- "Khoan nói lời yêu thương” - cái tít thật ấn tượng. Anh có thể nói một chút về bộ phim này được không?
- Khoan nói lời yêu thương (kịch bản: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: Nhuệ Giang). Bộ phim xoay quanh câu chuyện về Hoàng và gia đình của anh ta, Hoàng là nhân vật được cả thị trấn xem là người đàn ông lý tưởng. Tuy nhiên, trong ngôi nhà được xem là yên ấm ấy luôn có những giọt nước mắt lăn dài trên má của Thảo - vợ Hoàng. Cô luôn trong tình trạng thiếu ngủ và ngày một xanh xao, gầy mòn.
Đứa con đầu lòng của Hoàng luôn lo sợ về cuộc sống gia đình và không muốn lấy chồng…Hoàng quan niệm đàn ông phải tạo ra quyền lực, sức mạnh, trật tự trong gia đình phải theo luật cấm cãi, nể vợ, sợ con là hèn…
Thông điệp về bạo lực gia đình trong phim được chuyển tải không phải thông qua sự miêu tả những cảnh đánh đập tàn bạo, mà lặng thấm vào tâm tư người xem bởi những đày đọa về mặt tinh thần.
Gia đình nghệ sĩ Phạm Cường
- Công bằng mà nói, anh hóa thân nhân vật Hoàng một cách khá ngọt. Phải chăng Hoàng có phảng phất chút gỉ ở anh?
- Lâu nay chúng ta quen với quan niệm, nhân vật phản diện thì xấu hoàn toàn, còn nhân vật chính diện thì cái gì cũng tốt. Song thực tế không phải vậy, cái gì cũng có hai mặt, chỉ có mặt này trội hơn mặt kia thôi. Nhân vật Hoàng cũng thế. Mục đích của Hoàng là tốt (muốn gia đình phải có nề nếp gia phong, mọi người phải biết tự giác kiểm điểm mình…) nhưng cái phương pháp mà anh ta chọn để thực hiện mục đích ấy lại sai lầm nên vô hình trung nó trở thành bạo lực gia đình mà anh ta không hay.
Nếu soi vào nhân vật Hoàng để nhìn mình thì không riêng gì tôi đâu, rất nhiều đàn ông trong gia đình trí thức phải giật mình và cần xem lại mình. Có thể ít, có thể nhiều, bởi trong gia đình truyền thống của người Việt vẫn còn quan niệm “nhà chỉ có một nóc, nước không thể hai vua” - khiến người ta không nhận thấy: đó chính là mầm mống của bạo lực gia đình. Phải thú thật, sau khi đóng xong bộ phim này, tôi cũng phải cảnh giác với chính bản thân. Những sự ngọt ngào có khi cũng là bạo lực nếu mình quá hiếu thắng trong cuộc sống.
- Không chỉ bạn bè, đồng nghiệp mà cả những người hâm mộ đều ngưỡng mộ hạnh phúc của gia đình anh. Phải chăng, anh cũng đã có sắp xếp trật tự cho gia đình mình?
- (Cười). Tôi xin được cảm ơn mọi người vì đã dành tình cảm cho gia đình tôi. Nói một cách công bằng thì gia đình nào cũng phải có một trật tự rõ ràng nhưng sự sắp xếp ấy phải phù hợp, không nên quá gò nó vào một khuôn khổ. Hay quá tập trung quyền lực vào một người để gây sự mất bình đẳng và dẫn đến mâu thuẫn.
Ở nhà mình, hai vợ chồng đều là nghệ sĩ, cho nên nếu cứ nhất nhất, vợ ngoài công việc xã hội phải có trách nhiệm chăm lo con cái thu vén gia đình thì cũng khó giữ được hạnh phúc. Vì thế, lúc Quế không bận diễn thì công việc nội trợ, con cái Quế lo nhưng nếu cô ấy bận mà tôi rảnh thì công việc ấy mình sẽ đảm nhiệm. Dĩ nhiên, người đàn ông vẫn phải giữ vai trò trụ cột trong gia đình nhưng không quá phân biệt rõ ràng những việc này thuộc về đàn ông, việc này thuộc về đàn bà.
- Vậy cảm giác của anh ra sao khi trên màn ảnh vợ mình là vợ người ta?
Phải nói chính xác, đôi khi cũng cảm thấy chạnh lòng. Tuy nhiên vợ mình cũng thế khi thấy mình “là chồng người ta” nhưng cảm giác đó qua đi rất nhanh, vì cùng làm nghề với nhau nên hiểu. Nếu như có khúc mắc sẽ được giải quyết thấu đáo bởi đó chỉ là công việc.
- Đành rằng, những cảnh tình cảm trên phim chỉ là phim thôi nhưng chẳng lẽ, với bạn diễn đôi… không có tình cảm mà lại diễn được “như thật”?
- Nghề diễn cũng là một cái nghề thôi. Ví như nghề báo là nghề viết, nghề phản ánh thông tin vậy. Tuy nhiên, đối với nghề diễn, trong quá trình diễn, thông thường chúng tôi phải tranh thủ làm sao tạo mối quan hệ tốt nhất để có thể diễn tốt cùng nhau. Nhưng phải thú thực, chúng tôi rất sợ diễn mà…không có chút tình cảm nào.
- Anh có thể bật mí một chút về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình?
- Bí quyết gì đâu (cười). Tôi luôn nghĩ rằng hạnh phúc không thể chủ quan mà phải luôn hoài nghi về nó để có ý thức giữ gìn. Trong gia đình nhà mình, cả hai vợ chồng không bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng, mà chỉ nghĩ là mình có một công việc tốt mà mình yêu thích, giúp mình cải thiện cuộc sống tốt hơn. Cuộc sống giản dị, không đòi hỏi nhu cầu quá lớn và phải biết hy sinh cho nhau. Người này phải biết nghĩ cho người kia và ngược lại. Dĩ nhiên sự nghĩ hay hy sinh đó không được xem là sự ban phát cho nhau.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi và chia sẻ thẳng thắn này.