Sinh ra trong một gia đình có nền tảng âm nhạc, học Nhạc viện Hà Nội và đầu quân cho nhà hát ca múa nhạc Việt Nam nhưng lại rẽ ngang sang làm đạo diễn, vậy lý do chị chuyển ngành là gì?
Tôi sinh ra trong cái nôi âm nhạc, mỗi một giai đoạn một khác, hồi nhỏ ở Nhạc Viện Hà Nội, tôi học âm nhạc cổ truyền, thanh niên thích đi đây đi đó, bay nhảy nên tôi đầu quân vào Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, một thời gian, ngoài 30 tuổi tôi làm đạo diễn tại Ban Văn nghệ Đài THVN.
Nói là chuyển nghề cũng không phải, tôi gắn bó và làm âm nhạc ở mỗi giai đoạn khác nhau thôi. Thời gian học nhạc viện là thời gian ở nhà hát ca múa nhạc là viên gạch nền móng cho tôi thu thập nhiều kiến thức để giờ đây làm một đạo diễn ca nhạc.
Chị có thống kê đã bao nhiêu chương trình ca nhạc chị làm, và chương trình nào chị ấn tượng nhất, để lại cho chị dư âm lâu nhất?
Tôi không thể thống kê nổi vì làm quá nhiều. Mỗi chương trình lại có một dấu ấn và một kỷ niệm riêng, mà thường người ta chỉ nhớ đến những kỷ niệm khổ. Nghề đạo diễn vất vả và cực nhọc, ngoài những khả năng chuyên môn, con người phải có niềm đam mê, sự say nghề, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt thì mới có được tác phẩm mình mong muốn.
Gian truân của tôi nhiều lắm, ví dụ một lần để lấy được toàn cảnh suối Yến và độ cao của chùa Thiên Trù, cảnh bình minh suối Yến, chúng tôi phải tính đến điểm quay rất cao. Đường lên không có, chúng tôi vừa đi vừa mở đường, chúng tôi leo theo núi đá, tôi nhớ lúc đó, trên đầu tôi là anh Sỹ Khoa quay phim, dưới chân tôi là đầu của một anh kỹ thuật và dựng cảnh. Leo lên quay xong, đến lúc xuống sợ quá, cứ úp mặt vào trườn xuống, không dám nhìn xuống dưới, vì dốc núi thăm thẳm, đến khi đặt chân tới đất an tòan, chúng tôi vẫn không khỏi hoàn hồn và không thể hiểu tại sao mình có thể leo cao đến thế.
Và có lẽ, tất cả đó là do tình yêu nghề, sự hăng say với công việc nên chúng tôi đã làm bằng tất cả trái tim, nhiệt huyết và sức khỏe của mỗi người.
Phụ nữ làm đạo diễn truyền hình rất vất vả, có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi và nản không?
Tôi nghĩ là tất cả ai làm ở Đài THVN đều eo hẹp về thời gian trong công việc, tôi chả thấy ai đi chậm, ai cũng hối hả để xong công việc... Nhưng nếu chỉ chú ý công việc mà sao nhãng việc gia đình thì quả là một thiếu sót, bản thân mình đi làm để phục vụ cuộc sống thế mà cuộc sống lơ đãng thì không còn ý nghĩa gì cả. Cái gì cũng thế, mình gieo trồng mới có quả ngọt, nên tôi luôn cố gắng thu xếp công việc hiệu quả nhất để có thời gian cho gia đình, chồng con hơn. Ngoài những lúc đi công tác xa, còn lúc ở Hà Nội, tôi luôn cố gắng về nhà trước chồng để anh ấy tránh cảm giác lúc nào cũng thấy vợ vắng nhà nhiều quá. Công việc không thấy nản, nhưng cũng cố gắng điều chỉnh cuộc sống làm sao cho phù hợp nhất.
Những lúc ấy chị đã làm gì để làm cho cuộc sống cân bằng trở lại?
Thực tế nghiệp đạo diễn rất vất vả. Ngoài khả năng chuyên môn thì mình cần có lòng say mê, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt thì mình mới có những thước phim hài lòng. Làm nghề là duyên nghiệp, yêu nó mới làm được, không yêu nghề thì không thể làm được.
Để cân bằng cuộc sống gia đình và công việc thì với tôi, tôi luốn cố gắng điều chỉnh thời gian làm việc và thời gian dành cho gia đình.
May mắn với nghề đạo diễn, chúng tôi còn có 50% thời gian làm hậu kỳ, những lúc đó có thể là những lúc mà tôi tĩnh tâm lại để chăm lo tác phẩm của mình, dùng tư duy, bằng tình thần để cân bằng mọi thứ.
Xin cảm ơn chị!