Trước và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều phóng viên chiến trường đã theo sát các đoàn quân để ghi lại hình ảnh về cuộc chiến đấu vĩ đại của quân và dân cả nước. Theo bước chân thần tốc - chương trình đặc biệt kỉ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mang đến cho khán giả nhiều điều chưa biết phía sau những thước phim lịch sử.
Các nhân chứng lịch sử tham gia chương trình phần lớn tuổi đã cao, vì vậy ê kíp thực hiện Theo bước chân thần tốc thuộc Trung tâm Phóng sự và Phim tài liệu - Đài THVN quyết định sử dụng các thước phim lịch sử về chiến dịch Hồ Chí Minh làm "đường dẫn". Từ những "đường dẫn" đó, nhiều bí mật thú vị đăng sau những thước phim được hé hộ.
‘ Các thành viên của truyền hình Việt Nam vào tiếp quản đài Ngụy năm 1975
Ông Hoàng Tích Chỉ: "Lúc bấy giờ xưởng phim truyện cử 5 đoàn lên đường vào Nam là đoàn của các anh Hải Ninh, anh Tiến Lợi, anh Bùi Đình Hạc, anh Trần Vũ và anh Đặng Nhật Minh. Tôi ở trong đoàn anh Hải Ninh, khi 5 xe lên đường, xưởng phim và các gia đình tổ chức tiễn đưa các xe ô tô cắm cờ đỏ sao vàng và cờ mặt trận giải phóng.
Có thể nói chúng ta đã dốc toàn lực lượng ra chiến trường, đến những người làm phim truyện cũng lên đường vào tuyến lửa làm phim tài liệu. Xe mới, tăng võng mới, cái gì cũng mới nên chúng tôi lên đường như trong ngày hội. Giải phóng đến đâu chúng tôi vào đến đấy.
Vào đến Nha Trang chúng tôi đã có một cuộc họp 5 tổ để phân chia công việc. Sau cuộc họp, bao nhiêu phim màu được dồn hết cho đoàn của anh Hải Ninh. Lúc đầu đoàn của chúng tôi bàn sẽ đi dọc theo ven biển vì sẽ quay được rất nhiều cảnh về dân di tản nhưng sau đó chúng tôi quyết định đi đường rừng vì sẽ an toàn hơn và nhanh hơn.
Trên đường đi, đoàn của anh Bùi Đình Hạc bị hỏng xe, anh đề nghị xe của chúng tôi kéo xe của anh để cả hai đoàn cùng đi nhưng anh Hải Ninh nói nếu vậy có khi cả hai đoàn sẽ cùng bị chậm nên chúng tôi đã chia tay anh Hạc để tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Trên đường đi cũng xảy ra tai nạn dồn xe, anh Hải Ninh và anh Khánh Dư bị bật ra khỏi xe nhưng cả hai anh đều may mắn không sao. Điều đáng nói là anh Khánh Dư ôm máy quay văng ra lăn mấy vòng mà máy quay to thế vẫn được anh ôm gọn trong lòng, nên may mắn không có va đập nào vào máy.
‘ Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ
Tại Dinh Độc Lập, các đoàn quay phim vui mừng, kẻ trước người sau gặp nhau cười nói xuôi ngược và cũng có rất nhiều đoàn làm phim của nước ngoài có mặt. Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ chúng tôi chỉ được giao là phải đi vào Nam để ghi lại hình ảnh chiến đấu của quân và dân ta để làm tư liệu, nếu có thể thì phát triển thành phim, nhưng làm phim gì thì lại chưa có kế hoạch.
Khi chúng tôi có mặt ở Sài Gòn ngày 30/4, mới thấy có quá nhiều cái để quay và ý tưởng cũng bật ra là làm phim về Sài Gòn ngay sau khi giải phóng và kịch bản phim tài liệu “Thành phố lúc rạng Đông” ra đời ngay sau đó.
Nhà quay phim Phùng Đệ: "Chúng tôi theo đoàn quân chủ lực tiến vào Sài Gòn. Đến Cầu Bông, chúng tôi bất ngờ gặp phải sự chống trả của phía quân Ngụy. Một trận đánh ác liệt diễn ra. Tôi nhanh chóng nấp phía sau một số xe tăng để ghi hình. Nhưng cũng chỉ quay được vài cảnh toàn do súng lớn bắn quá mạnh từ phía địch.
Tôi vừa quay vừa nghĩ, không biết liệu mình có tới được Sài Gòn hay không khi mà hai bên đánh nhau vẫn dữ dội như thế này. Sau 3 giờ đồng hồ bắn nhau ác liệt, cuối cùng tiếng đạn ít dần rồi tắt hẳn. Quân Ngụy không bắn trả nữa. Sau 15 phút im ắng, cuối cùng thì đoàn xe tăng của quân chủ lực tiến lên bắn liên tục vào phía địch. Tôi nhìn thấy 3 xe tăng bốc cháy từ phía quân ngụy.
‘ Trưa ngày 30/4/1975, những người lính xe tăng đã đánh chiếm
hoàn toàn dinh Độc Lập (Tư liệu)
Sau đó thì chúng tôi đã vượt qua được thành lũy này và chạy nhanh về phía Sài Gòn. Đến tận gần 5h chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi mới tới được Bộ Tổng tham mưu. Khi đến Bộ Tổng tham mưu thì xe tăng của đoàn chúng tôi tiến thẳng vào trong mà không có sự kháng cự nào từ phía địch".
Nhà quay phim Đặng Xuân Hải: "Tôi theo đoàn quân giải phóng đến sông Vào Cỏ thì dừng lại vì không thể qua do đây là vùng đầm lầy. Cả đoàn khựng lại vì chiếc xe tăng đi đầu dừng bất ngờ. Mọi người ra khỏi xe để tiến phía mặt sông. Chỉ huy cùng một số anh em đi lại và bàn phương án xử lý.
Đang bàn bạc, bỗng mấy người dân địa phương đi ra, tiến lại gần mấy đồng chí chỉ huy. Sau khi trao đổi, thêm hàng chục, rồi hàng trăm người dân địa phương ra giúp chúng tôi vượt sông. Họ làm bè gỗ để xe tăng đi xuống, sau đó tất cả phải cùng đẩy trên mặt sông sền sệt bùn cứng. Vừa đi vừa sợ nhưng tôi đã kịp quay những cảnh đó. Đúng là sáng tạo của nhân dân đã hỗ trợ đoàn quân vượt qua khó khăn. Chiếc tăng đầu tiên sang được bờ bên kia khiến cả đoàn hò reo vang trời. Tiếp theo đến là sử dụng dây kéo từ phía chiến tăng bên bờ kia nên từ chiếc thứ 2 thì mọi chuyện trở nên nhanh và đơn giản hơn rất nhiều.
‘ Ông Đặng Xuân Hải thời gian ở chiến trường Trị Thiên - Huế (1968 - 1972)
Chỉ sau 3 tiếng, đoàn của chúng tôi đã tiếp tục lên đường tiến về Sài Gòn. Chúng tôi tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn thì thấy người dân đổ ra đường khá nhiều, chủ yếu là thanh niên. Họ đi những chiếc xe máy, thậm chí có đám còn đi ô tô vừa đi, vừa hò reo, đồng thời dẫn đường các đoàn. Chúng tôi cũng phải hỏi đường mới vào đến Dinh Độc lập.
Đến nơi thấy quang cảnh rất đông xe tăng của quân giải phóng đỗ trong sân. Chúng tôi vào trong thì thấy láo nháo các phóng viên trong và ngoài nước đứng ở vòng ngoài, trong phòng là một số vị lãnh đạo của chính quyền Sài Gòn đang ngồi. Một số sỹ quan của ta đang đứng làm các thủ tục cần thiết, một số cán bộ tiếp quản đang ghi chép. Tôi nhanh chóng tranh thủ quay nội các của Dương Văn Minh đang ngồi ở đó. Tiếp theo là đi quay các phòng khác của Dinh Độc Lập. Cảnh tan hoang, cửa kính vỡ, đồ đạc bữa bãi đạp vào mắt tôi."