Tôi cho đó là cuộc tỏ tình lãng mạn nhất. Anh ta tỏ tình giữa một căn phòng đầy nến và hát bài hát tự sáng tác. Thịnh thích nhất ánh mắt của cô gái khi gõ cửa bước vào, có lẽ không diễn viên nào diễn nổi ánh mắt đó. Cô gái đã nhận lời chàng trai. Thịnh không biết chuyện tình yêu của họ đi được đến đâu, nhưng buổi tối khi xem lại băng mình cũng khóc. Cuộc tình đó quá đẹp, quá lãng mạn, cảm xúc của nhân vật dâng trào thật sự đã cuốn hút được cả ê-kíp.

"Cứ thử dành ra 3-4 năm để theo đuổi ước mơ của mình xem đó có phải là ước mơ đích thực không..."

- Thực hiện nhiều chương trình dành cho tuổi trẻ, vậy anh thấy các bạn trẻ ngày nay có phẩm chất gì làm anh yêu thích?

Tôi thấy các bạn trẻ hiện nay có nhiều cơ hội để tiếp cận với nhiều nền văn minh trên thế giới và tiếp thu mọi thứ nhanh chóng, dễ dàng qua mạng Internet. Có một điểm ở các bạn trẻ hiện nay mà tôi rất thích đó là sự táo bạo. Họ không chịu lặp lại cái gì hết, họ thích những cái mới. Dù không phải sáng tạo nào cũng đúng, nhưng tôi vẫn rất thích các diễn viên trẻ suy nghĩ khác những thế hệ đàn anh đi trước.

Có một vài bạn trẻ nhắn tin hoặc gọi điện cho tôi hỏi họ cao như thế này, nặng như thế này thì có thể làm diễn viên được hay không, có thể đến với nghệ thuật hay không? Tôi trả lời các bạn ấy là cuộc đời mỗi chúng ta đều có ước mơ, cứ thử cho mình thời gian 3 - 4 năm để thực hiện ước mơ đó một cách hết sức, để nhìn nhận đó có phải là ước mơ đích thực của mình không. Tôi luôn ủng hộ những ai dám thực hiện những đam mê của mình.

- Với VTV6 là một kênh truyền hình dành riêng cho giới trẻ, theo anh VTV6 cần làm gì để hấp dẫn được các bạn trẻ?

Làm chương trình cho giới trẻ thì phải đầy ắp tiếng cười. Tôi luôn lựa chọn một chương trình đầy ắp tiếng cười.

Tôi lấy kinh nghiệm từ sân khấu khấu thôi, khi tôi dựng một vở kịch nào đó, tôi cũng muốn khán giả kéo đến xem rất đông. Tôi nghĩ những chương trình của người trẻ phải có những cái để khán giả họ xem họ thấy cuộc đời họ trong đó. Nhưng cũng cần có những cái mà ở ngoài đời các bạn trẻ không thấy thì mới hấp dẫn họ được. Tức là mình phải tìm ra những con đường đi riêng. Phải hướng về tính thẩm mỹ, về tính giáo dục nhưng cũng phải chứa đựng tính hài hước trong đó nữa. Vì một thông điệp khi được truyền tải bằng tiếng cười thì người xem sẽ dễ tiếp cận hơn.

- Xin cảm ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước