Hồi ức của những nhà báo chiến trường về Đại thắng mùa xuân năm 1975 (Kỳ 2)

Yến Trần-Thứ sáu, ngày 02/05/2014 10:00 GMT+7

Không cầm súng nhưng bằng máy quay phim, họ đã dũng cảm ghi lại những thời khắc cả dân tộc đứng lên giành độc lập, thống nhất non sông. Theo chân ê-kíp thực hiện chương trình Theo bước chân thần tốc, phóng viên VTV Online đã ghi thêm được nhiều câu chuyện cảm động...

Theo bước chân thần tốc của quân giải phóng, các nhà làm phim chiến tranh đã ghi lại được nhiều hình ảnh có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc. Để lại sau lưng bao nỗi niềm riêng, rất nhiều câu chuyện cảm động đã được chia sẻ từ những người "chép sử bằng hình ảnh".

‘ PV ông Nguyễn Văn Thâu (Nguyên phụ trách Đài TH Ngụy quyền) - Người đã giúp đỡ đoàn THVN vào tiếp quản.

Nhà quay phim Bùi Xuân Thiện: "Tôi theo một nhóm từ Tây Nguyên xuống, có mặt ở Sài Gòn vào chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lúc đó mọi người đều hỏi đường để đến được Dinh Độc Lập vì nghe đài phát thanh thì nội các Dương Văn Minh đang ngồi chờ Mặt trận giải phóng để bàn giao. Vì vậy, chúng tôi hỏi đường để làm sao nhanh chóng đến đó cho kịp vì sợ không còn gì nữa để quay.

Lúc đó, thật nóng lòng đến được đích vì sau bao nhiêu năm bám trụ cùng các quân đoàn, chúng tôi đã nếm trải bao khó khăn, nguy hiểm, giờ hòa bình rồi cảm xúc thật khó tả. Sung sướng vô cùng nên muốn được ghi lại cảm xúc đó. Sau nhiều lần hỏi, xe băng qua nhiều con phố, chúng tôi đến chỗ rất đông người, vòng trong, vòng ngoài. Tôi đoán đó là Dinh Độc Lập vì cũng chưa được nhìn ảnh nó bao giờ. Anh chỉ huy xe tăng bật dậy nói: Dinh Độc Lập kìa anh em ơi! Chúng tôi lao thẳng vào trong thì thấy xe tăng của ta để đầy ngoài sân.

Người dân Sài Gòn vào ngắm xe và hỏi han các chiến sỹ quân giải phóng. Tôi quay luôn những cảnh đó nhưng cũng không quay nhiều vì thực sự lúc đó muốn quay cái gì nó lớn lao hơn. Sau đó, tôi đi vào bên trong thì gặp rất nhiều anh em quay phim trong đó".

Kỹ sư âm thanh Trần Mạnh Hùng: "Trên đường vào Nam, chúng tôi mỗi người được cơ quan phát cho 100 đồng để tiêu dọc đường. Ngày đó 100 đồng đã là một số tiền lớn nhưng chúng tôi chẳng tiêu gì vì đến đâu cũng có chỗ ăn rồi. Nhưng đến Đà Nẵng, tôi thấy có cửa hàng bán đồ điện tử.

Lần đầu tiên nhìn thấy những thiết bị liên quan đến nghề nghiệp của mình được sản xuất từ các nước tư bản thì thích lắm vì từ trước chúng tôi chỉ dùng đồ của các nước XHCN. Tôi đã quyết định mua cái máy ghi âm của Nhật với giá 70 đồng, gần hết số tiền được phát. Nhưng thực sự nó rất có giá trị, âm thanh ghi được cực trong và rõ. Vào đến Sài Gòn, tôi đã cùng đoàn làm phim sử dụng ghi âm hiện trường bằng thiết bị này và nó đã đem lại hiệu quả cực tốt trong bộ phim tài liệu của tôi sau này".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: "Lúc đó, tôi và phần lớn anh em làm phim khác chủ yếu đi quay cảnh không khí bà con nhân dân phấn khởi chào đón ngày giải phóng và những tệ nạn do chế độ cũ để lại. Vì vậy, mà các đoàn làm phim hay đi chung với nhau. Sau này tôi thấy nhiều phim có hình ảnh giống nhau nhưng thực chất là nhiều người quay chứ không phải sử dụng lại tư liệu của nhau.

‘ Hình ảnh phóng viên chiến trường tác nghiệp khi vào giải phóng Sài Gòn được ghi lại (Tư liệu)

Tôi quan sát thấy gương mặt của mỗi người đều có chung một điều là hồ hởi, tươi vui. Vì vậy, tôi quyết định làm phim về sự đổi thay của thành phố qua các gương mặt. Bộ phim Tháng 5 – Những gương mặt chính là tác phẩm phim tài liệu đầu tiên của tôi được giải thưởng sau đó. Phải nói là thời điểm đó, mọi người đều rất cố gắng ghi thật nhiều hình ảnh.

Tuy nhiên, tôi thấy tiếc một điều rằng, những hình ảnh tố cáo tội ác của chiến tranh, của Mỹ ngụy ít được quan tâm. Vì vậy, đến bây giờ nhìn lại chúng ta ít thấy có hình ảnh nào mang giá trị lịch sử đắt giá có thể cho thế giới biết được chiến tranh ở Việt Nam tàn khốc như thế nào mà chủ yếu là của các nhà làm phim nước ngoài quay được".

Nhà quay phim Nguyễn Anh Dũng: "Khi bắt đầu đi ở Nha Trang, chúng tôi đã biết tin Sài Gòn sắp được giải phóng nên dùng mọi cách để đi thật nhanh. Nhưng đến xa lộ Hà Nội, cạnh Biên Hòa lúc đó là hơn 1h sáng ngày 1/5, chúng tôi bị một xe Jeep chặn lại. Cả đoàn nghĩ, chắc là mình đụng đầu với bọn ngụy rồi, cả đoàn sẵn sàng ứng phó nhưng thật bất ngờ, bước xuống xe là một đồng chí Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đó nói, đừng vào trong nội thành vì phía trước vẫn còn nguy hiểm do hai bên vẫn giằng co.

Vì vậy, chúng tôi được người của mặt trận giải phóng đến và dẫn đi vào nhà một thợ may để nghỉ. Cả đêm chẳng ai chợp mắt. Đến hơn 5h sáng ngày 1/5 chúng tôi mới vào đến Sài Gòn, hỏi đường mãi mới vào đến Dinh Độc Lập... Vì nhiệm vụ của chúng tôi làm phim tài liệu tố cáo chiến tranh nên việc quay ở Dinh Độc Lập không quan trọng nên chỉ quay được một ít rồi sau đó đi ra ngoài quay các hoạt động khác.

‘ Nhà quay phim Nguyễn Anh Dũng đang chia sẻ câu chuyện của mình - Ảnh: Phan Anh Tú

Trên đường đi chơi ngắm đường phố Sài Gòn bất ngờ tôi thấy một đám thanh niên đang kéo đổ bức tượng lính thủy quân ngụy ở gần đường ra bờ sông Sài Gòn. Vốn là người luôn mang máy quay bên người, tôi chộp quay luôn. Vì đã quen với kiểu làm thời sự nên ngay chiều hôm đó, tôi mang phim ra sân bay Tân Sơn Nhất nhờ người gửi ra Hà Nội. Tối hôm đó, ở khách sạn, tôi được cơ quan ngoài Hà Nội gọi báo là đã kịp phát sóng trong chương trình thời sự. Hình ảnh đó đã được nhiều người, trong đó có anh em làm nghề khen ngợi, đánh giá cao".

Đạo diễn Xuân Phượng: "Tôi cùng đoàn một số anh nhận nhiệm vụ đi từ Hà Nội vào Sài Gòn để làm phim tài liệu về giải phóng miền Nam. Đến Huế tôi thực sự xúc động trước cảnh giải phóng ở quê hương mình. Tôi là người Huế và tập kết ra Bắc rất lâu rồi. Giờ giải phóng rồi tôi về thẳng quê, gặp được bà ngoại tôi, cả hai đều ôm lấy nhau khóc nức nở. Đúng là giờ phút thiêng liêng, hạnh phúc nhất đời tôi.

‘ Những thành viên THVN vào tiếp quản đài TH Ngụy năm 1975

Ngay sau đó, chúng tôi đi tiếp vào Đà Nẵng. Ở đây chúng tôi gặp đoàn của anh Nguyễn Anh Dũng và cùng nhau đi tiếp cả chặng đường vào Nam. Đi đến đâu tôi cũng gặp niềm hân hoan trên gương mặt của người dân. Đến Sài Gòn thì tôi và Nguyễn Anh Dũng, Phạm Việt Tùng đi tác nghiệp cùng nhau, mỗi người một ý tưởng và nhiệm vụ khác nhau.

Là người đi nhiều nơi, làm nhiều phim tôi chợt nhận ra rằng, đất nước đã hòa bình rồi, sao mình không nhìn cuộc sống mới bằng góc nhìn mới. Tôi đi tìm những gia đình người dân bắt đầu cuộc sống mới ra sao. Và bản thân mình từ một phóng viên chiến trường cũng kịp nhận ra rằng, mình đã là phóng viên thời hòa bình. Chỉ hai ngày sau, tôi đã kịp thích nghi với cuộc sống mới với góc nhìn mới. Ngay trong năm đó, tôi đã hoàn thành bộ phim tài liệu Khi cuộc sống mới bắt đầu".

Nhà quay phim Phạm Việt Tùng: "Tôi là một trong những người đi cùng chuyến đi với ông Huỳnh Văn Tiếng - đại diện mặt trận thống nhất để vào tiếp quản đài truyền hình chế độ cũ. Là quay phim chiến trường nhiều năm, đặc biệt là đã từng quay chiến dịch ném bom B52 trên bầu trời Hà Nội của Mỹ nên mọi nguy hiểm đối với tôi cũng đã quen.

‘ Nhà quay phim Phạm Việt Tùng (áo xanh)

Vì đoàn đi liên tục để kịp mốc 30/4 có mặt tại Sài Gòn thực hiện việc tiếp quản nên không có nhiều thời gian quay. Do đó, trên đường đi chủ yếu tôi quay các đoàn xe ngược xuôi trên đường, những đống đổ nát khắp nơi và những đoàn người đi lại.

Đến Sài Gòn, chúng tôi ấn tượng nhất là cảnh sinh viên đứng ra hướng dẫn giao thông, chỉ đường cho các đoàn quân giải phóng. Ngay lập tức, tôi hỏi sinh viên để đến ngay đài truyền hình Sài Gòn. Đến nơi mọi thứ vẫn còn nguyên nhưng chẳng có ai. Tôi nhanh chóng hỏi đường để đến Dinh Độc Lập. Nhìn thấy đông người có mặt, tôi lao vào để quay nhưng ở đó cũng không có gì nhiều. Tôi quay ra đường đi các phố để quay không khí của người dân.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm quay trở lại Dinh Độc Lập thì thấy bị chặn lại. Vì vậy, chỉ đứng ngoài quay vào. Bên ngoài thì từng đoàn, từng đoàn chạy xe đi qua, hò hét ầm ĩ, chủ yếu là sinh viên. Xung quanh Dinh Độc Lập, hàng đoàn xe tăng đi lại trong tiếng hò reo của người dân chào mừng. Tôi đã kịp quay được cảnh chiếc xe tăng đè lên lá cờ 3 sọc của chính quyền Sài Gòn cũ. Đó là cảnh quay tôi tâm đắc trong rất nhiều hình ảnh quay được tại Sài Gòn trong những ngày đầu giải phóng".

Sự kiện lịch sử 30/4/1975 sẽ mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hàng vạn các chiến sỹ đã ngã xuống để có ngày toàn thắng. Họ là những anh hùng và những nhà làm phim chiến tranh đã đi theo từng bước chân anh hùng, từng bước chân thần tốc cũng là những anh hùng của thế hệ Hồ Chí Minh.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước